Tăng cường sự hỗ trợ trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Chia sẻ

Với những người phụ nữ chẳng may bị nhiễm HIV, hành trình được làm mẹ vô cùng gian nan, khó khăn. Bởi không chỉ “chiến đấu” với những kỳ thị từ xã hội, những ánh mắt còn ngờ vực, dè bỉu của cuộc đời, họ còn phải đối diện với biết bao nỗi lo từ sức khỏe cho đến tương lai của con mình.

Tôi là người mẹ có H

Trong những câu chuyện về cuộc sống của những người có HIV, sự kỳ thị không còn là chuyện gì mới mẻ, nhưng câu chuyện xót xa về đứa trẻ vô tội sinh ra đã có HIV, thậm chí mồ côi cha mẹ vì HIV lại một lần nữa bị từ bỏ, xa lánh bởi cộng đồng càng khiến nhiều người suy ngẫm và day dứt.

Đến bây giờ, khi đã sống quen với HIV, chị L.T.D khá bình tĩnh khi kể lại quá trình lây nhiễm HIV từ chồng, bắt đầu chuỗi ngày tưởng như đen tối, không thể tìm thấy ánh sáng hy vọng. Cách đây 4 năm, bỗng dưng thấy người liên tục ốm, các đồ vật trong nhà nhìn như nhòe đi, tiếng con gọi, tiếng người thăm hỏi nghe xa xăm... chị D tưởng mình bị suy nhược cơ thể, đi khám tại bệnh viện thì phát hiện có HIV do lây nhiễm từ người chồng nghiện ma túy. Điều đau xót nhất chính là đứa con gái mới 2 tuổi rưỡi của chị cũng bị lây nhiễm HIV.

Muốn chết mà nhìn con, chị lại không dám chết. “Mình chỉ nghĩ cố gắng điều trị để giữ gìn sức khoẻ làm việc kiếm tiền nuôi sống hai mẹ con. Bản thân cố gắng thuốc men cho con, uống đều thuốc biết đâu sau này có thuốc điều trị cho con khỏi bệnh. Rất may là trong suốt mấy năm điều trị thuốc hai mẹ con khoẻ mạnh, ít ốm vặt”- chị D tâm sự.

Phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền làm mẹ và được chỉ định điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt (ảnh minh họa, nguồn: Sở Y tế Hà Nội)Phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền làm mẹ và được chỉ định điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt (ảnh minh họa, nguồn: Sở Y tế Hà Nội)

Còn hai vợ chồng chị N.K.D kết hôn đã 5 năm mà vẫn chưa dám sinh con vì cả hai đều bị nhiễm HIV. Do được điều trị kịp thời, cuộc sống của họ dần ổn định. Sau khi được bác sĩ khám, tư vấn, cuối năm 2019, vợ chồng anh chị quyết định mang thai và sinh con. Chị D đã khám thai đầy đủ và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Còn cháu bé ngay sau khi sinh cũng được điều trị dự phòng từ lúc 6 tháng tuổi, được hướng dẫn không nuôi con bằng sữa mẹ. Giờ đây khi cháu đã 18 tháng tuổi, kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính với HIV đã khẳng định cháu hoàn toàn mạnh khoẻ, đây thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình người nhiễm HIV như anh, chị.

Nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng bệnh

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Khi mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3-5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa).

Thời gian qua, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Theo đó, chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản. 100% các cơ sở điều trị HIV/AIDS được giám sát hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn sống được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV... Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Việt Nam năm 2010 khoảng 10%, nay đã giảm còn khoảng 2%. Tỷ lệ này ở Hà Nội còn thấp hơn, trong 5 năm qua, hơn 1.000 bà mẹ nhiễm HIV sinh con, nhưng chỉ có 4 trẻ được sinh ra bị nhiễm virus này.

Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021, các địa phương của Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Đây là mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cùng với đó, giúp nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Đồng thời, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

HÂN CHI

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.