PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Ứng xử văn minh, thanh lịch là nét đẹp của người Hà Nội
(PNTĐ) - Hà Nội ngàn năm văn hiến là trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu không chỉ cho riêng Thủ đô mà còn cho cả đất nước. Thành phố cũng luôn tự hào là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” với những con người thanh lịch, tinh tế và hào hoa, biểu tượng cho những giá trị cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam.
Người Hà Nội nổi tiếng với sự thanh lịch và tinh tế
Trao đổi về các nội dung được bàn thảo tại tọa đàm Phát huy vai trò của báo chí truyền thông với việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức ngày 26/6 vừa qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Là trung tâm đạo học của cả nước, Người Hà Nội coi trọng việc học hành và tri thức, luôn đề cao sự học tập và phát triển bản thân.
Nét đẹp truyền thống của người Hà Nội đã và đang được tiếp nối và phát triển trong cuộc sống hiện đại. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã tạo nên một Hà Nội đầy sức sống, văn minh và giàu bản sắc, tiếp tục làm say đắm lòng người và giữ vững danh tiếng là một trung tâm văn hóa, giáo dục và nghệ thuật của Việt Nam.
Người Hà Nội hiện đại vẫn duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều hoạt động và lễ hội. Dù trong công việc hay trong cuộc sống cá nhân, người Hà Nội vẫn thường sử dụng ngôn ngữ lịch sự, tôn trọng người đối diện, tạo nên một môi trường giao tiếp văn minh, thân thiện. Các phong trào thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi đều hoạt động sôi nổi, góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh và nhân ái.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho hay: Dù Hà Nội hiện đại vẫn giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ kính, như phố cổ, các ngôi chùa, đền, nhà thờ, biệt thự Pháp cổ; những không gian xanh như công viên, hồ nước cũng được bảo tồn và phát triển, tạo nên một thành phố hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng rõ ràng là sự mai một của văn hoá, nhất là lối sống thanh lịch của người Hà Nội trong bối cảnh hiện đại hiện nay đang là một vấn đề khiến nhiều người trăn trở.
Những lối sống, tập quán sinh hoạt và văn hóa ứng xử truyền thống đang dần bị thay thế bởi những ảnh hưởng mới, có thể không phù hợp với bản sắc Hà Nội. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng không đi đôi với sự phát triển văn hóa. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng và làm giảm chất lượng cuộc sống. Các phong trào văn hóa có thể giúp cân bằng lại, đảm bảo rằng sự phát triển không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế mà còn bao gồm cả các giá trị văn hóa và lối sống.
Như vậy, ứng xử thanh lịch, văn minh là nét đẹp của người Hà Nội, là giá trị quý báu của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Điều này đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, Chính quyền Thủ đô đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ qua. Theo tôi, đây là một hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội – mảnh đất là trái tim của Tổ quốc, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng là nơi giữ nhịp đập, điều tiết cho sự phát triển chung của đất nước.
Các chương trình phát triển văn hóa đã có tác động tích cực rõ rệt
Ở góc độ của mình, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá, các chương trình phát triển văn hóa của Hà Nội đã có những tác động tích cực rõ rệt, góp phần duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức cộng đồng và tạo ra một môi trường sống văn minh, thanh lịch cho người dân.
Theo đó, các phong trào như "Xây dựng nếp sống văn hóa", "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội LHPN Hà Nội,... đã nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Việc Hà Nội ban hành Chương trình số 06, Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành Ủy Hà Nội trong xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, và gần đây tiếp tục ban hành chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” chứng tỏ đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, với sự tập trung cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa, không chỉ giới thiệu các di sản văn hóa mà còn tạo ra các tour du lịch văn hóa đặc sắc, giúp du khách hiểu và yêu mến văn hóa Hà Nội. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp quảng bá văn hóa Hà Nội ra thế giới.
Các phong trào, cuộc vận động của Thủ đô đã có tác dụng tích cực và thực sự đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến rõ nét nhờ nỗ lực triển khai, hành động trong các cấp, các ngành của Thủ đô. Trong đó, Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội LHPN HN là một ví dụ tiêu biểu.
Nhiều sự kiện lớn được tổ chức tạo điểm nhấn và sức lan tỏa, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Thủ đô như: Hội thi Chủ tịch Hội cơ sở giỏi Thành phố năm 2023; Hội khỏe Phụ nữ Thủ đô; Chương trình đồng diễn áo dài với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”; Liên hoan Dân vũ Phụ nữ Thủ đô, Festival “Phụ nữ Thủ đô hội nhập, phát triển” hay Giải đi bộ Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp đã thu hút sự quan tâm tham gia của rất nhiều người.
Từ đó, nhiều mô hình hay như “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”, “Tổ phụ nữ trong sạch”, “Tổ phụ nữ hai không, một có”, “Đường hoa phụ nữ tự quản”, “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hoá xanh - sạch - đẹp thân thiện môi trường”, “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”,... được nhân rộng, có thể trở thành những điển hình trong cả nước.
Để phát huy và tiếp tục lan toả bền vững phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ở Thủ đô cần quán triệt sâu sắc các quan điểm quan trọng của phong trào này. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thành hành động cụ thể của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức, phong cách, lối sống của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội, như những tấm gương cho nhân dân noi theo về xây dựng và thực thi các giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đồng thời, phải phải phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, môi trường xã hội, của văn học nghệ thuật... trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bằng nhiều hoạt động, mô hình cụ thể. Đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Khuyến khích sáng tác các tác phẩm hướng con người tới khát vọng chân, thiện, mỹ, giúp con người thanh lọc tâm hồn, tự hoàn thiện bản thân, xây dựng các giá trị mới của thời đại, khiến cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi".