Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.

Đổi mới phương thức truyền thông trong tình hình mới

Ngày 25/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tập huấn Truyền thông về công tác hội nhập, UNESCO và ASEAN năm 2024 cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ đến từ các cơ quan báo chí.

Hội nghị nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân về Hội nhập, ASEAN và UNESCO, sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Hội nghị nhấn mạnh những nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân, cũng như vấn đề phòng chống, xử lý tin giả hiện nay.

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông - ảnh 1
Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Tuyền thông Triệu Minh Long cho biết, trọng tâm hợp tác ASEAN về thông tin bao gồm: Tin giả, Tin sai, Tin xấu - độc; Truyền thông về ASEAN và Tăng cường "Bản sắc ASEAN".

Theo đó Tầm nhìn ASEAN 2035 về thông tin truyền thông chú trọng vào 5 mục tiêu gồm: Lấy Tri thức là động lực, Chuyển đổi số tạo thêm Giá trị, Trao quyền và cải thiện đời sống cho Người dân; "Mạnh mẽ”, “Tự cường” và “Năng động”; Tôn trọng và đảm bảo tính toàn vẹn về Chủ quyền Quốc gia trên Không gian mạng; Nuôi dưỡng Bản sắc ASEAN và cảm nhận thuộc về Cộng đồng và Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các nền tảng xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị thế giới, cần xác định rõ vai trò, sứ mệnh, mở ra không gian mới cho lĩnh vực thông tin truyền thông trong ASEAN với mục tiêu: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng”; chú trọng tăng cường trách nhiệm của các nền tảng, mạng xã hội trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin hữu ích, góp phần nâng cao tri thức, hiểu biết và mở rộng không gian cho các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như chuyển đổi phương thức sản xuất nội dung và đưa tin.

Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Trịnh Minh Mạnh đã thông tin về vị trí, vai trò của ASEAN trong tình hình thế giới khu vực hiện nay. Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới và nhiều khu vực, nhất là ở Trung Đông, tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi khó khăn, dự báo giảm tăng trưởng trong năm 2024. Bất ổn, xung đột cùng với cạnh tranh nước lớn gia tăng tiếp tục tác động sâu rộng, ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đời sống toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, ASEAN luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phát triển, xây dựng cộng đồng lớn mạnh trên cả 3 trụ cột, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn nữa. Đồng thời ASEAN cũng tập trung củng cố vai trò trung tâm, tăng cường hợp tác, đối thoại, hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, cởi mở và thịnh vượng cho tất cả các nước. Với những nỗ lực kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm qua, ASEAN đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc củng cố ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực, được các đối tác coi trọng, tranh thủ và tăng cường quan hệ.

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông - ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn Truyền thông Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024

Do đó, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối, còn đối với các quốc gia thành viên, vì vậy, việc các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Hiện ASEAN đang bước vào những năm cuối cùng triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của ASEAN trong 20 năm tiếp theo.

Về định hướng tham gia của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, ông Trịnh Minh Mạnh cho biết, Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay và nỗ lực cùng các nước thành viên hiện thực hóa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực của hòa bình, hợp tác và phát triển thông qua 6 định hướng gồm: (i) triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đóng góp tích cực vào xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; (ii) củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; (iii) đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các vấn đề, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi ích và thế mạnh, phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể; (iv) tận dụng tối đa cơ hội và lợi ích từ hợp tác ASEAN đồng thời sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, kể cả về tài chính và vật chất, cho Cộng đồng; (v) chủ động, tích cực tham gia tất cả các cơ chế hợp tác của ASEAN trên cả kênh Đảng, Quốc hội và nhân dân cũng như các kênh hợp tác, trao đổi nghiên cứu học thuật, học giả; kết hợp giữa ngoại giao song phương với hợp tác đa phương trong ASEAN; (vi) tiếp tục nâng cao nhận thức trong nội bộ về tầm quan trọng của ASEAN và lợi ích từ việc tham gia Cộng đồng.

Việc triển khai thành công các định hướng này sẽ góp phần củng cố vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi của Việt Nam; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ hiệu quả các cơ hội và lợi ích từ ASEAN và thông qua ASEAN cho thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; tăng cường vị thế và uy tín quốc tế của đất nước, nâng cao hơn nữa giá trị chiến lược của Việt Nam trong quan hệ với các đối tác, nhất là các nước lớn; thúc đẩy ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường, giữ vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục