Những kỷ niệm khó quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chia sẻ

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện cho ý chí cách mạng Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông là tấm gương sáng để các thế hệ đời sau ghi nhớ, học tập” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Tư lệnh Quân khu IV.

Với tấm lòng thành kính, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước về những kỷ niệm với Đại tướng để tri ân người Tổng tư lệnh tối cao, anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Tư lệnh Nguyễn Quốc Thước chúc mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên GiápTư lệnh Nguyễn Quốc Thước chúc mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lần đầu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 10/1974, tôi được gặp và làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên - B3 ra nhận nhiệm vụ chiến dịch Tây Nguyên 1975. Sau khi làm việc với cơ quan Bộ Tổng tham mưu dự đoán tình hình chung trên chiến trường, dự kiến nhiệm vụ Tây Nguyên năm 1975 và mọi vấn đề bảo đảm cho Tây Nguyên xong, tôi được đưa sang gặp Tổng Tư lệnh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để chính thức nhận nhiệm vụ.

Lúc này, Đại tướng mới đi chữa bệnh tại Liên Xô về, đang nghỉ dưỡng tại nhà. Trong gần 1 giờ trò chuyện, Đại tướng hỏi về tình hình chiến trường Tây Nguyên, cuộc sống của bộ đội ở đó, đặc biệt là tình hình nhân dân trong nạn đói cơm lạt muối, thiếu thuốc men, bệnh tật… sau sự kiện đường dây 559 bị đánh phá ác liệt năm 1968-1969. 

Trước sự quan tâm của Đại tướng, tôi đáp:

- Thưa Đại tướng, bộ đội chiến đấu phía trước mỗi ngày ưu tiên hai lạng, thương bệnh binh một lạng rưỡi, còn cơ quan và phía sau mỗi người một lạng, còn phải đi kiếm thêm rau rừng.

Nghe đến đây tôi thấy Đại tướng lấy khăn lau nước mắt. Tự nhiên nước mắt tôi cũng trào ra. Đại tướng hỏi tiếp:

- Đói thế đồng bào khu căn cứ địa có chạy vào vùng địch hậu tìm kiếm lương thực không? 

Tôi liền thưa:

- Thưa Đại tướng, tuy đói thế nhưng bộ đội và nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, không chút hoảng loạn. Từ năm 1970, đường dây thông suốt nên gạo, đạn, thuốc men vào tương đối đầy đủ, bộ đội còn đem gạo phân phát cho dân nữa, quân dân đều phấn khởi ạ. 

Nét mặt Đại tướng bỗng tươi hẳn lên: “Thế thì tốt rồi!”.

Sau đó, Đại tướng hỏi thăm về tình hình công tác của tôi. Tôi kể, năm 1965, tôi được điều Tây Nguyên cùng Sư 325B, đúng lúc Mỹ đưa quân lên Tây Nguyên. Từ đó đến nay, đây là lần đầu tiên tôi được ra Bắc. Rồi, Đại tướng tiếp tục hỏi thăm tình hình của gia đình tôi. Tôi kể, vợ chồng tôi có hai con. 10 năm vào Tây Nguyên công tác, tôi chưa được ra Bắc lần nào. Lần này, Bộ Tư lệnh có bố trí đưa vợ ra cùng, hiện đang nghỉ tại nhà khách Bộ. Cuộc trò chuyện suốt gần 1 giờ, điều đó khiến tôi xúc động, bởi một đồng chí Tổng Tư lệnh tối cao nhưng trước tình hình nóng bỏng vẫn ưu tiên thăm hỏi mọi mặt của bộ đội và nhân dân trong chiến trường. Từ đó, tôi hiểu ra rằng, sở dĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bộ đội luôn sẵn sàng xông lên phía trước để chiến thắng vì người Tổng chỉ huy tối cao, người học trò gần gũi của Bác Hồ ngoài tài thao lược xuất chúng đã tiếp thu một cách sâu sắc tư tưởng “mọi thắng lợi đều do dân” của Người nên đã thu phục được lòng cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân.

Sau đó, Đại tướng mới bắt đầu vào công việc chính mà tôi theo sứ mệnh được Bộ Tư lệnh B3 giao. Đại tướng nói:

- Nhiệm vụ được giao, anh cứ thế mà chấp hành. Tôi nhắc thêm - tình hình đang chuyển biến một cách mau lẹ, sau khi Mỹ rút hơn một năm, tình hình quân Nguỵ ngày càng sa sút nhanh chóng. Nhiệm vụ Tây Nguyên sắp tới cực kỳ quan trọng, không chỉ cho Tây Nguyên mà cho toàn bộ cục diện trên chiến trường. Tình hình xoay chuyển đến đâu phụ thuộc phần lớn vào chiến thắng của Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh B3 phải tập trung mọi khả năng từ chỉ huy, bộ đội và chuẩn bị vật chất, tinh thần cho nhiệm vụ. Bộ sẽ tập trung mọi khả năng cho chiến trường Tây Nguyên! Cậu đã rõ chưa? 

Tôi trả lời: “Dạ, đã rõ ạ!”. 

Sau khi dặn dò thêm mọi vấn đề, Đại tướng nhắc cần tranh thủ vào để triển khai nhiệm vụ cho kịp. Trước tình hình cấp bách của nhiệm vụ, tôi động viên vợ con để kịp vào chiến trường. Việc này không dễ bởi mười năm xa cách, vợ tôi phải một mình ôm hai con theo cơ quan đi sơ tán hết chỗ này đến chỗ khác nơi rừng thiêng nước độc, nay lặn lội từ quê ra Hà Nội gặp chồng một ngày đã phải cách xa. Vừa tờ mờ sáng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp tôi lần nữa. Lần này, Đại tướng nói: “Mọi việc hôm qua tôi đã dặn dò kỹ cả rồi, hôm nay phải nhắc kỹ lại mấy vấn đề quan trọng: Tình hình trên toàn chiến trường lần này chuyển biến đến đâu tuỳ thuộc vào thắng lợi của chiến trường Tây Nguyên”. 

Đại tướng đặc biệt nhắc Bộ Tư lệnh B3 phải nắm chắc ba vấn đề: Một là lần này, ta đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Tây Nguyên nên địch sẽ tìm mọi cách để bảo vệ bằng được. Do đó, quân ta phải tạo bất ngờ, tập trung lực lượng đủ mạnh để nhanh chóng dứt điểm mục tiêu. Muốn vậy, ta phải sử dụng một lực lượng bộ binh cơ giới có sức đột phá mạnh bằng xe tăng, thiết giáp nhanh chóng thọc sâu vào khu trung tâm chỉ huy, làm chỉ huy địch rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi để các mũi nhanh chóng giải quyết mục tiêu, khiến địch không kịp trở tay. Hai là phải triệt tiêu mọi khả năng đường bộ và đường không, cô lập Buôn Ma Thuột để địch không có khả năng chi viện và phản công. Ba là, đặc biệt, tuỳ diễn biến tình hình chiến sự, người chỉ huy phải hành động quyết đoán, tuỳ cơ ứng biến, nhất là khi địch bị rối loạn mất phương hướng. 

Tình hình Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 đã diễn ra đúng như tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng. Chỉ trong một ngày rưỡi, ta hoàn toàn làm chủ Buôn Ma Thuột. Mọi khả năng chi viện bị triệt tiêu, địch hoảng loạn, mất phương hướng, Nguyễn Văn Thiệu vội vàng bỏ Tây Nguyên, chạy về tổ chức phòng thủ, ngăn chặn tại miền Trung đúng như dự kiến của Đại tướng. Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên lập tức cơ động lực lượng ngăn chặn quân địch tháo chạy theo đường 7 về Phú Yên. Ngày 24/3/1975, quân ta đánh chiếm Củng Sơn, thừa cơ cùng lực lượng địa phương, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975. Sư đoàn 10 đập tan Lữ dù 3 tại khu đèo Madrắc, tiếp tục phát triển cùng lực lượng địa phương giải phóng Nha Trang vào ngày 2/4/1975 và cảng Cam Ranh ngày 3/4/1975. Đến đây “chiến dịch Tây Nguyên phát triển “kết thúc vượt xa mục tiêu ban đầu cả về không gian và thời gian”, tạo đà để chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi. Đây thực sự là một bài học nhớ đời không riêng cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên mà cho cả quân đội và tôi là người may mắn đầu tiên được tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng và cũng là niềm vui riêng của tôi trong đời binh nghiệp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân chụp với tư lệnh Vũ Lăng cùng cán bộ tại Học viện Đà LạtĐại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân chụp với tư lệnh Vũ Lăng cùng cán bộ tại Học viện Đà Lạt

Luôn quan tâm đến nhân sự quốc phòng

Hết chiến tranh, tôi được điều về làm Tư lệnh Quân khu IV. Lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực dân sự. Thế nhưng, mỗi lần vào làm việc với các địa phương trong Quân khu IV, Đại tướng vẫn rất quan tâm đến vấn đề quân sự quốc phòng. Đại tướng dặn tôi rằng, trong điều kiện thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh tập trung vào phát triển kinh tế cũng không được coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng. Đại tướng nhắc Quân khu IV hai vấn đề có tính chiến lược: Một là, đây là địa bàn hiểm yếu của đất nước nhưng lại rất yếu vì chiều ngang rất hẹp. Do đó, một mặt phải chăm lo xây dựng hậu phương Thanh-Nghệ-Tĩnh thực sự vững mạnh, đồng thời xây dựng thế trận phía Nam không để bị chia cắt. Hai là, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào là có tính quy luật sống còn của hai nước, đặc biệt Quân khu IV là khúc ruột miền Trung gắn bó chặt chẽ với Trung Hạ Lào. Quân khu IV bề ngang hẹp có vấn đề gì thì phải dựa vào dãy Trường Sơn và Trung Lào là hậu phương gián tiếp nên phải luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với bạn với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau đem lại những kết quả thiết thực lợi ích cho bạn. 

Những lời dặn dò của Đại tướng cũng chính là mệnh lệnh của Tổ quốc đặt ra cho Quân khu IV nên qua các đời Bộ Tư lệnh đến nay, lãnh đạo Quân khu IV vẫn đặc biệt quan tâm trong thực thi nhiệm vụ của mình để mãi mãi là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước.

Năm 1997, tôi về Hà Nội công tác và trở thành Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X. Trong suốt mấy chục năm miệt mài làm việc, tôi luôn khắc cốt ghi tâm câu chuyện xúc động gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời khắc lịch sử ấy và ngưỡng mộ tài thao lược của vị tướng tài của dân tộc Việt Nam…

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.