KỲ 1: Những kết quả đáng ghi nhận

Chia sẻ

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội từ ngày 1/7/2021 là bước đi đột phá trong xây dựng, quản lý chính quyền các cấp của TP; Đồng thời giải quyết được các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí, trách nhiệm cũng như sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng Thủ đô và cả nước.

Sau 4 tháng triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây, việc thực hiện cơ bản thuận lợi, song thực tế cũng còn bộc lộ một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân tốt hơn...

Hà Nội đang trong quá trình phát triển, có tốc độ đô thị hóa cao. Quá trình này không chỉ diễn ra ở các quận nội thành mà còn lan tỏa sang các huyện ngoại thành; Các khu vực nông thôn cũng đang chuyển biến, mang nhiều đặc trưng của đô thị.

Quy mô đô thị của Hà Nội ngày càng mở rộng cùng với tính thống nhất, liên thông, tạo thành những mạng lưới, hệ thống đồng bộ, xuyên suốt địa bàn, không thể chia cắt theo địa giới hành chính, đòi hỏi sự quản lý tập trung, thống nhất. Do đó, mô hình, cơ chế quản lý nhà nước của Hà Nội phải có những đặc trưng phù hợp với tính chất của đô thị để bảo đảm sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Ngày 27/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97. Đây là những cơ sở quan trọng để từ ngày 01/7/2021, Hà Nội chuyển mình, bước đầu triển khai mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tính chất của đô thị, tạo đà cho Thủ đô tăng tốc phát triển trong tương lai.

Bộ máy hoạt động ổn định, tinh thần làm việc được nâng lên rõ rệt

Sau 4 tháng triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cùng với sự đồng thuận, tin tưởng của người dân vào những đổi mới trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương thì hiệu quả, tinh thần làm việc tại các phường được nâng lên rõ rệt.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2021 và triển khai nhiệm vụ công tác quý IV/2021 của Ban Tổ chức Trung ương được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhận định, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, từng bước đi vào nền nếp và chưa phát sinh bất hợp lý nào trong quá trình triển khai.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, từ ngày 1/7/2021, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các phường trên địa bàn TP đã tổ chức bộ máy bảo đảm đúng quy định. Việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, công chức ở các phường phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn; Bộ máy đi vào hoạt động ổn định, thông suốt.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay từ tháng 4/2021, UBND quận đã rà soát hiện trạng đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch UBND và công chức phường để sắp xếp cho phù hợp. Vì vậy, từ ngày 1/7 đến nay, các phường đã vận hành trơn tru theo mô hình mới, đến nay chưa có phát sinh đặc biệt.

Tại quận Hà Đông, sau khi được Sở Nội vụ hướng dẫn, UBND quận đã tổ chức kiểm tra, sát hạch tiếp nhận các trường hợp đủ điều kiện vào công chức phường không qua thi tuyển để kịp thời vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị. UBND quận đã bổ nhiệm 45 chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường; Hàng trăm công chức phường và đến nay bộ máy hoạt động ổn định.

Ghi nhận tại các phường trên địa bàn 12 quận, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cơ bản đạt hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) Trần Trung Tuyển chia sẻ, mô hình chính quyền đô thị tại phường sau một thời gian thí điểm đã đi vào hoạt động trôi chảy, phục vụ người dân tốt hơn, ngày càng nhanh chóng, thuận lợi, hướng tới phục vụ, lấy nhân dân làm trung tâm. Điều đó thể hiện rõ nhất ở việc giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) Nguyễn Anh Dũng cho biết, đến nay, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã mang lại những hiệu quả ban đầu. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện phường đã bắt nhịp rất nhanh, cán bộ, công chức phường đã có sự thay đổi lớn về cách làm việc, rõ người, rõ trách nhiệm hơn trong phân công nhiệm vụ.

Bày tỏ sự hào hứng và hài lòng về những đổi mới khi làm những thủ tục hành chính, chị Đinh Thị Hà (phường Kim Mã, quận Ba Đình) chia sẻ: Sau thời gian giãn cách xã hội, vừa qua chị mới đến UBND phường để chứng thực hồ sơ để xin việc. Công tác chứng thực hiện nay rất nhanh gọn, chưa đến một buổi sáng đã xong. “Cùng với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tôi hy vọng mô hình chính quyền đô thị mới sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn, mang lại lợi ích cho nhân dân nhiều hơn nữa”, chị Hà nói. Còn bà Phạm Thị Hằng (phường Cự Khối, quận Long Biên) ghi nhận, giữa tháng 7/2021, bà thực hiện thủ tục hành chính tại phường thuận lợi, không có sự khác biệt so với trước. Công chức phường cũng rất niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phườngGiải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường (Ảnh: HL)

Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, cần được hướng dẫn cụ thể. Đó là: Công chức phường theo quyết định là công chức do quận quản lý nhưng việc liên thông giữa công chức phường và quận chưa có quy định; Tính chủ động trong việc bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ của phường bị hạn chế do việc giao dự toán chậm; Các phường hiện thiếu người theo dõi tài chính Đảng; Cần có phân cấp, tăng thẩm quyền để phường chủ động giải quyết những ý kiến thiết yếu của người dân…

Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Lê Đình Lượng cho rằng, khi dịch Covid-19 được khống chế và đẩy lùi, rất cần tháo gỡ những bất cập trên, giúp UBND các phường hoàn thành khối lượng công việc đang ngày một nhiều lên.

Ông Lê Cao Bằng (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nghiêm túc, đạt kết quả tích cực, song người dân băn khoăn về việc các công chức khối đảng, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phường nơi không còn HĐND cùng cấp, thời gian tới sẽ thuộc Quận ủy hay UBND quận quản lý. Đồng thời, rất mong thành phố đề xuất Trung ương giao bổ sung công chức cho các tổ chức đảng, đoàn thể phường để góp phần thực hiện tốt mô hình này.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, Nghị định số 32 của Chính phủ quy định số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường bình quân là 15 người/phường. Tổng số biên chế công chức làm việc tại 175 phường là 2.625 người. Trong khi đó, từ khi triển khai xây dựng Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TP Hà Nội không tổ chức tuyển dụng công chức phường nên hiện nay số lượng công chức làm việc tại UBND các phường không đủ số lượng theo quy định. Về vấn đề này, UBND TP đã kiến nghị Bộ Nội vụ sớm báo cáo Chính phủ giao đủ 2.625 biên chế công chức phường trong thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để có căn cứ giao các đơn vị thực hiện việc tuyển dụng.

Mong rằng, những vướng mắc đang đặt ra sẽ sớm được giải quyết để thành phố Hà Nội triển khai việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, thực chất.

Một số nội dung trong thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội: Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Đặc biệt, chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. 12 quận và thị xã Sơn Tây không tổ chức Hội đồng nhân dân phường…

(Còn nữa)

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.