Trong "nguy" có "cơ" !

Chia sẻ

Không ít gia đình nảy sinh mâu thuẫn giữa các thế hệ vì chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi chăm con, dạy cháu. Thế nhưng thời Covid, có những chị em lại biết tìm cơ hội để “trống đánh xuôi, kèn không thổi ngược…” từ sự ưu việt của công nghệ.

Chị Hòa (32 tuổi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể, vợ chồng chị hiện đang sống chung với bố mẹ chồng. Khi chưa sinh con, tình cảm mẹ chồng, nàng dâu rất tốt, thế nhưng từ ngày có hai đứa con, mối quan hệ đó luôn bất hòa. Thậm chí, bố chồng chị vốn là “trọng tài” trong gia đình cũng biến thành đồng minh của vợ và đối địch với con dâu trong việc dạy bảo cháu nội. Ông bà nuôi dạy cháu bằng kinh nghiệm và quan niệm cũ, còn chị lại dùng kiến thức thời hiện đại, vì thế luôn rơi vào cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khiến cho sự bất hòa, mâu thuẫn thường xuyên diễn ra. Lắm phen, chị mất ăn mất ngủ vì chuyện nuôi dạy cháu của ông mà không biết làm thế nào để tháo gỡ.

Dịch Covid-19 ập đến, các con không được tới trường phải học online, đây cũng là khoảng thời gian cả ông bà lẫn bố mẹ đều phải "tập huấn" nhiều kỹ năng làm việc, học tập, hội họp trực tuyến trên mạng Internet. Khi anh chị bận đi làm thì ông bà ở nhà phụ trách quản các cháu học. Chuyện ông bà vào zoom nói chuyện với thầy cô giáo của cháu, hay vào các nhóm khác để thảo luận vấn đề học hành của các cháu thay các con bận đi làm đã quen thuộc trong gia đình chị.

Rất nhiều gia đình, chuyện dạy con chăm cháu trong các gia đình rơi vào cảnh “trống đánh xuôi kènthổi ngược”Rất nhiều gia đình, chuyện dạy con chăm cháu trong các gia đình rơi vào cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” (Ảnh: ảnh minh họa)

Cũng nhờ vào việc tiếp cận công nghệ ấy mà tôi “lôi kéo” được bố mẹ chồng cùng tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, nói chuyện trực tuyến về các chủ đề nuôi dạy trẻ. Sau một thời gian tham gia, bố mẹ chồng và tôi đã tìm được điểm chung trong việc dạy con, dạy cháu. Trước đây, ông bà dạy cháu theo quan điểm không được “vẽ đường cho hươu chạy” trong vấn đề giới tính, còn tôi lại muốn “vẽ đường” càng sớm càng tốt. Nhưng từ ngày tham gia các buổi hội đàm trực tuyến, ông bà đã nhận ra thời nay dạy trẻ con cần phải “vẽ đường cho hươu chạy đúng” thay vì né tránh khiến chúng chạy sai - chị Hòa kể.

Nắm bắt được tâm lý ông bà rất thương con, thương cháu, chị đã khéo léo lấy cớ bận việc cơ quan để “nhờ vả” ông bà tham gia các khóa tập huấn, tọa đàm về vấn đề nuôi dạy trẻ mà mình đã đăng ký trước đó. Thời Covid, những chương trình trực tuyến lên ngôi nên chỉ cần đăng ký có tài khoản, mật khẩu là ngồi ở nhà cũng có thể tham gia. Chị nhờ bố mẹ chồng “học hộ” mình, rồi vào các buổi tối rảnh rỗi, chị nhờ ông bà “giảng lại” cho hai vợ chồng. Ông bà rất hào hứng với việc này vì lúc nào cũng trong tâm thế dạy bảo con cháu. Cứ thế, vợ chồng chị và bố mẹ tìm được sự đồng thuận trong việc dạy hai đứa trẻ hàng ngày.

Với chị Ngân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội), công nghệ đã khiến chị kéo gần khoảng cách nhìn nhận mọi vấn đề giữa hai thế hệ trong gia đình, nhất là đối với mẹ chồng. Trước đây, khi mới về hưu, mẹ chồng rảnh rỗi nên thường hay để ý xét nét con dâu mọi chuyện, đặc biệt là chuyện nuôi con nhỏ. Chị từng khổ sở vì việc "cháu hư tại bà". Mỗi lần đi ra ngoài, chị xấu hổ khi mọi người chê cười con mình hư, hỗn. Nhưng, mọi chuyện xoay chuyển khi chị tìm ra cách tháo gỡ.

Chị hay lên mạng xã hội nên phát hiện bạn bè của mẹ chồng chơi facebook (fb), zalo rất nhiều. Vậy là chị lập cho mẹ chồng cả fb lẫn zalo rồi hướng dẫn bà cách đăng và theo dõi, giao lưu với bạn bè trên mạng xã hội. Trong danh sách bạn bè của chị có rất nhiều chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản…, chị dùng nick của mẹ chồng kết bạn với họ và nhờ họ chấp nhận trở lại. Nhờ đó mà từ ngày biết chơi fb, zalo, mẹ chồng chị mở mang nhận thức được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nuôi dạy trẻ nhỏ thời hiện đại.

"Có những điều con dâu tranh luận với mẹ chồng chưa hẳn bà đã nghe ra, nhưng chỉ cần nghe chuyên gia trên fb, zalo phân tích là mẹ hiểu ra vấn đề. Vì vậy, có những chuyện khúc mắc với bà, tôi lại khéo léo nhờ các chuyên gia đó “nói chuyện” với mẹ. Kết quả, mẹ không còn “đối địch” với tôi khi dạy cháu như trước đây. Tình cảm mẹ chồng - nàng dâu nhờ đó mà thân mật và gắn bó hơn” - chị Ngân kể.
Nghĩ lại trong cuộc sống, chuyện mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng khi dạy con chăm cháu rất phổ biến, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chung lẫn tình cảm vợ chồng. Thế nhưng, nếu chị em nào cũng biết tìm cách tháo gỡ như chị Hòa, chị Ngân thì mọi chuyện từ “nguy” lại hóa “cơ” rất dễ.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.