CÂY ĐÈN DẦU

Chia sẻ

ĐƯỜNG TỰ DŨNG (TQ)

Trước tiết Thanh minh, tôi về quê tảo mộ cha mẹ đã qua đời cách đây nhiều năm.
Tảo mộ xong, tôi lững thững đi đến ngôi nhà cũ, ở giữa cửa có một ổ khóa treo đã han gỉ, phía trên bị mạng nhện giăng đầy. Ông anh họ tôi sống ở ngôi nhà bên cạnh phải tìm mất nửa giờ trong nhà anh ấy mới thấy được chiếc chìa khóa căn nhà mà chúng tôi gửi lại anh ấy giữ. Anh ấy vừa cười, vừa bảo, đã lâu lắm rồi không có mở cửa nên đã quên mất không biết để chìa khóa ở đâu. Tôi e rằng chiếc chìa này sẽ không thể mở được ổ khóa nhưng lạ thay, hình như giữa chìa và ổ khóa đã có sự thỏa thuận ngầm với nhau từ trước hay sao ấy nên khi tra chìa vào ổ, chiếc khóa nhẹ nhàng bung ra ngay. Sau khi tháo khóa và đẩy cửa, tiếng “cót két” vang lên liên hồi, nghe như tiếng thở hổn hển của một ông lão rồi bụi bay mù mịt như bông tuyết. Theo bản năng, tôi lùi lại mấy mét, chờ cho bớt bụi rồi mới bước tiếp vào ngôi nhà cũ của mình.

Nhìn quanh phòng một lượt, tôi chợt thấy cay cay nơi sống mũi, đây là căn nhà mà tôi đã từng sống sao? Bàn ghế cũ nát, xiêu vẹo như muốn đổ, phủ một lớp bụi dày, không còn có thể thấy được màu sắc ban đầu của chúng. Khi cha mẹ tôi còn sống, hầu như không mấy khi rời khỏi căn nhà cũ này, căn nhà tuy đơn sơ, giản dị nhưng luôn gọn gàng và ngăn nắp.

Chậm rãi bước vào căn phòng nhỏ thời thơ ấu của tôi, căn phòng luôn tràn ngập nhiều ánh nắng nhất trong nhà. Ngước nhìn lên, ánh mắt của tôi bắt gặp ngay một vật mang hình chiếc lọ mực bám đầy bụi đặt trên bệ cửa sổ, đó là cây đèn dầu tự tạo đã bị lãng quên từ lâu!

Nỗi nhớ về cây đèn dầu chợt ùa về trong lòng.

Tôi được sinh ra từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Hồi ấy, ở huyện, xã, thôn đều chưa có điện, việc thắp sáng ở mọi nhà đều trông cậy vào cây đèn dầu. Để tiết kiệm tiền, chẳng ai mua cây đèn dầu thành phẩm, chỉ cần tìm một cái lọ thủy tinh, kiếm một ống thiếc mỏng tròn bằng đầu đũa, quấn giấy rơm vào một que giấy nhỏ hơn ống thiếc một chút, luồn nó vào ống thiếc làm bấc rồi cắm nó vào cái lọ ngập đầy dầu hỏa là xong. Khi màn đêm buông xuống, quẹt một que diêm, gí vào đầu bấc đèn thời một đốm lửa lóe lên, lắc lư chao đảo rồi bùng lên, chiếu sáng cả căn phòng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ban ngày, người lớn làm công ở đội sản xuất, lũ trẻ con chúng tôi thì tan học về nhà đi kiếm rau lợn, đi kiếm củi, nhặt than, đẩy cối xay đá... hễ chậm tay chân là bị cha mẹ quát mắng. Chỉ có đến tối, mọi người lũ lượt kéo nhau về nhà, châm ngọn đèn dầu hỏa, người lớn bắt đầu hí húi nấu cơm tối, dọn dẹp nhà cửa, lũ trẻ con chúng tôi túm tụm ngồi trước cây đèn dầu, mở sách vở, đọc và làm bài tập. Trên bàn ăn tối hoặc sau bữa ăn, nghe người lớn “bày binh bố trận”, sắp xếp công việc cho kế sách mưu sinh ngày hôm sau, đương nhiên cũng có cả những lời răn dạy, khuyên nhủ chúng tôi.

Cha tôi gia nhập Đảng Cộng sản từ đầu những năm 1950, ông là một người Bolsevik chuẩn mực, tính cách có phần cục cằn, có những yêu cầu đối với chúng tôi vô cùng nghiêm khắc, thậm chí còn cực đoan, khắc nghiệt nữa.

Tôi nhớ vào một ngày thu khi tôi bảy tuổi, khi đang cắt rau lợn thì tôi chợt nhìn thấy một quả bí ngô lớn sáng bóng, vàng ươm, nặng dễ đến tám, chín cân trông thật bắt mắt khiến một đứa trẻ thích ăn bí ngô như tôi không thể cất bước mà rời đi được nữa. Nhìn bốn phía không có ai, tôi dùng liềm cắt quả bí, bỏ vào trong giỏ rồi lấy rau lợn phủ lên trên và khệ nệ ôm giỏ đi một mạch về nhà. Vào thời kỳ lương thực, thực phẩm thiếu thốn của “thế hệ rau dưa” thì một quả bí ngô to như vậy là khẩu phần ăn của cả nhà trong hai ngày. Buổi tối khi vừa cầm đèn lên thì cha tôi về, đúng lúc tôi đang hí hửng chuẩn bị “báo công”thì cha tôi sầm mặt, mắng rằng vừa rồi trên đường về, ông thấy thím Lý đang giận dữ chửi bới ngoài đồng, nói có người ăn trộm quả bí của thím, có phải là con không? Con không ăn trộm, là con nhặt được, con nhìn thấy quả bí ở giữa đường thì cho rằng nó chẳng của ai cả nên lượm mang về, chỉ thế thôi, tôi giải thích.

Cha tôi lặng im, tiến đến săm soi quả bí ngô rồi không nói một lời, đến bên tường, lấy xuống một “thiết bị chuyên dụng”mọi khi vẫn để răn dạy chúng tôi, có tên gọi là “Mã loan thằng” (dây buộc ngựa), bắt tôi nằm dài trên ghế, cởi quần rồi quật cho một trận. Vừa đánh, vừa mắng, nào tôi là cái đồ chẳng ra gì, nào là ăn trộm một quả bí để tổ tiên tám đời bị người ta nguyền rủa... Tôi đau đớn đến mức hét lên, luôn miệng cầu xin được tha thứ. Những lằn roi đỏ, tím hằn trên mông tôi và những giọt nước mắt của mẹ cuối cùng cũng khiến cha tôi phải dừng tay.

“Con cần phải ghi nhớ lời của Lão Tử”, cha tôi chỉ tay vào ngọn đèn dầu mờ mịt, giận dữ nói “Kiếp này có chết rét cũng không được sưởi ấm bằng lửa đèn, có chết đói cũng không ăn cơm của mèo! Con người ta thiếu khuyết cái gì thì có thể chấp nhận được nhưng không thể nào thiếu khuyết chí khí”. Sau đó ông bắt tôi phải ẵm quả bí ngô đến nhà thím Lý.

Tại nhà thím Lý, cha tôi van xin cho tôi một cách hèn mọn, biểu cảm nhục nhã của ông khiến lòng tôi nhói đau, đau hơn cả những vết thương do trận đòn mới rồi.

Đến đầu những năm 80, những căn nhà cuối cùng cũng đã được cấp điện, rồi những cây đèn dầu dần dần mờ đi trong ký ức của chúng tôi. Tôi cũng lớn lên, thi trúng tuyển làm công chức, bước ra khỏi quê núi, vào ở trong thành phố rực rỡ, huy hoàng ánh sáng điện, thoắt cái mà đã ba mươi năm trôi qua. Bây giờ đang bắt đầu đếm ngược cho đến thời gian nghỉ hưu, điều làm cho tôi thấy yên ổn là, trong đời tôi chưa từng bị ai hoặc là trực diện, hoặc là lén “chọc xương sống”.

Tôi định thần, quyết định đem cây đèn dầu không còn thắp được ấy về thành phố. Tôi sẽ kể cho con, cháu nghe câu chuyện về cây đèn dầu và nói cho chúng biết, là chỉ cần thổi nhẹ là có thể dập tắt ngọn lửa của cây đèn dầu này và đã làm thế nào để nó có thể thắp sáng cuộc đời tôi.

TRẦN DÂN PHONG (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.