Những điều cần biết về viêm Amidan ở trẻ em

Chia sẻ

Viêm Amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường tái phát nhiều lần, nếu không điều trị kịp thời, viêm Amidan có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, khoa Tai Mũi Họng (bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận và phẫu thuật cho hơn 400 trẻ bị viêm Amidan, trong đó phần lớn do Amidan quá phát.

Viêm Amidan quá phát là gì?

Viêm Amidan quá phát là tình trạng Amidan bị viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần làm cho Amidan sưng to hơn bình thường, dẫn đến người bệnh gặp khó khăn khi nói, nuốt, thở như ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ…

Trẻ mắc chứng bệnh này lâu ngày và nhiều lần có nguy cơ còi cọc, chậm lớn. Viêm Amidan quá phát nếu không được điều trị kịp thời thậm chí có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe, hình dáng khuôn mặt, trí tuệ và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Nguyên nhân và triệu chứng của viêm Amidan quá phát

Nguyên nhân gây viêm Amidan nói chung và quá phát nói riêng có 20% do vi khuẩn, 80% do virus. Ngoài ra còn do các yếu tố: Cơ thể người bệnh yếu, sức đề kháng suy giảm nên vi sinh vật gây bệnh tồn tại ở mũi và họng dễ dàng xâm nhập; do uống bia lạnh, nước lạnh, ăn kem nên bị nhiễm lạnh; do cấu tạo Amidan; vệ sinh răng miệng không sạch sẽ; sự thay đổi đột ngột của thời tiết…

Viêm Amidan quá phát thường có biểu hiện về rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ, hơi thở hôi… Khi viêm cấp có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau rất rõ ràng, kèm theo ho, sốt, bạch cầu tăng, CRP tăng, nổi hạch góc hàm… Amidan quá phát cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tần suất viêm Amidan, thường > 5 lần/năm.

Khi trẻ bị viêm Amidan quá phát, Amidan to ở 2 bên thành họng lấn vào trong làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ khiến cho trẻ khó ăn, khó nuốt, cơ thể mệt mỏi, trẻ thở khó khăn gây ngủ ngáy, ngủ không ngon giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, chậm phát triển thể chất.

Những điều cần biết về viêm Amidan ở trẻ em - ảnh 1

Cách điều trị viêm amidan quá phát

Viêm Amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Chỉ định cắt Amidan thường được chỉ định khi trẻ có 1 trong 3 trường hợp sau: Amidan quá phát độ III trở lên, có ảnh hưởng nhiều đến giọng nói, nuốt, thở, rối loạn giấc ngủ; Amidan bị viêm > 5 lần/năm, điều trị nội khoa kém đáp ứng; viêm Amidan nhiều, gây biến chứng như: Áp xe Amidan, áp xe thành sau họng, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, thấp tim…
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới khả năng hồi phục của trẻ. Trong đó, phẫu thuật cắt amidan bằng hệ thống dao Plasma và dao Coblator, là những phương pháp tiên tiến nhất hiện nay. Với sóng radio cao tần và đầu lưỡi đa chức năng, các thiết bị sẽ giúp thực hiện phẫu thuật nhanh chóng và hạn chế tối đa thương tổn cũng như những biến chứng cho người bệnh. Khi được phẫu thuật cắt Amidan bằng dao Coblator, trẻ ít đau hơn rất nhiều so với phẫu thuật truyền thống và phẫu thuật bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, trẻ có thể ăn uống ngay sau mổ, thời gian nằm viện ngắn.

Cách chăm sóc trẻ sau phẫu thuật cắt Amidan quá phát

Ngay sau phẫu thuật cắt Amidan bằng máy Coblator trẻ có thể ăn được ngay những thức ăn mềm như sữa, cháo. Không nên cho trẻ ăn những thức ăn nóng, cứng, chua và cay như nước chanh, nước cam, bánh mỳ nướng, bim bim, khoai tây rán, bánh quy cứng…

Trẻ có thể tắm rửa bình thường và nghỉ ngơi hoàn toàn trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, sau đó tăng dần các hoạt động thể chất. Tuy nhiên, tránh cho trẻ hoạt động mạnh trong 2 tuần đầu sau mổ. Thời gian này, trẻ dễ bị cảm lạnh hay nhiễm trùng, cần cách ly trẻ với những người bị ốm trong gia đình và hạn chế khách đến thăm. Tránh đến nơi đông người để đề phòng lây nhiễm bệnh.

Cách phòng bệnh

Để hạn chế viêm Amidan dẫn đến viêm Amidan quá phát, cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ, giữ ấm vùng mũi họng, chữa viêm họng kịp thời, tránh môi trường sống ô nhiễm, tránh dùng những thức ăn quá nóng, quá lạnh. Giữ cho nhà ở và môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Nếu trẻ có các triệu chứng viêm Amidan cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để trẻ được khám và điều trị kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Tuyết Xương
(Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.