Kẹo lạc làng Lủ- Hương vị xưa và chuyện về Chúa Chổm

Chia sẻ

Là một trong những làng văn hiến nằm dọc theo dòng sông Tô Lịch nổi danh khi xưa, làng Lủ đóng góp vào lịch sử đất nước những người con danh giá, danh nhân văn hóa như: Tiến sĩ Hồng Hạo, Tiến sĩ Nguyễn Công Thái (thày dạy của Chúa Trịnh Sâm), danh nhân Nguyễn Văn Siêu…

Bên cạnh đó, làng Lủ còn là làng nổi danh của món quà quê: Kẹo lạc và bánh đa khoai.

Đặc biệt, món kẹo lạc này gắn với Chúa Chổm, nhân vật đi vào thành ngữ dân gian Việt Nam: “Nợ như Chúa Chổm”. Hôm nay, chúng ta cùng về ngôi làng bình yên giữa lòng phố thị nhộn nhịp này để thưởng thức hương vị món kẹo Lạc còn lưu giữ được tại làng, nhâm nhi ly trà mộc, thăm thú và ngâm ngợi những câu chuyện về làng Lủ mà giờ đây là làng Kim Lũ, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.

Là cư dân của làng 21 năm nay nhưng mãi gần đây, sau khi xa nhà hơn 10 năm để lập gia đình, lo đời sống riêng tôi mới trở lại và tìm hiểu được nhiều điều thú vị về ngôi làng thân yêu, quê hương thứ hai của mình. Thời gian đầu được bố mẹ mua nhà cho ăn học tôi đã biết nơi đây từng lưu dấu chân Chúa Chổm (Vua Lê Trang Tông). Nhưng mãi bây giờ, khi về thăm làng và yêu thích món kẹo lạc của làng, lật lại những trang sử cũ tôi mới biết nhiều tài liệu ghi rằng: Có một phi tần nhà Lê, khi mang thai đã trốn về làng Lủ, rồi sinh con ở thôn Trung và đặt tên là Chổm (tức Lê Duy Ninh và sau lên ngôi đặt hiệu là Lê Trang Tông). Vua Chiêu Tông (cha của Trang Tông) biết mình gặp nạn đã trao cho vợ Ngọc tỷ truyền quốc - vật tượng trưng cho đế nghiệp nhà Lê và dặn vợ phải mang con trốn đi để mưu sự lớn sau này.

Kẹo lạc làng Lủ- Hương vị xưa và chuyện về Chúa Chổm - ảnh 1

Hai mẹ con Chổm ẩn nấp ở làng Lủ trong cảnh bần hàn, Chổm phải đi kiếm củi, làm thuê và ăn chịu, mua nợ, vay tiền nuôi mẹ, sinh sống (do khất nợ mãi không trả được nên sau này khi biết Chổm lên làm vua, nhiều người đến đòi nợ, dân gian mới có câu “Nợ như Chúa Chổm”). Cũng thời điểm này đã lưu lại tình tiết Chổm gắn với món kẹo lạc. Khi Nguyễn Kim (một tướng trung thành của nhà Lê) muốn tìm người nhà Lê về kế tục ngôi báu đã nhờ một ông thầy xem hộ, ông thầy phán rằng: “Đón ở sông Tô, thấy ai “cờ son nón sắt” đó chính là Vua”. Một hôm, trong lúc ngóng chờ, Nguyễn Kim đã thấy một người trên chiếc bè chở củi, gặp đúng lúc trời mưa, đã lấy cái chảo gang thường dùng nấu kẹo lạc đội lên đầu thay nón, tay cầm cây sào có buộc cái khố đỏ, ông đoán đó là người cần tìm nên đi theo và ngỏ ý muốn chàng trai đưa về gặp mẹ chàng. Khi gặp mẹ Chổm, thấy ấn Ngọc tỷ thì Nguyễn Kim tin chàng trai này chính là hậu duệ nối dõi nhà Lê.

Câu chuyện trên không biết hư thực thế nào, vì vua Lê Trang Tông hay còn được gọi là Chúa Chổm có rất nhiều huyền thoại dân gian, rất khó xác định được đâu mới là câu chuyện thật sự. Nhưng thú vị là câu chuyện trên gắn với cái chảo gang mà dân làng Lủ thường dùng để nấu kẹo lạc, món đặc sản của làng từ xa xưa. Hiện nay tại làng vẫn còn khu thờ tự do các Vua nhà hậu Lê thời Lê Trung Hưng dựng nên, gọi là Điện Kim Long, nhiều người cho biết đó là điện thờ Vua Lê Trang Tông - vị Chúa Chổm trong dân gian.

Còn món kẹo lạc của làng Lủ, dù là một món ăn rất dễ làm nhưng cùng với kẹo lạc làng Nguyễn (Thái Bình), kẹo lạc Thọ Xuân (Thanh Hóa), kẹo lạc Thành Nam (Nam Định), kẹo lạc làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)… kẹo lạc làng Lủ (Kim Lũ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) đã và đang duy trì nét ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Kẹo lạc làng Lủ- Hương vị xưa và chuyện về Chúa Chổm - ảnh 2

Trò chuyện với anh Hoàng Đạo Hà, gia đình làm kẹo lạc lâu đời cho biết: “Tôi là đời thứ 4 trong gia đình có truyền thống sản xuất kẹo lạc của làng. Hiện nay trong làng còn rất ít gia đình theo đuổi nghề truyền thống này nhưng gia đình tôi quanh năm chuyên bán kẹo lạc. Có nhiều công nghệ sản xuất kẹo lạc ra đời nhưng gia đình tôi chỉ duy trì phương pháp thủ công truyền thống: cha ông mình để lại thế nào mình áp dụng nguyên như vậy, không thay đổi gì, không thêm chất phụ gia, không có chất bảo quản”.

Điều thú vị là gia đình anh Hà hiện đang nấu kẹo lạc bằng… chảo gang như trong chuyện dân gian về Chúa Chổm đề cập. Bí quyết làm kẹo của gia đình anh Hà rất đơn giản: chọn nguyên liệu sạch, không lẫn tạp chất, tạp mùi, rang lạc phải vừa tới chín, già quá sẽ khét, non quá bị tanh. Mạch nha mùa đông lạnh làm nhanh tay hơn, mùa hè nóng làm già hơn. Hiện tại, anh chỉ bán kẹo lạc tại nhà, gần cổng làng, kẹo nhà anh nổi tiếng đến mức cũng có khách ở nước ngoài đặt mua một mẻ mang đi làm quà.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.