Ông bố “thích” nằm viện

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ ngày mẹ chị mất, bố chị dù chẳng đau ốm nặng cũng “bịa” ra bệnh để vào bệnh viện điều trị dăm bữa, nửa tháng khiến cuộc sống con cháu đảo lộn theo. Cả nhà chị có cảm giác, ông “thích” đi viện làm bệnh nhân hơn là sống ở nhà làm người khỏe mạnh.

1.

“Bố lại xuống bệnh viện để điều trị theo chế độ bảo hiểm rồi đấy chị. Lần này, bố bảo đi chừng gần nửa tháng mới về đó” - nghe cậu em trai báo tin bố lại đi viện, chị bực bội thay vì lo lắng cho sức khỏe của ông có vấn đề gì.

Mẹ chị bị bệnh ung thư, sau hai năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, mấy bố con chị đã không thể kéo dài sự sống cho mẹ. Những ngày tháng cả nhà cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, chị hiểu hơn ai hết tình cảm của bố dành cho mẹ sâu nặng đến mức nào. Bố luôn nói với ba đứa con rằng, cả cuộc đời mẹ đã hi sinh cho gia đình quá nhiều, bố chưa kịp bù đắp lại cho mẹ thì số phận đã bắt họ phải chia ly.

Bố là bộ đội công tác xa nhà. Cưới vợ xong, hết ngày phép, bố quay lại đơn vị giao hết trách nhiệm quán xuyến gia đình, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già cho vợ. Mỗi năm, bố nghỉ phép một lần về thăm nhà, quanh quẩn bên vợ được mấy ngày, phụ sửa lại cái bếp, mua sắm thêm một ít đồ đạc rồi lại biền biệt cả năm trời. Tết nhất, có năm bố còn được nghỉ về sum họp với gia đình, có năm bận trực, một mình mẹ xoay xở lo toan chẳng than vãn lời nào. Chị và hai em trai ra đời cũng được bố mẹ rèn luyện, thích ứng lớn lên trong hoàn cảnh sống xa bố quanh năm, tự lập trong học hành và chăm sóc lẫn nhau, cùng mẹ phụng dưỡng ông bà già yếu.

Ông bố “thích” nằm viện - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cứ thế, bao nhiêu năm nay, mẹ hoàn thành trách nhiệm con dâu hiền thảo với bố mẹ chồng cho đến khi họ khuất núi. Mẹ cũng làm tốt vai trò người mẹ, người vợ thay chồng nuôi dạy ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ, chị và hai em trai đều có công ăn việc làm ổn định, lấy vợ, lấy chồng yên bề gia thất.

Đến ngày bố chị về hưu, cuộc sống của mẹ chị mới thảnh thơi một chút. Bố chị dồn hết tình yêu bao nhiêu năm nay xa vắng vợ để bù đắp lại cho bà. Ông chăm sóc, chiều chuộng bà hết mực, khiến ai nhìn vào cũng tưởng họ là đôi vợ chồng mới cưới chứ không phải là vợ chồng già sống với nhau có ba mặt con đã trưởng thành.

Hai người an hưởng những ngày tháng hạnh phúc bên nhau chưa được bao lâu thì mẹ chị phát bệnh. Đi bệnh viện khám, cả nhà chết lặng khi nhận được kết quả bác sĩ thông báo bà bị ung thư. Đối với bố chị, đó là cú sốc lớn, bởi những gì ông dự định bù đắp cho vợ vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.

Sau đó là những ngày tháng bố cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ yêu bố, buồn khổ nhiều vì không nỡ rời cuộc đời này trước ông. Bà vẫn luôn bảo sau này nếu “trời gọi” về với tổ tiên, bà mong để mình đi sau ông, bởi bà lo mình đi trước rồi, một mình ông ở lại không có người bầu bạn, chăm sóc cho sẽ sống khổ. Bà là phụ nữ, dẫu gì cũng biết tự chăm sóc mình nhưng đàn ông “mồ côi” vợ khổ đủ điều. Dù có con cháu đủ đầy nhưng xưa nay người ta vẫn nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Vì vậy những ngày bệnh trở nặng, bà cứ rủ rỉ bảo ông sau này nếu còn sức khỏe thì cứ nghĩ đến chuyện tìm một người phụ nữ khác thay bà bầu bạn chăm sóc ông trong chặng đường sống già. Bà chẳng ghen tỵ, hay hờn trách ông chuyện có thêm vợ, chỉ cần ông sống tốt, bà đi mới yên lòng.

Bấy giờ để vợ không phải nặng lòng suy nghĩ, điều mong muốn nào của bà nói ra ông cũng hứa sẽ làm theo. Chị và hai đứa em trai cũng quặn lòng trước tình cảm của bố mẹ.

Ông bố “thích” nằm viện - ảnh 2
Ảnh minh họa

2.

Rồi mẹ chị mất, bố chị chới với trong cuộc sống. Vợ chồng em trai sống cùng bố rất có trách nhiệm, luôn quan tâm động viên ông nhưng chẳng thể bù đắp được khoảng trống mà bà để lại trong lòng ông. Mẹ chị mất, nỗi đau dù lớn mấy thì cuộc sống của mấy bố con chị vẫn phải tiếp tục. Vợ chồng em trai mở rộng công việc làm ăn nên bận bịu hơn trước, chẳng có nhiều thời gian cho bố hàng ngày.

Chị sinh thêm con thứ hai nên tối mắt với việc chăm con nhỏ, sự quan tâm dành cho bố theo đó cũng vơi dần. Đứa em trai út có kế hoạch cùng vợ ra nước ngoài làm ăn, việc chăm sóc bố “nhờ” hết vào chị và vợ chồng anh trai. Ai cũng mải miết với công việc làm ăn và gia đình riêng của mình mà quên dần sự quan tâm tới bố mình.

Một ngày, bố chị đổ bệnh, bác sĩ bảo bệnh người già, chỉ cần uống thuốc, con cháu quan tâm tới đời sống tinh thần của ông một chút là ổn. Lần đó, bệnh viện cho ông nhập viện điều trị theo chế độ “an dưỡng” cùng với mấy bác thương binh. Sau lần đi viện đó trở về, bố chị có vẻ khỏe hơn về tinh thần. Rồi chẳng biết nghĩ ngợi thế nào mà ra viện được hai tháng, ông lại kêu mệt đòi xuống bệnh viện nằm điều trị theo chế độ bảo hiểm. Chế độ điều trị bảo hiểm của ông được hưởng toàn phần nên con cái chẳng phải nặng gánh viện phí khi ông nằm viện.

Ban đầu chị và em trai cũng lo bố có bệnh tìm gặp bác sĩ điều trị cho ông để biết được tình hình bệnh tật của bố thế nào. Bác sĩ bảo, bệnh của ông không nặng, chỉ là “bệnh vặt” không cần nằm viện, nhưng nếu bệnh nhân muốn nhập viện điều trị an dưỡng thì bệnh viện không từ chối. Bố chị là bộ đội về hưu, lại có chế độ thương bệnh binh nên nằm viện điều trị được chăm sóc chu đáo, người nhà không phải lo lắng nhiều.

Nói là vậy nhưng mỗi lần nghe tin bố đi nằm viện là lòng chị như lửa đốt. Dù cơm nước đã có căng tin bệnh viện phục vụ ngày ba bữa, quần áo thay ra cũng có dịch vụ giặt hộ, con cháu chỉ chạy ra chạy vào động viên tinh thần ông, nhưng nó cũng làm cho cuộc sống của vợ chồng chị và vợ chồng em trai đảo lộn không ít. Trong khi bố chị càng ngày càng thích nằm viện hơn. Lần nào, ông cũng kê bệnh ra rồi cố tình trầm trọng hóa các triệu chứng lên để được nhập viện điều trị.

Ông bố “thích” nằm viện - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mấy cô y tá bảo, lý do bố chị thích làm bệnh nhân là bởi vào đây vừa nhận được sự chăm sóc của đội ngũ bác sĩ, vừa có bạn bè điều trị cùng phòng tâm sự trò chuyện cho vui, rồi con cháu quan tâm lo lắng, để ý hàng ngày. Nhờ đó, ông không còn cảm thấy cô đơn khi mất vợ.

Chị nghĩ chẳng thể để cuộc sống già của bố lấy bệnh viện làm vui mãi như thế này được. Nhớ lại ngày trước, mẹ chị mấy lần gọi ba đứa con về nói chuyện tìm bạn tri kỷ cho bố sau khi bà không còn. Bấy giờ, họ chỉ nghĩ mẹ chị yêu chồng thái quá nên mới nghĩ xa cho ông như thế.

Sau này, mẹ mất rồi, chị và hai em gạt bỏ suy nghĩ tìm bạn đời mới cho bố. Một phần nghĩ, bố già rồi việc đèo bòng ở tuổi này là không nên, phần không muốn một người phụ nữ nào vào thay thế vị trí của mẹ. Chị nhớ, có lần, bà bác họ thấu hiểu tâm ý của bố chị đã mai mối cho một người phụ nữ đồng cảnh ngộ, tốt tính. Qua mấy lần gặp gỡ, bố chị cũng có vẻ xiêu lòng nhưng chị và các em đều gạt đi.

Chị gọi điện cho vợ chồng hai đứa em trai bàn bạc với chúng về chuyện tìm bạn tri kỷ sống già với bố. Thôi thì, thuận theo tâm nguyện của mẹ chị “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, họ sẽ giúp bố có niềm yêu thích vui sống tuổi già trong ngôi nhà thân yêu thay vì “thích” vào bệnh viện như thế này. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.