Giấc mơ của mẹ

Hoàng Hồng
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhắc tới Mai Hoàng Hanh, hẳn độc giả sẽ nghĩ ngay đến cây bút, nhà thơ của thiếu nhi Bắc Ninh với những vần thơ trong trẻo, gần gũi với thiên nhiên.

Đêm khuya mắt mẹ rưng rưng

Mơ gặp con giữa núi rừng xa xăm

Hòa bình đã mấy chục năm

Thằng Hai, thằng Bốn vẫn nằm đấy ư?

Ầu ơi... câu hát mẹ ru

Vẫn ngân vang ở chiến khu những ngày

Con và em Bốn nằm đây

Như đang ngủ giữa vòng tay mẹ hiền.

Thương con mẹ gói ưu phiền

Gửi theo mây khói bay miền xa xăm.

                                    Mai Hoàng Hanh

Giấc mơ của mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi không chỉ hấp dẫn với những sáng tác mà anh dành cho các bạn nhỏ ấy, mà còn ấn tượng bởi những vần thơ mộc mạc, bình dị được viết theo thể lục bát truyền thống của anh. Ở đó, hình ảnh “Mẹ” hiện lên với nhiều cung bậc tình cảm, ta cùng lắng lại nghe anh chia sẻ:

Đêm khuya mắt mẹ rưng rưng

Mơ gặp con giữa núi rừng xa xăm

Hòa bình đã mấy chục năm

Thằng Hai, thằng Bốn vẫn nằm đấy ư?

Hình ảnh người mẹ hiện lên ngay trong câu thơ đầu, gợi một nỗi buồn man mác trong tôi. Đôi mắt mẹ rưng rưng giọt lệ sầu, ngày ngóng đêm trông, mỏi mòn dõi theo người con trai nơi núi rừng xa xăm. Lòng mẹ thương, nhớ con thật nhiều, để rồi ngay cả trong giấc ngủ, người mẹ cũng mơ gặp được con mình. Ngày ấy là thế, chiến tranh khốc liệt, bom rơi, đạn lạc, hiểm nguy rình rập.

Để có được độc lập như hôm nay, biết bao người con đã phải đánh đổi bằng máu, bằng xương, thậm chí bằng cả tính mạng của mình. Đọc câu thơ “Thằng Hai, thằng Bốn vẫn nằm đấy ư?”, tôi cũng nghẹn ngào xúc động.

Câu thơ như một câu hỏi tu từ mà tác giả đã khéo vận dụng, nhằm nhấn mạnh hàm ý biểu đạt, ý nghĩa cho câu thơ. Câu hỏi ấy không cần câu trả lời cụ thể. Có thể thấy, người mẹ đã hoài mong con bấy nhiêu lâu và bị dồn nén tới tột độ của cảm xúc mà bật nên câu hỏi như chỉ để tự nói với chính mình. Hỏi thế gian có mất mát nào, có nỗi đau nào đớn đau bằng người mẹ mất con?

Ầu ơi... câu hát mẹ ru

Vẫn ngân vang ở chiến khu những ngày

Con và em Bốn nằm đây

Như đang ngủ giữa vòng tay mẹ hiền.

Tiếng ầu ơi, ru hời của mẹ từ thủa con mới lọt lòng tới lúc con biết ngồi, biết đứng, biết đi đến khi con rời vòng tay mẹ, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Lời ru năm nào vẫn như ngân vang tận thẳm sâu trái tim người con trong những ngày sống và chiến đấu ở vùng căn cứ địa. Tác giả hẳn là một người tinh tế, sâu sắc, dành nhiều tình cảm cho những người mẹ, khi nhắc tới “câu hát mẹ ru”. Hai tiếng “Ầu ơi” cùng dấu ba chấm đó đã tạo dư âm đặc biệt cho tôi về hình ảnh người mẹ trong tác phẩm.

 Các con của mẹ đã nằm lại nơi nào đó trên dải đất hình chữ S này. Một phần máu, xương của các anh sẽ được đất mẹ ôm trọn và chở che. Rồi thân xác các anh sẽ hòa vào với đất đai, xứ sở, với ruộng lúa, nương khoai, để một mai cây cối sẽ tốt tươi, làng quê yên ả, đất nước thanh bình. Từ “nằm đây” trong câu thơ “Con và em Bốn nằm đây” như một sự nói giảm, nói tránh về sự hy sinh lặng thầm của những người con. Ở đâu đó trên mỗi tấc đất các anh đang nằm lại, vẫn vang vọng tiếng hát ru ầu ơi... của người mẹ chốn quê nhà.

Thương con mẹ gói ưu phiền

Gửi theo mây khói bay miền xa xăm.

Những ưu tư, muộn phiền nơi mẹ giờ chỉ còn biết gửi vào áng mây, làn khói bay về miền xa thẳm. Năm tháng qua đi, ký ức thương đau bởi chiến tranh gây ra như một vết sẹo không thể xóa mờ. Biết bao thế hệ ông cha đã ngã xuống vì non sông này. Những người mẹ kiên trung, những người con kiên cường, bất khuất ấy, mãi là bức tượng đài vững chãi trong lòng hậu thế.

“Giấc mơ của mẹ” của Mai Hoàng Hanh được viết gói gọn trong mười câu thơ. Với nhịp thơ linh hoạt, ngôn ngữ giản dị mà hàm súc. Bài thơ là nỗi niềm khắc khoải của người mẹ mất con trong thời chiến tranh, hòa bình trở lại mà con vẫn chưa về.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục