Truyền thông quốc tế ca ngợi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

VÂN NHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhân dịp Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo chí quốc tế cũng dành một sự quan tâm đặc biệt.

Truyền thông quốc tế đưa tin về lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình tờ ABC Mundial đăng bài về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5, hai hãng thông tấn lớn là Reuters (Anh) và AFP (Pháp) đưa tin cựu chiến binh, binh sĩ và nhiều quan chức cấp cao Việt Nam đã tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ

Reuters nhận định trận Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ 20. Hãng tin này cũng dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng cho tất cả các quốc gia thuộc địa trên thế giới thời điểm đó, và Việt Nam sẽ nỗ lực cho một chiến thắng Điện Biên Phủ mới trên mặt trận kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cũng tham dự buổi lễ ngày 7/5 tại Điện Biên Phủ.

"Một bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ là Việt Nam phải xác định rõ ràng lợi ích quốc gia và theo đuổi những lợi ích này một cách chiến lược", giáo sư Carl Thayer - một chuyên gia người Australia dành nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam - trả lời Reuters.

"Việt Nam đã hệ thống hóa cách tiếp cận này bằng cách diễn đạt 'ngoại giao cây tre' - kiên quyết và không khuất phục trên các nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong cách thức và phương tiện để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình", ông Thayer nhận định thêm.

Cùng lúc đó, Hãng tin AFP đưa tin về hình ảnh hàng ngàn người dân Việt Nam mặc áo dài, cùng với trang phục của các dân tộc Thái và Mông, xuống đường tại thành phố Điện Biên Phủ để theo dõi lễ diễu binh.

"Tôi đã ở đây từ 4h sáng. Đây là một ngày trọng đại mà tôi không thể bỏ lỡ", AFP dẫn lời bà Nguyễn Thị Lan (55 tuổi).

"Bị thương hay hy sinh là điều bình thường trên chiến trường, không có gì phải sợ. Chúng tôi đã chiến đấu cho độc lập và tự do", cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy (93 tuổi) chia sẻ với AFP.

Truyền thông quốc tế đưa tin về lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Hãng thông tấn Lào đăng bài viết về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: TTXVN)

Hãng tin AFP ghi nhận các di tích trận Điện Biên Phủ đang có một sự đổi mới lớn, khi Chính phủ Việt Nam muốn đưa nơi này thành một điểm du lịch thu hút du khách.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cơ quan báo chí các nước Lào, Campuchia, Tây Ban Nha, Mexico... cũng đưa tin ca ngợi về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Báo Unidad y Lucha (Thống Nhất Và Đấu Tranh), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản nhân dân Tây Ban Nha (PCPE), đăng bài viết "70 năm sau trận Điện Biên Phủ", ca ngợi chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân Việt Nam.

Báo Voces Del Periodista của Mexico khẳng định: "Sau 70 năm, dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ 20".

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Trận chiến trên xe thồ

"Điện Biên Phủ: Trận chiến trên xe thồ" là nhan đề một bài viết đăng tải ngày 7/5 trên nhật báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba - nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Trong bài viết, tác giả Delfín Xiqués Cutiño khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Hai kỳ tích nói lên đặc thù chiến tranh nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ là chiếc xe đạp thồ và kéo pháo bằng sức người ra mặt trận. Toàn dân Việt Nam đã cùng các chiến sĩ tham gia một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ: tiếp tế cho tiền tuyến.

Tướng Henri Navarre từng nhận định: "Lực lượng của Tướng Giáp sẽ không thể có được tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực. Phải mang hàng nghìn tấn hàng, xuyên hàng trăm km rừng rậm để tiếp viện cho một lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua".

Nhà báo Cutiño nhận định, người Việt vốn thành thạo nghệ thuật ngụy trang và thực dân Pháp đã sai lầm khi đánh giá thấp những con người nhỏ bé, gầy gò, đi dép cao su, những người tưởng chừng chẳng có sức mà cầm súng trường chiến đấu chống lại đội quân xâm lược tinh nhuệ, chứ đừng nói đến đánh bại "tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương". Người Việt triển khai tiếp tế rất đơn giản thông qua hàng trăm con đường kéo dài từ Thanh Hóa về phía Đông Bắc, những con đường tưởng chừng không thể đi qua.

Báo Granma mô tả, giống như đàn kiến cần mẫn vận chuyển những mảnh thức ăn về tổ, người Việt Nam đã vận chuyển lương thực, vật tư và vũ khí ra mặt trận để hỗ trợ các chiến sĩ Điện Biên mà không hề bị phát hiện. Hàng vạn chiếc xe đạp đã được sửa đổi và cải tiến để có thể chở được hơn 150 kg, tương đương với khả năng mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật liệu cồng kềnh, chất lỏng như xăng, dầu. Các đoàn thuyền tam bản, ngựa và bò cũng được sử dụng trong nhiệm vụ này.

Đặc biệt, điều bất ngờ nhất đã xảy ra khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định hậu cần táo bạo: tháo dỡ các khẩu pháo để những "chú kiến" vận chuyển từng mảnh xuyên rừng rậm, đến các hang động trong núi bao quanh căn cứ, hướng nòng pháo đã được ngụy trang vào kẻ thù.

Vận chuyển pháo dọc theo đường mòn thực sự là một kỳ tích. Những con người nhỏ bé mà Bộ Chỉ huy Pháp đánh giá thấp lại có khả năng vận chuyển tới 40 khẩu pháo 75mm nặng 2,4 tấn mỗi khẩu và súng cối 120mm vào trận địa trên đường quân sự khúc khuỷu, hẹp, trơn, lầy lội, có độ dốc lớn; qua nhiều rừng rậm, núi cao, bên vực sâu hiểm trở, trong điều kiện không quân, pháo binh địch đánh phá ác liệt.

Khi tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký Điện Biên - Điểm hẹn lịch sử: "Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới".

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục