Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.

Chỉ mong mẹ sống vui

Với chị Tú, mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ nhất trên đời. Hôn nhân thất bại, bà ra đi tay trắng, chỉ mang theo 3 đứa con - 3 khúc ruột của mình. 20 năm kể từ ngày đó, mẹ chị làm nghề bán sữa đậu nành. “Gánh sữa ấy cùng đôi vai gầy của mẹ đã vừa nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vừa dành dụm để mua đất xây nhà”.

Tuổi thơ của ba chị em chị Tú là những đêm dài lọ mọ từ 2 giờ khuya của mẹ, để chuẩn bị sữa đậu nành đi bán. “6 giờ sáng thì gánh ra chợ, bán đắt thì 10-11 giờ về, ế thì 12 giờ. Về tới nhà lại nấu tiếp nồi khác để chiều 13 giờ gánh đến các trường học bán. Học sinh vào lớp thì gánh đi bán khắp xóm. Mẹ bán xong đi về thì dọn dẹp, cơm nước rồi đốc thúc các con học bài”, chị Tú nhớ lại.

Khó khăn khiến mẹ cũng giáo dục các con nghiêm khắc hơn. “Nhưng phạt con thì rồi hai mẹ con cùng khóc. Con khóc vì thấy có lỗi, còn mẹ khóc vì sợ con hư, mẹ không dạy được con. Nhưng có lẽ chính sự nghiêm khắc ấy đã giúp 3 chị em tôi nên người”. Chị Tú rất ngưỡng mộ mẹ, chỉ gánh sữa đậu nành mà mẹ mua được đất, xây được nhà.

Có lần, mấy chị em “mắng yêu” mẹ, rằng sao mẹ không chịu đi chơi, không chịu ăn ngon, mặc đẹp, chỉ chăm chăm tiết kiệm tiền để làm nhà. “Thế là mẹ bảo rằng, mẹ làm nhà để con gái lấy chồng cũng có chỗ mà vái lạy tổ tiên, cho nhà chồng đừng coi thường. Mẹ làm tất cả chỉ vì mẹ có 3 đứa con gái”.

Thương mẹ, nên ba chị em của chị Minh Tú đều học hành chăm chỉ, lớn lên có công ăn việc làm ổn định, rồi lấy chồng, sinh con, cho mẹ thêm con rể, thêm cháu ngoại. Vậy là mẹ được bớt đi gánh nặng, bớt phải lo toan về các con. Lúc ấy, các con lại động viên mẹ: “Giờ là lúc mẹ được sống thoải mái và được làm những gì mẹ thích. Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ!’.

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ - ảnh 1
Chị Hằng chụp mẹ cạnh tháp Eiffel

Gánh sữa đậu nành năm nào nuôi con khôn lớn, giờ được mẹ chị Tú mang đi làm từ thiện, đi cúng dường ở các nhà chùa. Các con cũng tích cực rủ mẹ đi chơi, cho mẹ khám phá đó đây, “gần 55 tuổi mẹ được đi bar lần đầu, vui lắm!”. Nét khắc khổ ngày xưa phai nhạt dần, mẹ bây giờ đi đâu cũng thích mặc áo dài lắm. “Mình mong mẹ luôn khỏe, để được đi chơi khắp nơi, và luôn thật vui để dang tay đón con cháu trở về”, chị Tú chia sẻ.

Với rất nhiều người, lần đầu tiên được đưa mẹ đi du lịch, thăm thú luôn là kỷ niệm đáng nhớ và rất hạnh phúc. Chị Thu Hằng cũng vậy. Mẹ chị 79 tuổi, chưa từng được đi nước ngoài, nên chị rất mong muốn được đưa mẹ đi chơi một chuyến thật vui nơi xứ người. “Trước khi khởi hành mình cũng có lăn tăn, nào là năm nay năm hạn của mình, năm hạn của mẹ, nào là lúc về đúng ngày 13… Thế nhưng mình vẫn hy vọng rằng mọi việc sẽ tốt đẹp, và đúng là như thế”, chị kể.

Hành trình đưa mẹ từ giậu mồng tơi quê nhà sang thẳng Paris hoa lệ rất thú vị. Mình báo trước cho mẹ là sang đó có thể sẽ bị cú sốc văn hóa. Mình còn làm cho mẹ cái thẻ đeo vào cổ, một mặt tiếng Anh, một mặt tiếng Pháp, ghi tên, quê quán, số hộ chiếu, điện thoại, địa chỉ người thân ở các nơi, và nội dung đề nghị nếu không liên hệ được với người thân thì đưa đến đồn cảnh sát gần nhất.

“Trước chuyến đi này, mình và con gái đã xác định với mẹ những điểm chắc chắn sẽ đến, còn lại thì thống nhất để tùy chọn, nếu bà khỏe thì đi, hôm nào bà thấy mệt thì ở nhà thư giãn hoặc dạo chơi loanh quanh. Vậy nên lúc trở về, sau khi ngủ lăn lóc mấy ngày vì jetlag (hội chứng của cơ thể do thay đổi múi giờ), mẹ đã khỏe hẳn lên so với tháng trước. Mẹ in những tấm ảnh phong cảnh, ảnh chụp với những người mẹ gặp trong chuyến đi, cho vào album để ngắm nghía, hồi tưởng.

Cuối cùng mẹ chị Hằng đã có một chuyến vi vu thật vui cùng con gái. Còn với chị Hằng, những kỷ niệm ngày thơ bé bên mẹ ùa về. “Ngày mình còn bé mẹ thường sắp xếp để lúc nghỉ hè mình có cơ hội đến chỗ nào đó hay ho. Lúc là cùng mẹ đi Đồ Sơn với cơ quan, hoặc mẹ gửi mình cho cô nào đó mẹ quen đi chùa Hương cùng cơ quan cô ấy”.

Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều

Đến khi có con, được làm mẹ, vất vả, lo toan cho cuộc sống, lúc đó người phụ nữ mới cảm thấy tình mẫu tử thiêng liêng và đẹp đẽ đến thế nào.

Chị Việt Hà (nhân viên ngân hàng, 30 tuổi) có một cô con gái 5 tuổi. Từ ngày chị sinh thêm một em bé nữa, con gái từ người được chiều chuộng yêu thương nhất nhà, nay phải san sẻ tình yêu cho em trai, nhiều khi thấy rất thương con. “Có những lúc vì bận rộn, stress mình không tránh khỏi lắm lúc cáu với con hay không chăm nom con được như trước, nhưng không vì thế mà tình yêu của con gái với mẹ giảm đi chút nào”.

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ - ảnh 2
Mẹ chị Tú cùng 3 con gái

Chị kể, năm con 3-4 tuổi, con hay nói: “Con yêu mẹ nhiều như núi luôn”. Một ngày đi học về cô bé hỏi: “Mẹ ơi núi nhiều hơn hay con đường nhiều hơn?” - mình lúc đó ko hiểu ý con là gì, nên cũng ko nghĩ nhiều mà trả lời: “Mẹ nghĩ là con đường nhiều hơn con ạ”. Từ đó, con luôn nói “Mẹ ơi con yêu mẹ nhiều như con đường luôn”.

Ngày mình sinh em bé, một tối con ngồi nhìn mẹ bế em, mắt ríu vào rồi khẽ khàng nói: “Mẹ ơi tí mẹ bế em xong mẹ ôm con ngủ được không?”. Nghe thương quá, mẹ đặt em xuống rồi quay sang ôm, con nhìn mẹ cười rất tươi rồi rúc rúc ngủ ngon lành, sao mà bé bỏng thế. Có những hôm em bé hơi quấy 1 chút, sáng mình dậy muộn hơn con. Trước khi đi học con sẽ nhẹ nhàng trèo lên giường ôm mặt mẹ hôn mấy cái và thì thầm: “Mẹ ơi con chuẩn bị nước và kem đánh răng cho mẹ sẵn rồi, lát nữa mẹ dùng nhé. Con yêu mẹ”... Cuộc đời mình cũng chỉ cần 1 người yêu mình như thế, được làm mẹ thật hạnh phúc biết bao.

Và cũng đến khi có con, làm mẹ, “mình mới hiểu mẹ mình đã vất vả đến nhường nào”, Hồng Lam (28 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ. Ngày cô sinh con đầu lòng, mẹ lên ở cùng với hai vợ chồng để giúp chăm sóc em bé. Hết thời gian nghỉ sinh, Lam đi làm trở lại. Từ lúc đó, mẹ cô trông cháu toàn thời gian cho các con đi làm. “Thật lạ kỳ, tôi chưa từng thấy mẹ cáu”, Lam nói. Mẹ cũng hầu như không phải gọi điện “cầu cứu” tôi khi một mình ở nhà xoay xở với cháu. Mọi việc bà làm êm ru. Ấy thế nhưng khi bà trở về quê, Lam phải trông con toàn thời gian ở nhà, cô mới thấy, làm được như mẹ là quá khó. Chăm con thực sự rất vất vả và áp lực. Ở nhà với con, Lam bị áp lực khi con không chịu ăn, con ngủ không đủ giấc. Mỗi khi con ngủ, cô cảm thấy mình như kiệt sức. “Tận đến khi ấy, tôi mới hiểu mẹ vất vả đến nhường nào. Vất vả nuôi tôi, rồi giờ đây còn vất vả vì cháu nữa”.

Nhưng khi Lam kể lại với mẹ, mẹ cô bảo rằng: “Có vất vả thì mới là làm mẹ. Đằng sau sự vất vả ấy chính là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được”. Chính lời nói của mẹ đã tiếp thêm động lực cho Lam và khiến cô thêm yêu mẹ, biết ơn mẹ hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục