Hàng hoá phục vụ Tết đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý
(PNTĐ) - Sáng 23/1, Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Hà Nội với dân số trên 10 triệu người sinh sống, làm việc, học tập và hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm đến thăm quan, mua sắm. Dự báo nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết, trong đó nhu cầu tiêu dùng trong 1 tháng Tết gồm: Gạo 97.650 tấn, thịt lợn hơi 19.500 tấn lợn; thịt bò 5.400 tấn; thịt gia cầm 6.500 tấn; thủy sản 5.420 tấn, thực phẩm chế biến 5.420 tấn; rau củ 52.400 tấn; trứng gia cầm 130 triệu quả; trái cây 52.400 tấn.
Khả năng tự cung ứng của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với một số sản phẩm như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt; các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20%-70% nhu cầu. Lượng hàng thiếu còn lại và các sản phẩm vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
“Thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt lợn hơi có dao động tăng nhẹ so với tháng trước, giá rau ăn lá và rau trái mùa tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa dài ngày, tuy nhiên nguồn cung vẫn tương đối ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn”- Phó Giám đốc Nguyễn Thế Hiệp nhấn mạnh.
Toàn thành phố hiện có 29 hệ thống trung tâm thương mại, 137 siêu thị, 453 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn, 997 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản (trong đó của Hà Nội 159 chuỗi và 838 chuỗi của 43 tỉnh, thành phố; 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các kênh bán hàng đa phương tiện gồm 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Đảm bảo cho người dân không phải mua hàng giá đắt, kém chất lượng
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục chế biến phát triển thị trường Hà Nội cho biết: Năm nay đảm bảo nguồn hàng, lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm. Ngành tham mưu các văn bản đảm bảo nguồn cung an toàn thực phẩm, trên 2.000ha rau để chuẩn bị trước, trong và sau Tết.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, siêu thị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Trong đó, 9 nhóm hàng lương thực thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.
Dự báo người dân sẽ bắt đầu mua sắm trong khoảng từ 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán, trong đó, Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết (bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giò chả, dưa hành, củ kiệu, trái cây trưng bầy mâm ngũ quả...).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện hệ thống trung tâm thương mại Big C Thăng Long cho biết, đơn vị đã khoá giá với 10.000 sản phẩm, tăng cường kênh bán hàng online, cải tiến bằng công nghệ, gia tăng kênh mua sắm, so với năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của kênh online 40%, nhu cầu mua sắm của người dân thay đổi. Để đáp ứng như vậy, công ty đã tuyển dụng thêm 200 nhân sự, cùng thời điểm 800 nhân sự phục vụ bà con trong dịp Tết. Hệ thống Big C mở cửa sớm hơn, như mọi năm là 10h sáng mùng 2 Tết, năm nay mở từ 8h sáng mùng 2, phục vụ bà con tốt hơn.
Bà Đinh Thị Thuý, Công ty xuất nhập khẩu bán lẻ và tiêu dùng Hà Nội BRG cho biết, cả hệ thống siêu thị và siêu thị mini. Để chuẩn bị Tết, công tác chuẩn bị, giống như các đơn vị khác, hiện tại chuỗi siêu thị đã chuẩn bị từ rất sớm từ tháng 6, 7, lượng hàng tăng 2,5 lần so với những tháng trong năm, đang kỳ vọng tăng 20-30% so với 2023.
Triển khai tổ chức bán hàng Tết cho người dân, hệ thống siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi và trợ giá cho người dân. Để dự trữ hàng hoá, công ty đã chuẩn bị sẵn các nguồn hàng ở 3 kho ở Thanh Trì, Lệ Chi và kho hàng tươi sống, đảm bảo sẵn sàng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết.
Ông Đoàn Mạnh Tuấn, đại diện hệ thống siêu thị Aeon cho biết, theo sát tình hình thị trường cho thấy có một số kết quả tích cực, sản phẩm tiêu dùng có tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Những sản phẩm không phải nhu yếu phẩm thì có giảm một chút so với năm 2023. Về sản phẩm, có nhiều lựa chọn vì có nhiều cửa hàng mới, các nhà cung cấp rất lạc quan và có sự lựa chọn tốt, hàng hoá phong phú. Giờ đang là cao điểm Tết, bà con đến mua sắm.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, đơn vị chuyên sản xuất về chăn nuôi và thực phẩm khép kín, cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Việc chuẩn bị hàng hoá Tết, lượng tiêu thụ thực phẩm có tăng trưởng, dự báo chuẩn bị thịt heo, thịt gà, các sản phẩm từ thịt tăng 20%. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn nhưng dự báo lượng tiêu thụ cũng tốt.
Bà Nghĩa kiến nghị với các cơ quan quản lý, hiện nay việc bán hàng online trên các hội nhóm mạng xã hội, các điểm tiêu thụ nhỏ lẻ cần được kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng, nhất là hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, lành mạnh, hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng đến mua sản phẩm tốt hơn.
Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, là đơn vi đã có truyền thống 60 năm phục vụ cho người dân Thủ đô đặc biệt trong dịp Trung thu và Tết. Trước đây phục vụ cho người dân Thủ đô nay cho cả các vùng lân cận. Sản phẩm của công ty là bánh mứt kẹo, thiết thực cho người dân dịp Tết. Công ty đã có kế hoạch phục vụ Tết từ trước đó rất lâu, năm nay cũng chuẩn bị 350 tấn bánh mứt kẹo dịp Tết, sản phẩm đã và đang sẵn sàng trong kho kệ để xuất ra thị trường.
“Để đảm bảo cung ứng cho thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn, áp dụng ISO 2018, với truyền thống lâu đời, chúng tôi luôn có sự đổi mới, phục vụ nhu cầu của người dân, đáp ứng thị trường, sản phẩm được đổi mới về mẫu mã, đáp ứng chất lượng. Để người tiêu dùng yên tâm, thực hiện chủ trương của Bộ và Sở, UBND Thành phố yêu cầu luôn chú trọng ổn định giá cả, chúng tôi ổn định giá cả khi đưa ra thị trường, đảm bảo cho người dân không phải mua hàng giá đắt, kém chất lượng”- ông Tuấn khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá cao công tác chuẩn bị về nguồn cung hàng hóa Tết 2024 từ sớm, từ xa và những chương trình khuyến mại, cũng như đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp…
Đồng thời, đề nghị Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Bên cạnh đó, phối hợp Sở NN&PTNT về việc cung ứng mặt hàng gạo, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán để có phương án bảo đảm nguồn cung với giá bình ổn theo đúng kế hoạch.
Đề nghị Sở theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường. Tiếp tục làm công tác tuyên truyền về nguồn cung mặt hàng Tết, tránh việc đầu cơ, tích trữ, đẩy giá cao.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung các mặt hàng được tiêu dùng nhiều nhất trong dịp Tết. Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, khu chế xuất để người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, với giá cả hợp lý nhất…