Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Mai CHi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to - ảnh 1
Góc ban công xanh mướt nhà Bến. Ảnh: NVCC

Đánh liều vì “sống chết cũng có nhau”
“Vỡ mộng” - Hoàng Thu (30 tuổi, huyện Gia Lâm) kết luận ngắn gọn về cuộc sống sau hôn nhân. Nó khác xa với những mật ngọt lúc còn yêu nhau. “Vì nó gắn với cơm, áo, gạo, tiền. Sau khi “hai ta về một nhà”, lương hai đứa cứ hết từ giữa tháng vì đủ các khoản phải chi tiêu. Mọi chi phí càng tăng thêm khi tôi mang thai đứa con đầu lòng” - cô kể.

Cùng với việc phải tìm cách tăng thêm thu nhập, vợ chồng Thu nghĩ tới chuyện mua nhà. “Dù to hay nhỏ, cũng là có một chốn dung thân, các con không phải ở trọ trong điều kiện thiếu thốn, chật hẹp”- cô nói.
Khi đó, chồng cô là một thủy thủ, cô đang ở những tháng cuối của thai kỳ, có mẹ lên ở cùng trong căn phòng trọ chật hẹp. Càng gần ngày sinh, quyết tâm mua nhà càng cao, nhưng điều mà đôi vợ chồng trẻ thiếu nhất vẫn là… tiền.

Về quê sinh con và ở cữ, chồng đang lênh đênh trên biển, hai vợ chồng nhờ anh chị đi tìm nhà hộ. Họ chọn giúp cho Thu được một căn chung cư nhỏ, vừa với khả năng chi trả của vợ chồng Thu trong nay mai. Lúc ấy, trong tay hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn gần 45 triệu đồng. “Giờ nghĩ lại, đúng thật chúng tôi đi mua nhà mà như đánh liều. Lúc ấy chỉ nghĩ, dù thế nào thì sống chết cũng có nhau, và cũng vì mục tiêu đón con chào đời”.

Họ gom hết tất cả tiền tiết kiệm, tiền thai sản của Thu và may mắn có họ hàng, bạn bè cho vay mượn để trả đủ tiền mua nhà. “Ngày được chồng đưa hai mẹ con vào căn nhà “của chúng mình”, cảm giác đầu tiên của tôi là căn nhà nhỏ nhưng ấm áp vô cùng. Dù chỉ là nhà chung cư cũ, rất nhỏ nhưng đó là sự cố gắng của chúng tôi. Tôi cũng lạc quan nghĩ, nhà nhỏ nên dù ở góc nào trong căn nhà, tôi đều có thể nhìn được con. Việc dọn dẹp nhà sẽ nhanh chóng, nhàn nhã hơn. Và điều quan trọng nhất mà chúng tôi bảo với nhau: Nhà nhỏ nhưng hạnh phúc là được!”. 

Từ khởi đầu đó, hai vợ chồng chưa một ngày nào thôi cố gắng vì hạnh phúc gia đình. Số lương chồng gửi về mỗi tháng dùng để trả nợ, còn lương của Thu để chi tiêu trong gia đình. Điều mà vợ chồng cô biết ơn nhất trong hành trình mua nhà của mình là sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Theo Thu, nếu không có điều kiện để mua nhà đất, ta có thể mua chung cư; nếu không có nhiều tiền mua nhà mới, ta có thể mua nhà cũ; nếu không thể mua nhà to, ta có thể mua nhà nhỏ… Luôn có lựa chọn phù hợp dành cho tất cả, như quan niệm của vợ chồng tôi: “Nhà to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là đủ tình yêu thương”.
Một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa
Sau khi cưới nhau, Yến Linh (28 tuổi, làm kế toán, sống tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa) và chồng quyết định tạm thời kế hoạch, hoãn việc sinh con để ưu tiên mua nhà trước. Cả hai tích góp được 1/5 giá trị căn nhà, phần còn lại đều là vay mượn từ gia đình, họ hàng và vay ngân hàng. Họ phân chia, lương chồng để trả nợ, lương vợ để chi tiêu. 

Những ngày tháng sau khi mua nhà là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Hai vợ chồng Linh tiết kiệm chi tiêu một cách tối đa có thể. Sau giờ làm, Linh nhận thêm việc ở ngoài để làm vào buổi tối, có khi tới khuya. Chồng cô cũng thế, thức khuya bên những bản vẽ công trình. Có những đêm hai vợ chồng cùng chong đèn, mải miết làm việc, “người này giục người kia đi ngủ trước mà có ai chịu đứng lên khỏi bàn đâu. Càng làm càng thấy không biết mệt vì lúc nào cũng có chồng ở bên động viên cùng cố gắng. Cứ như thế chúng tôi đã trả nợ mua nhà trong vòng 2 năm, khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với dự định”- Linh bồi hồi nhớ lại. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi các khoản nợ vơi đi cũng là lúc Linh có bầu con đầu lòng.

Trang hoàng cho căn nhà đầu tiên luôn là một điều rất quan trọng. Với hai vợ chồng chị Hà Trang (32 tuổi, quê Quảng Ngãi, hiện ở quận Hà Đông, Hà Nội), ngôi nhà đầu tiên và cũng là tài sản lớn nhất nên cả hai vợ chồng đều chăm chút cho nó từ những chi tiết nhỏ nhất. “Từ việc chọn mẫu nhà, chọn gạch hay chọn màu sơn đều do vợ chồng mình bàn bạc và cùng nhau quyết định. Ngay cả rèm cửa cũng là mình đặt về rồi chồng mình tự tay lắp. Hai vợ chồng đều chăm chút từng tý một cho ngôi nhà nhỏ đó” - chị Trang nói. Thậm chí đồ dùng, bát đĩa, cô còn sưu tầm từ hồi chưa lấy chồng, nhờ bạn bè mua rồi xách từ nước ngoài về. “Nói chung từng món đồ đều chứa đựng thật nhiều tâm huyết và tình cảm của mình ở đó. Mình thực sự yêu những khoảnh khắc khi cả nhà ngồi quây quần mỗi tối. Không biết rằng sau này chúng mình có điều kiện đổi được nhà khác rộng đẹp hơn không, nhưng với mình, ngôi nhà đầu tiên này đã mang lại trọn vẹn cảm xúc hạnh phúc nhất”- chị Trang kể.

Nguyễn Bến (làm nghề kế toán) thì lại dành nhiều tâm huyết nhất cho ban công nhà mình. Cô trồng rất nhiều cây, mỗi ngày đều chăm chút, tưới nước và ngắm nhìn sự thay đổi của từng chậu cây. Nhờ mát tay nên ban công nhà Bến được phủ một màu xanh rất mát mắt. Ban công trở thành “góc trò chuyện” của gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hai con của cô dù còn nhỏ, chưa biết chăm cây nhưng thấy mẹ tưới cây là vẫn đòi theo ra tưới cùng. “Màu xanh mát của cây khiến cho mỗi khi trở về nhà là mình như được tiếp thêm năng lượng, bao mệt mỏi tan biến hết. Một ngôi nhà được xây dựng bằng những yêu thương nhỏ sẽ là nền móng cho hạnh phúc bền lâu”- Bến nghĩ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.