Bởi vì “hoa không để hái, con gái không để trêu”

Chia sẻ

Một lần, tôi được hỏi: “Có điều gì tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng bạn lại mơ ước được làm?”. Đáp án đầu tiên hiện trong đầu tôi chính là: “Đi dạo tập thể dục một mình vào buổi tối”. Rất ít chàng trai phải lớn lên với suy nghĩ việc đi bộ về nhà sau 9 giờ tối có nhiều hiểm họa.

Nhưng một cô gái lớn lên với tin tức về những cô gái khác bị tấn công tình dục trên đường đi bộ về nhà lúc tối nhá nhem, lớn lên bằng lời căn dặn của người lớn về các biện pháp phòng thân dành riêng cho phụ nữ - như tôi, mọi chuyện lại khác. 

Từ đó, động lực để cá nhân tôi suy nghĩ về cách thúc đẩy môi trường an toàn cho phụ nữ - trẻ em chẳng còn phức tạp hay xa vời nữa. Tôi không muốn những bé gái khác cũng phải lớn lên nhận ra rằng bản thân bị giới hạn làm rất nhiều điều bình thường chỉ vì điều đấy là thiếu an toàn cho một cô gái.

Trước hết, ta cần hiểu cặn kẽ gốc rễ của bạo lực giới. Tại sao lại nói môi trường sống của chúng ta hiện nay thiếu an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái? Gần đây nhất vào tháng 10 năm 2021, báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới tại Việt Nam được thực hiện bởi Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Woman) đã chỉ ra cứ 3 phụ nữ Việt Nam đã kết hôn thì có 2 người đã từng trải qua một hay nhiều hình thức bạo lực gia đình. Và bạo lực gia đình chính là một phần nhỏ của bạo lực giới.

Tác giả (thứ 3, ngồi hàng đầu, cầm hoa) cùng các bạn sinh viên tham gia một hoạt động phòng chống bạo lực gia đìnhTác giả (thứ 3, ngồi hàng đầu, cầm hoa) cùng các bạn sinh viên tham gia một hoạt động phòng chống bạo lực gia đình

Trên thực tế, bạo lực giới bao gồm vô vàn các hình thức từ bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục bị thực hiện tại các môi trường khác nhau – từ gia đình, nhà trường, công sở... Bạo lực giới bị gây ra do nhận thức sai về bình đẳng giới, quan niệm cố hữu về “trọng nam khinh nữ” tạo ra khoảng cách về quyền lực giữa đàn ông và phụ nữ để rồi đàn ông có “quyền” được sử dụng bạo lực với phụ nữ. Tất nhiên không phải tất cả nạn nhân của bạo lực giới đều là phụ nữ và người gây bạo lực đều là đàn ông, nhưng ta buộc phải nhìn nhận vào sự thật rằng đa số các vụ việc bạo lực giới đều nhắm vào đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em gái.

Khởi nguồn của việc cải thiện môi trường sống chắc chắn nằm ở thay đổi tư duy và giáo dục. Có thể nhận thấy các hoạt động, dự án được thúc đẩy bởi các tổ chức lớn nhỏ về vấn đề bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đều có rất nhiều, nhưng lại đang tập trung vào khía cạnh giáo dục cho chính đối tượng dễ bị tổn thương về cách tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn là tìm cách xóa bỏ nguy cơ bạo lực. Tự vệ là một kỹ năng cần thiết và không nên bị xem thường. Giáo dục về phương pháp tự vệ cho phụ nữ cũng là một giải pháp quan trọng để ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới. Song đây chưa phải là phương pháp bền vững. Cần phải hiểu, cốt lõi của bạo lực giới không nằm ở việc nạn nhân không có khả năng chống trả, mà là do người gây ra bạo lực tự cho phép bản thân cậy quyền, cậy vào sự vượt trội về thể chất để thực hiện bạo lực lên nạn nhân. Vì vậy, phương án giáo dục đường dài mà các dự án về phòng chống bạo lực giới nên hướng đến đó chính là thay đổi nhận thức của tất cả các giới về vấn đề này. Thay đổi nhận thức phải đi từ ngôn ngữ giao tiếp đến hành động một cách toàn diện.

Trên thực tế, ngôn ngữ có khả năng định hình suy nghĩ và quan niệm của con người, ngôn ngữ hình thành ý thức của con người. Vậy mà trong tiếng Việt của chúng ta phụ nữ lại được gọi là “phái yếu” còn đàn ông là “phái mạnh”, hay vẫn còn những câu thành – tục ngữ, những câu nói theo kiểu “triết lý” mang đậm màu sắc định kiến giới như: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”...

Người sử dụng ngôn ngữ có thể không tồn tại sẵn suy nghĩ phân biệt giới, nhưng nếu cứ mãi bình thường hóa những quan điểm làm hại đến bình đẳng giới như vậy thì chẳng mấy chốc, trong đầu họ cũng hình thành hiểu biết sai lệch về bình đẳng giới và sử dụng ngôn ngữ thiếu đi sự nhạy cảm giới. Những chiến dịch như “Vì thành phố an toàn” của Plan International Việt Nam đã thay đổi câu nói trên thành câu slogan “Hoa không để hái, con gái không để trêu” là một ví dụ rất tích cực về cách mà các chiến dịch tìm về cội nguồn của vấn đề để tuyên truyền bình đẳng giới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một vấn đề nữa thường hay xảy ra trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đó là sự mất cân bằng về giới tính và độ tuổi của đối tượng tham gia. Chẳng khó gì để nhận ra, phần lớn đối tượng được tiếp cận nhiều nhất đến các chương trình giáo dục về bình đẳng giới chính là sinh viên/ học sinh trung học tại các thành phố lớn, và đối tượng dành nhiều sự quan tâm hơn cả đến lĩnh vực này là phái nữ. Có nghĩa là, các chương trình giáo dục về bình đẳng giới đang gặp khó khăn trong việc phổ quát sự tiếp cận, và sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như sự thay đổi về nhận thức không được diễn ra toàn diện. Dẫu sẽ rất khó khăn và tốn kém nhưng không phải là không có cách. Chương trình giáo dục về bình đẳng giới nên trở thành chương trình bắt buộc ngay từ những cấp học đầu đời của trẻ; việc vận động, tuyên truyền không nên chỉ dừng lại ở các thành phố lớn mà nên tới cả vùng sâu vùng xa, các làng quê nghèo... Không kém phần quan trọng là cần phải liên tục nhấn mạnh “Bình đẳng giới sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người”. Bình đẳng giới không chỉ trao quyền cho phụ nữ mà còn giải phóng nam giới ra khỏi định kiến; bình đẳng giới không chỉ đem lại an toàn cho trẻ em gái mà còn giúp trẻ em ở cả hai giới được thoải mái trưởng thành, không còn rào cản.

Đúng vậy, việc giúp cho cả xã hội thay đổi để nhận thức đúng và đủ về bình đẳng giới thật không dễ dàng chút nào, chúng ta còn một con đường rất dài phải đi và rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi luôn tin chắc chắn về một xã hội tốt đẹp trong tương lai, nơi mà bạo lực giới không còn ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái làm những việc rất đỗi bình thường như: đi bộ buổi tối, mặc bộ trang phục yêu thích hay sống cuộc đời mà mình lựa chọn...

PHẠM KHÁNH LINH
(Sinh viên năm 4, Chủ nhiệm CLB “Bình đẳng giới”, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.