Mở rộng thị trường, chủ động thích ứng với tình hình mới

Chia sẻ

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để hạn chế tình trạng dư thừa nông sản trong vụ sản xuất mới, các hợp tác xã (HTX), nông hộ tại các huyện ngoại thành đã chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, đa đạng hoá cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo đơn đặt hàng… nhằm nâng cao năng lực, thích ứng với tình hình mới.

Chủ động thích ứng với tình hình mới

HTX sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) có diện tích 5ha, chuyên gieo trồng các loại rau hữu cơ theo công nghệ cao như ngồng hẹ, măng tây, rau củ quả theo mùa. Sản phẩm của HTX được xuất bán cho các bếp ăn tập thể của 16 trường học trên địa bàn huyện, các nhà hàng khách sạn ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và cung ứng cho người tiêu dùng trong khu vực nội thành. Chị Nguyễn Thị Cuối - Chủ nhiệm HTX cho biết: Đợt dịch thứ 4 vừa qua, việc tiêu thụ rau của HTX gặp nhiều khó khăn do các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn tạm dừng hoạt động, nhất là đợt giãn cách xã hội, việc đi lại giữa các địa phương không thuận lợi, nhiều loại rau đến kỳ thu hoạch không bán kịp, phải bảo quản kho lạnh khiến chi phí sản xuất tăng cao. Thời điểm này các nông hộ bắt đầu vụ mùa mới, để hạn chế sự phụ thuộc vào các loại rau ăn lá, giảm tình trạng dư thừa khi đến kỳ thu hoạch rộ, chị Nguyễn Thị Cuối đã chuyển đổi hơn 1ha trong tổng diện tích gieo trồng của mình sang trồng cây ăn quả. Đó là giống nho hạ đen của trường đại học Nông Lâm Bắc Giang được nghiên cứu phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu cho năng suất, chất lượng cao với 2 vụ thu hoạch/năm.

Nằm trong vùng sản xuất rau củ quả lớn của Thủ đô, HTX nông nghiệp Tiền Lệ ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) có diện tích gieo trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP là gần 35ha, chủ yếu là các loại rau ăn lá theo mùa với sản lượng thu hoạch khá lớn. Trong vụ hè thu vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số chợ đầu mối, bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ rau của HTX gặp một số khó khăn nhất định.

Bước vào sản xuất rau vụ đông, ông Nguyễn Khắc Bút - Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tiền Lệ cho biết: Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ rau sạch tăng hơn, nhất là thời điểm này, dịch bệnh được khống chế, các nhà hàng, quán ăn đã hoạt động trở lại. Với vị trí nằm gần trung tâm thành phố, việc vận chuyển rau vào nội thành thuận lợi hơn nên trong vụ đông này, kế hoạch sản xuất của HTX không thay đổi. Để đầu ra ổn định, ngoài các công ty thu mua rau quen thuộc, HTX sẽ chủ động kết nối thêm các mối hàng ở các địa phương lân cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Nhiều hợp tác xã tại Hà Nội đã đưa cây nho hạ đen vào gieo trồng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dânNhiều hợp tác xã tại Hà Nội đã đưa cây nho hạ đen vào gieo trồng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân (Ảnh: PV)

Giảm phụ thuộc vào một số loại rau củ 

Sóc Sơn là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn của Thủ đô. Thời gian qua, dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn giữ được sự ổn định, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nhất là không có nông sản ùn ứ, dư thừa.

Chị Nguyễn Thị Tập - nhóm trưởng phụ trách sản xuất, thành viên Ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân ở xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết: Diện tích của HTX là hơn 30ha, sản phẩm chủ lực là rau củ và dưa lê siêu ngọt canh tác theo công nghệ Nhật cho chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ nông sản cũng bị chậm lại, HTX đã kịp thời điều chỉnh sản xuất mùa vụ, giảm diện tích trồng rau, tăng diện tích trồng dưa, cấy lúa. Nhờ việc cân đối các loại cây trồng, giảm sự phụ thuộc vào các loại cây rau ăn lá ngắn ngày, đa dạng hoá các loại nông sản nên sản phẩm được tiêu thụ hết.

Tại xã Đông Xuân, ngoài dưa lê, nhiều hộ dân đã thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, không phụ thuộc vào rau màu mà chuyển sang trồng hoa nhài - loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư không lớn, công chăm sóc không nhiều, cho thu hoạch hoa quanh năm, đầu ra ổn định, giúp đảm bảo thu nhập cho các hộ nông dân. Hiện nay, hoa nhài được bán cho các đại lý, nhà máy chế biến để ướp chè, làm xà phòng, nước hoa… Từ diện tích ban đầu là thôn Bến, xã Đông Xuân, loại cây này được nhân giống, gieo trồng tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tại các xã Phù Lỗ, Bắc Phú với diện tích gần 150ha. Hoa nhài đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện nông nghiệp Sóc Sơn.

Một số huyện ngoại thành tại Hà Nội đang khuyến khích, đẩy mạnh hướng dẫn các HTX, nông hộ bám sát nhu cầu của thị trường, điều tiết sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp để góp phần phát triển nông nghiệp, hạn chế tác động bất lợi của dịch bệnh nhưng không bỏ ruộng đồng.

 Ông Đàm Văn Đua - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) thông tin: Do đặc thù thời gian gieo trồng vụ đông kéo dài hơn so với các vụ khác nên HTX đã tuyên truyền, khuyến cáo xã viên xuống giống theo từng đợt, không nên xuống giống ồ ạt để giãn thời gian thu hoạch, nếu có dịch bệnh không bị ế thừa. Ngoài ra, một số địa phương đã điều chỉnh tăng diện tích canh tác các loại cây trồng “2 trong 1” như ngô, đậu… vừa là rau xanh vừa là đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

NGUYỄN HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.