Con gái hàng phố

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội từng là kinh đô trong gần 800 năm, từ nhà Lý đến Hậu Lê. Năm 1902, người Pháp chọn Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương, sau đó Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam cho đến ngày nay, vì thế ngoài mang những đức tính chung của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Hà Nội có nét rất riêng.

Con gái hàng phố - ảnh 1
 Thời trang áo dài của phụ nữ Hà Nội xưa.

Can trường, dũng cảm

Cổ xưa đến nay, trận mạc là của đàn ông, nhưng mở đầu  trang sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam lại là hai người phụ nữ anh hùng quê ở Mê Linh, đó là hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trong chiều dài lịch sử giữ nước, mỗi khi có ngoại bang xâm lược, Thăng Long - Hà Nội luôn có những người phụ nữ anh hùng. 

Ở phố Hàng Trống ngày nay vẫn còn ngôi đền nhỏ thờ ca nương Đào Thị Huệ. Khi quân Minh chiếm kinh thành Thăng Long, bà đã tổ chức cho các ca nương múa hát, cho lính nhà Minh say mềm rồi nhét vào bao tải ném xuống sông Hồng. Thấy quân số cứ hao hụt, tướng giặc  Minh cho theo dõi đã phát hiện ra việc làm của bà, y sai bắt và treo cổ bà trên cây bên hồ Lục Thủy. Kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, vua Lê Thái Tổ sai dựng ngôi đền nhỏ bên hồ để dân hương khói thờ phụng.

Yêu nước được thể hiện bằng  nhiều cách khác nhau và con gái hàng phố hành động theo kiểu của họ. Cụ Nguyễn Thị Ba, người làng Tương Mai, chỉ là thị dân,  bán  cơm  ở  phố Cửa Nam, khi bị quân Pháp bắt cho vào thùng gỗ đóng đinh xung quanh, lăn từ Cửa Nam về Hỏa Lò, đinh cắm vào người tứa máu nhưng kiên quyết không khai các nghĩa hưng tham gia vụ đầu độc trong thành Hà Nội.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều thục nữ Hà Nội đã can đảm bước ra khỏi ngôi nhà đầy đủ, rời xa đô thị sáng ánh điện, nước máy trong vắt, đường phẳng nhựa  dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Họ chấp nhận khó khăn, gian khổ, có thể  hy sinh  với khát vọng  nước nhà độc lập. 

Khi Mỹ đánh bom miền Bắc, con gái hàng phố bàn tay mềm mại  tình nguyện vào  thanh niên xung phong, từ Nhà hát Lớn họ đi thẳng ra tuyến lửa, san đường, lấp hố bom. Trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” có một khổ “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi cô gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi  nhòe mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc  Mỹ”, khổ thơ này nhà thơ Tố Hữu dành tặng cho chị  Phạm Thị Viễn, công nhân nhà máy cơ khí Mai Động, đội viên khẩu đội 12 ly 7 bắn máy bay Mỹ. Cả cha và mẹ chị đều chết oan uổng vì bom Mỹ. 

Không chỉ can trường, dũng cảm chống ngoại xâm, con gái hàng phố còn dám kháng cự lại những áp đặt bất công của vua chúa. Vua Minh Mạng ra chiếu bắt  phụ nữ Đàng ngoài mặc quần như đàn bà phương Bắc, cấm mặc váy nhưng con gái hàng phố vẫn diện  áo năm thân, váy lĩnh, còn giễu cợt “không quần  ra đứng đầu làng trông quan”. 

Năm 1927, chị em  đã lập ban kịch “Nữ tài tử” và trình diễn vở “Trang tử cổ bổn” lấy tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt, bất chấp những ý kiến cho rằng, con nhà gia giáo không nên “vác bộ mặt hoa da phấn lên sân khấu múa may quay cuồng”. Phong trào Tân thời đã làm phố phường Hà Nội nhiều màu sắc. Con gái hàng phố bỏ quần áo màu thâm, mặc quần trắng, áo trắng, rẽ tóc ngôi lệch, cạo răng đen, để răng trắng, dùng son môi. Mùa hè, nhiều cô đi bơi ở Quảng Bá, mặc quần soóc đi bộ vào chùa Trầm.  

Phong trào Tân thời không chỉ khẳng định giá trị bản thân mà còn là sự thách thức đạo đức Nho giáo lỗi thời đang đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Đó là phong trào của sự dũng cảm, vì sự tiến bộ của xã hội. 

Vì  chồng, hết mực thương con và nhân ái     
Xã hội  thay đổi, con gái hàng phố ngày nay nhiều người học cao, làm các  nghề, có  chị em giữ những trọng trách trong thể chế. Nhưng nếu họ theo nghiệp buôn bán thì đứng cửa hàng dứt khoát phải là đàn bà con gái. Bán buôn là năng khiếu trời cho con gái Hà thành. 

Con gái hàng phố - ảnh 2
    “Tứ mỹ Hà thành” những năm đầu thế kỷ XX.

Trong cuốn sách “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688” của nhà hàng hải, thương nhân người Anh William Dampier, ông ta ngạc nhiên về khả năng buôn bán của phụ nữ Thăng Long: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làm nghề này là phụ nữ, họ là những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt về nghề này. Họ thực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh khôn nhất ở London”. Buôn lớn nhưng không cần thư ký, không cần bàn tính gỗ lọc cọc như thương nhân Hoa kiều. Các bà tính nhẩm mà chả thừa cũng không thiếu đồng nào.

Các tài liệu về những người thành đạt trong thương mại, sản xuất  xưa phần lớn là  đàn bà, con gái. Thế kỷ 18, ở phố Hàng Ngang có cụ Diên Thái buôn chè, thuốc lào mà trở nên giàu có. Thế kỷ 19,  Hà Nội có câu: “Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ”. 

Chúng tôi nhìn thấy những phụ nữ bên ngoài khoác một chiếc áo choàng mầu tẻ nhạt, nhưng bên trong  là những chiếc áo dài khoe rất kín đáo, chúng tôi đếm có  đến mười  sắc mầu rực rỡ.
Trích trong cuốn  “Ở Bắc Kỳ” của  Paul Bonnetain

Bà Cống Vẽ ở phố Hàng Gai, bà Cống Sùng ở phố Hàng Bông là 2 người đàn bà giàu nhất Hà Nội  thời đó. Trong nửa đầu thế kỷ 20, các bà Hoàng Thị Minh Hồ, Vương Thị Lài, bà Nguyễn Thị Lãm (chủ hiệu buôn Tam Kỳ)… Thế nên  con gái phố Hàng xưa có quyền chọn chồng, “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”. 

Con gái hàng phố - ảnh 3
  Hội LHPN Hà Nội biểu dương Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2023.

Nhà sử học GS.TS  Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, phụ nữ các vùng quê đã tạo nên mạng lưới thương mại nhưng họ cũng chỉ buôn bán nhỏ ở chợ làng, chợ xã. Còn nhà nghiên cứu Đặng Thị Vân Chi đã  nhận định: Chính phụ nữ Hà Nội xưa đã góp phần làm nên bộ mặt kinh tế hàng hóa ở Việt Nam.

Ngày nay thường nói hội nhập với kinh tế thế giới nhưng đầu thế kỷ 20, các bà làm ăn lớn đã tự tin hội nhập với thế giới rồi. Trong một bài báo, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận định, nếu 10 công ty do đàn ông Hà Nội quản lý thì tỷ lệ thành công là 50/50, nhưng do phụ nữ Hà Nội quản lý, tỷ lệ thành công là  8/10.

Là người tay hòm chìa khóa trong nhà nhưng kỳ lạ, con gái hàng phố lại hết mực vì chồng thương con. Cụ Lê Thị Lễ bán cả hồi môn là một cửa hàng lớn lấy tiền cho chồng là Lương Văn Can duy trì Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong phiên tòa thực dân Pháp xử con trai là Lương Ngọc Quyến, trước tòa cụ Lê Thị Lễ đã vặn lại quan Pháp “Con tôi yêu nước sao lại khép tội phản loạn”. 

Một người phụ nữ khác mà tôi từng tiếp xúc là bà Nhữ Thị Tí, người bạn đời của bác sĩ Trần Duy Hưng. Những ngày tháng ở chiến khu Việt Bắc thiếu thốn, bà Tí trồng sắn, trồng rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Bà còn trồng cả cây thuốc lá để chồng có cái hút. Sau tiếp quản Thủ đô, chồng làm chủ tịch Thành phố nhưng bà kiên quyết không  nhận quà dù nhỏ để  giữ thanh danh cho chồng. 

Cuối những năm 1980, khi đang học đại học, tôi thường uống nước chè quán bà Mai (vợ của cố GS Hoàng Như Mai) ở góc phố Quang Trung - Nguyễn Du. Thỉnh thoảng tôi  thấy một bà giao lạc rang đóng trong túi nilon cho bà Mai. Hỏi mới biết  là  bà Nguyễn Thị Cúc, vợ nhà văn Tô Hoài. Các bà đã nghỉ hưu, có lương nhưng vẫn kiếm thêm để cải thiện cuộc sống gia đình. 

Mới đây trò chuyện với NSND Trịnh Lê Văn, đạo diễn kể trước lúc mẹ  mất  có để lại một tờ giấy trong tủ. Khi ma chay xong xuôi, ông mở tủ thấy có cuốn sổ tiết kiệm cùng mảnh giấy,  trong đó có dòng chữ “Nhớ mua cho chị giúp việc chiếc xe máy, chân đau mà đi làm thì  tội lắm”. 

Chuyện mẹ NSND Trịnh Lê Văn khiến tôi nhớ đến bà Lê Thị Mai, một người phụ nữ thương người như thể thương thân cuối thế kỷ 19. Buôn bán giàu có nhưng sớm vào cảnh góa bụa, nhiều người mai mối nhưng bà lắc đầu ở vậy. Bà bỏ tiền làm nhà cho học trò nghèo các tỉnh trọ không lấy tiền, trò nào không có tiền mua giấy mực cụ  mua cho. Cảm kích trước tấm lòng của người phụ nữ Hà thành, vua Tự Đức ban chữ “Tiết hạnh khả phong”. 

Bà Cả Mọc phố Hàng Ngang cũng trong hoàn cảnh như vậy. Bà  bỏ tiền ra xây nhà trẻ ở phố Hàng Đũa (nay là Ngô Sĩ Liên), và bà không lấy phí trẻ con nhà nghèo. Ở đâu có thiên tai, đói kém bà  đứng ra kêu gọi chị em buôn bán đóng góp rồi nhờ thanh niên đi cứu trợ.

Bà còn mua đất ở Sóc Sơn xây nhà đón người già neo đơn không nơi nương tựa về nuôi. Cảm động trước tấm lòng nhân ái của bà, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời bà lên Phủ Chủ tịch uống trà và mong bà tiếp tục làm việc thiện. 

Lòng nhân ái của con gái hàng phố như mạch chảy, từ xưa đến nay và cả ngày mai cũng không bao giờ dứt.

Duyên dáng, kín đáo và rất thời trang  
Con gái hàng phố lứa tuổi nào cũng thích làm duyên nhưng rất kín đáo. Trong cuốn “Ở Bắc Kỳ” của Paul Bonnetain, phóng viên  tờ “Le Figaro” ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 có bài “Dạo qua Hà Nội”. Bài  báo có đoạn về ăn mặc của phụ nữ Hà Nội: “Chúng tôi nhìn thấy những phụ nữ bên ngoài khoác một chiếc áo choàng mầu tẻ nhạt, nhưng bên trong là những chiếc áo dài khoe rất kín đáo, chúng tôi đếm có đến mười  sắc mầu rực rỡ”. Không phải cuối thế kỷ 19, phụ nữ Hà Nội mới ăn diện kín đáo. Từ lâu họ đã như vậy.

Con gái hàng phố - ảnh 4
 Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trong chiến dịch “Hà Nội –  Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.  Ảnh: Văn Bảo

Quần áo của phụ nữ Hà Nội xưa và nay luôn phong phú và thời trang hơn cánh đàn ông. Xưa con gái mặc áo dài năm thân tay rộng, có năm khuy song các cô chỉ cài bốn chiếc, để hở khuy cổ, khoe yếm cổ xây ôm lấy cái cổ nõn nà. Yếm của đàn bà nhà giàu  bao giờ cũng có thêm đường dây tết hình quả trám. Váy thì từ trơn đến váy có nếp gấp, từ khăn lụa trơn sang khăn gấm màu... 

Cái nón với  con gái hàng phố  là đồ trang điểm. “Hà Nội thì kết quai tua/ Có hai con bướm đậu vừa xung quanh/ Tứ bề nghiêng nón nghiêng vành/ Ở giữa con bướm là hình ông trăng”. Ở đỉnh chóp bên trong có gắn cái gương nhỏ để các cô soi ngắm. Năm 1883 con gái Hà Nội đã dùng nước hoa. 

Thời kỳ Mỹ đánh bom miền Bắc, vật chất vô cùng  thiếu thốn,  cũng  không cản trở được chị em làm duyên, làm dáng. Không có len mới thì thỉnh thoảng họ lại tháo cái áo len cũ đan lại, pha mầu theo kiểu khác. Chiến tranh nhưng vẫn theo mốt các nước XHCN như áo sơ mi cổ vuông kiểu Đức, cổ lá  sen, quần  phăng, áo vest, mùa đông bao giờ cũng kèm theo chiếc khăn mỏng, vừa giữ ấm, vừa làm duyên. 

Trong một truyện ngắn của nhà văn Bảo Ninh, có chi tiết, khi còi báo động máy bay Mỹ đánh bom Hà Nội, một cô gái Hà Nội tìm đôi guốc cao gót rồi mới  vào hầm trú ẩn. Ông kể chi tiết này có thật, không phải hư cấu. Con gái hàng phố là thế, hoàn cảnh   nào cũng vẫn phải đẹp. Vật đổi sao dời, con gái ngày nay duyên kiểu khác. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ

Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) – cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, thành lập năm 1986, cùng với phong trào “Đổi mới” của đất nước, Báo đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Nhà báo Đinh Quốc Bảo từ một sỹ quan trẻ có hơn 10 năm quân ngũ, là đảng viên trẻ của quân đội chuyển về, thuộc thế hệ phóng viên đầu tiên của Báo PNTĐ.
Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.