Quy định mới về chế độ thai sản của chồng khi vợ sinh con

Chia sẻ

Quy định mới về chế độ thai sản của chồng khi vợ sinh con - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Trước đây, em là lao động tự do. Tháng 4/2021, em được tuyển dụng vào làm một công ty sản xuất đồ gốm sứ nhưng vì sức khỏe không đảm bảo nên em đã nghỉ việc. Hiện tại, em đang mang bầu đến tháng thứ 9 và sắp nghỉ sinh. Em muốn tìm hiểu về điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Em nghe nói nếu người cha và người mẹ đi làm có đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thế nhưng, tại sao có trường hợp bạn em đi làm, đã đóng bảo hiểm 2 tháng mà vẫn không được hưởng chế độ thai sản? Trường hợp của em, chỉ có chồng đi làm thì khi vợ sinh con có được hưởng chế độ thai sản không? Mong Quý Báo tư vấn giúp.

Nguyễn Thị Thu An
(phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Theo Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, điều kiện được hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Về trường hợp của bạn, cũng như trường hợp lao động nữ (người vợ) tham gia đóng bảo hiểm xã hội 2 tháng nhưng vẫn không được hưởng chế độ thai sản nhưng người chồng có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 12 tháng thì người chồng vẫn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.

Cụ thể, theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có hiệu lực từ ngày 1/9/2021, trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, mức trợ cấp bằng 2 lần mức lương cơ sở hiện nay (2 lần mức lương cơ sở là 2,98 triệu đồng) tại tháng sinh, cho mỗi con.

Lao động nam (người chồng) đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, người chồng sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc, nghỉ 7 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở nên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà bị phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

Báo Phụ nữ Thủ đô

 

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.