Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến phụ nữ

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những tác động tiêu cực đến từ biến đổi khí hậu khiến phụ nữ phải chịu thêm nhiều gánh nặng lớn trong công việc, thu nhập, sức khoẻ và cuộc sống, đe doạ những tiến bộ bình đẳng giới đã đạt được.

Gánh nặng kép đối với phụ nữ

Hiện nay, thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc hội chứng trầm cảm gây ra do biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ thực hiện năm 2022, có đến 2/3 trong tổng số 5.000 người Mỹ tuổi từ 18 trở lên thừa nhận họ từng có trải nghiệm lo âu về khủng hoảng khí hậu ở mức độ nhất định và một nửa trong số đó là phụ nữ.

Một dự án nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại học Điều dưỡng và Nghiên cứu sức khỏe Georgetown (Washington, Mỹ) tiết lộ, ở khu vực Nam Á, những ám ảnh xoay quanh khủng hoảng môi trường tác động mạnh đến nhóm tuổi từ trưởng thành đến cao tuổi. Phó giáo sư Syed Shabab Wahid - phụ trách dự án - nhận định: “Tuổi càng cao, triệu chứng trầm cảm, lo âu càng dễ xuất hiện. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận được tỉ lệ mắc trầm cảm cao ở phụ nữ do lo sợ về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới cuộc sống của họ”.

Bên cạnh những gánh nặng về tâm lý, phụ nữ còn phải chịu nhiều thiệt thòi về công việc và nguồn thu nhập do biến đổi khí hậu. Theo UN Women, biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên.

Báo cáo của đơn vị nghiên cứu các hành động giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu Arsht-Rockefeller (Mỹ) cho biết, các sóng nhiệt do biến đổi khí hậu có tác động rất nguy hiểm và gây thiệt hại đáng kể cho phụ nữ, dù là những người nội trợ ở nhà hay ở nơi làm việc. Nghiên cứu dẫn con số đáng báo động: 204.000 phụ nữ ở các quốc gia như Ấn Độ, Nigeria tử vong trong những năm có nhiệt độ nắng nóng cao kỷ lục. “Phụ nữ không chỉ dễ mắc bệnh về thể chất hơn do nắng nóng khi họ phải làm việc nhiều giờ hơn trong các trang trại, hay làm công việc nội trợ, mà họ còn phải chăm sóc cho những người thân bị bệnh liên quan đến sốc nhiệt một cách không tương xứng, cho dù việc đó có được trả lương hay không”, bà McLeod - Giám đốc Trung tâm Arsht-Rockefeller nói. Một số báo cáo dự đoán số ngày nắng nóng trung bình sẽ tăng ít nhất gấp đôi vào năm 2050 ở Ấn Độ và Nigeria. Điều này khiến phụ nữ sống trong các cộng đồng nghèo và thiệt thòi nhất sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Nigeria chiếm 20% số ca sản phụ tử vong trên toàn cầu (khoảng 58.000 ca mỗi năm) và nắng nóng sẽ làm gia tăng thêm các biến chứng khác.

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến phụ nữ - ảnh 1
Phụ nữ cần được đặt vào vị trí trung tâm của các chính sách chống biến đổi khí hậu.

Phụ nữ phải là trung tâm của mọi chính sách

Biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ của các thảm hoạ thiên nhiên diễn ra một cách thường xuyên và khó lường hơn. Sự khắc nghiệt của các thảm hoạ tự nhiên đã kéo theo nhiều vấn đề về tâm lý, đặc biệt đối với phụ nữ. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 6/2023 đã đưa ra khuyến nghị các quốc gia cần đẩy mạnh sự hỗ trợ về sức khỏe và tinh thần của người dân trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu.

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất về biến đổi khí hậu, chính phủ Pakistan vừa phê duyệt Kế hoạch thích ứng quốc gia năm 2023 nhằm bảo đảm các chính sách, cơ sở hạ tầng và các cộng đồng của đất nước được trang bị đầy đủ để ứng phó các thách thức. Tương tự, Chính phủ Iran quyết định cho toàn dân nghỉ theo chế độ quốc lễ do đợt nắng nóng cực đoan đang hoành hành, đồng thời kêu gọi người lớn tuổi và người có vấn đề về sức khỏe ở trong nhà. Bộ Y tế Iran cũng phát đi cảnh báo các bệnh viện cần chuẩn bị ứng phó nguy cơ nhiều người nhập viện do nắng nóng.

Theo UN Women, quá trình lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ chưa thể thành công nếu không có những ý kiến đóng góp của phụ nữ. Phục hồi sau thiên tai ở cộng đồng cũng sẽ không thể đạt được nếu không tăng cường năng lực phục hồi của phụ nữ. Mặt khác, cần lồng ghép giới vào quá trình xây dựng chính sách chống biến đổi khí hậu ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí ra quyết định và hành động bảo vệ khí hậu là rất quan trọng nhìn từ quan điểm về quyền và cũng là hành động chiến lược để giải quyết biến đổi khí hậu. Việc tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế có thể đối phó được thiên tai, huy động các đối tác cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, sinh kế, kinh doanh, đào tạo nghề, thúc đẩy cơ sở hạ tầng và công nghệ phát triển. Sự chuyển đổi của năng lượng bền vững cũng có thể thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.

Tin cùng chuyên mục