Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi trong đại dịch

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi phải “gánh” áp lực kinh tế gia đình, chăm sóc con cháu, là đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19… Do đó, quan tâm, chăm sóc người cao tuổi trong đại dịch là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.

Già hoá dân số và những “mối lo” của người cao tuổi trong đại dịch

Tại bệnh viện Thanh Nhàn, hàng chục người già vô gia cư đang phải sống phụ thuộc vào các nhóm hội từ thiện và được các y bác sỹ cưu mang, chăm sóc y tế. Trước đây, họ còn đi nhặt ve chai kiếm sống. Dịch bệnh Covid-19 khiến cho cuộc sống của họ ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà N.T.G, 70 tuổi, một bệnh nhân vô gia cư đang điều trị ở bệnh viện Thanh Nhàn kể, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, do không có trả được tiền nhà trọ, bà bị chủ nhà đuổi đi. Từ đó, bà G lang thang rồi bị liệt thần kinh, chân tay run rẩy. Mấy tháng trước, bà bị thương rồi nhiễm trùng, may mắn được người dân gọi xe cấp cứu vào bệnh viện điều trị đến nay…

Nói về sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đến người cao tuổi (NCT), bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Cầu Giấy cho biết, giãn cách xã hội khiến NCT đang là trụ cột gia đình phải nghỉ việc, không có thu nhập. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai họ càng nặng nề hơn bao giờ hết. Một số NCT khác neo đơn, không có con cháu ở bên hỗ trợ, chăm sóc cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, giảm sút về sức khoẻ do dịch bệnh. “Trong suốt đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho trên 3.400 trường hợp NCT gặp khó khăn do dịch bệnh” - bà Nhung nói.

Tốc độ già hoá dân số tại Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với các bệnh không lây nhiễm càng nhiều. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Trung bình một người trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. Sức đề kháng của người cao tuổi giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, do đó, họ có nguy cơ cao mắc Covid-19, nếu mắc bệnh dễ dẫn tới bệnh cảnh nặng, điều trị kéo dài, phải chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, thậm chí là tử vong do sức đề kháng giảm và thường kèm theo nhiều bệnh mạn tính.

Bác sỹ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho rằng, NCT khi chưa có dịch bệnh đã và đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe thì nay sống trong bối cảnh dịch bệnh, họ càng ảnh hưởng trầm trọng hơn. Không những thế, dịch bệnh kéo dài cũng chi phối không nhỏ đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng NCT tại gia đình và cộng đồng.

Chi phí trung bình để chăm sóc một NCT bằng 7-8 lần người trẻ tuổi. Gánh nặng lớn về nguồn lực chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, hiểu biết về chăm sóc và tự chăm sóc sức khoẻ NCT còn thấp, phần lớn NCT và gia đình không biết đầy đủ các biểu hiện và cách phòng chống các bệnh thường gặp. Khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ giữa các nhóm NCT cũng khác nhau, khiến nhiều người trong số họ không được điều trị và chăm sóc ngay cả khi đã phát hiện ra bệnh.

Mặt khác, tỷ lệ NCT ngày càng tăng nhưng trách nhiệm, tình thương, dịch bệnh chi phối đến hiệu quả chăm sóc NCT. Nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn yếu, kỹ năng phát hiện, điều trị và chăm sóc còn hạn chế. Người chăm sóc tại gia đình có thể bị căng thẳng (do gánh nặng chăm sóc) và bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khoẻ, mệt mỏi, thất vọng, đôi khi dẫn đến cảm giác bất lực và kiệt sức hoặc lạm dụng NCT.

“Việc chăm sóc cũng có thể trở thành gánh nặng tài chính. Không ít NCT có hoàn cảnh khó khăn cả về kinh tế, không được tư vấn chăm sóc sức khỏe hay được người thân quan tâm. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19 cũng như thiên tai, bão lũ, NCT là đối tượng dễ bị tác động tới sức khỏe nhất” – bác sỹ Mai Xuân Phương lo ngại.

Thúc đẩy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Ban đại diện Hội NCT quận Cầu Giấy cũng cho rằng, trong dịch bệnh vẫn có nhiều tấm gương NCT lạc quan, chung tay phòng chống dịch. Tại quận Cầu Giấy, nhiều NCT tình nguyện tham gia trực chốt, nấu cơm từ thiện, đi chợ hộ dân, tặng quà cho các gia đình khó khăn…

Mô hình CLB liên thế hệ giúp nhau của Hội NCT Việt Nam triển khai tại các cơ sở cũng đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, thúc đẩy vai trò của NCT trong cộng đồng, giúp NCT lạc quan, giữ sức khoẻ mùa dịch. Tại Đan Phượng, mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đan Hội, xã Tân Lập đã sáng tạo triển khai các hoạt động truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội về chăm sóc sức khoẻ tại nhà, giao lưu văn hoá văn nghệ… Các tổ chia thành từng nhóm nhỏ, thực hiện 5K, chia nhỏ công việc để đảm bảo vừa giãn cách vừa kết nối, giao lưu. Đối với hội viên gặp khó khăn về kinh tế, CLB trích quỹ hoặc kêu gọi các thành viên hỗ trợ giúp đỡ về vật chất, động viên họ vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Người cao tuổi gặp khó khăn quận Cầu Giấy được tặng quà hỗ trợ vượt qua dịch Covid-19Người cao tuổi gặp khó khăn quận Cầu Giấy được tặng quà hỗ trợ vượt qua dịch Covid-19 (Ảnh: HN)

Tại các buổi sinh hoạt online, hội nhóm nhỏ, Ban Chủ nhiệm CLB nhấn mạnh, đưa ra 10 điều lưu ý đối với NCT trong phòng chống dịch tại cộng đồng và 10 lời khuyên cho gia đình và người chăm sóc NCT trong thời gian dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ban Chủ nhiệm cũng khuyến cáo người chăm sóc NCT tại nhà hoặc cộng đồng cần tuân thủ các hướng dẫn về y tế, tìm hiểu thông tin sức khoẻ NCT, chia sẻ với các thành viên trong gia đình, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, bảo đảm môi trường sống an toàn trong nhà, bảo đảm có người chăm sóc thay thế khi cần thiết…

Bà Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một trong những mô hình hay nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT. Đây là điểm đến, là sân chơi bổ ích, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, tâm lý, lứa tuổi của người cao tuổi. Trong thời điểm dịch bệnh, CLB trở thành là “bến đỗ” để NCT tìm thấy sự bình yên, thư thái, nâng cao chất lượng sống cho mình.

 “Trong đại dịch, mỗi NCT sẽ là tấm gương sáng cho con cháu trong gia đình noi theo. Những kinh nghiệm, kiến thức thực tế của họ sẽ góp phần nâng cao nhận thức và sự phát triển của xã hội. Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền là chuẩn mực chung mà từng gia đình và toàn xã hội chúng ta đều mong ước, hướng tới để xây dựng và phát triển. Do đó, càng nêu cao vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay thì càng phải chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi”- bà Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ.

Giữ sức khỏe tinh thần

Các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đan Hội, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng nghiên cứu10 lời khuyên dành cho NCT trong mùa dịchCác thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đan Hội, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng nghiên cứu 10 lời khuyên dành cho NCT trong mùa dịch (Ảnh: HN)

Bác sỹ Mai Xuân Phương nhận định, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, NCT và các gia đình, cộng đồng có NCT cần giữ vững tâm lý, bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh. NCT hãy hạn chế tối đa ra ngoài, đặc biệt với những người mắc các bệnh lý mạn tính vì đây là nhóm đối tượng nếu không may bị mắc Covid-19 thì dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao; Tuân thủ rửa tay thường xuyên và giữ vệ sinh cá nhân, nơi ở; Đảm bảo bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, ngủ đủ giấc, thư giãn nhẹ nhàng, tránh nghĩ đến chuyện phiền muộn.

Đối với NCT có các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh tim mạch, huyết áp… cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ; không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều thuốc. Khi có các dấu hiệu bị nhiễm virus như ho, sốt, khó thở, đau họng, nhức đầu, NCT cần đến ngay bệnh viện thăm khám, để được chẩn đoán kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong. Ngoài ra, NCT cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi được chỉ định để bảo vệ sức khoẻ tốt nhất trong mùa dịch.

“Sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Khi lạc quan, hệ miễn dịch sẽ mạnh hơn, các tế bào miễn dịch phản ứng hiệu quả đối với các virus hoặc vi trùng xâm nhập. NCT không nên để mình rơi vào cảm giác cô độc mà phải luôn lạc quan, yêu đời, từ đó có thể miễn nhiễm với nhiều bệnh” – bác sỹ Phương cho biết.

QUỲNH AN - MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".