Trạm cà phê và sách

Trương Thị Thúy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hưng treo chiếc áo khoác vào mắc áo, buông người nằm sõng soài ra giường. Anh cảm thấy chán nản khi mọi việc trong ngày đều lặp đi lặp lại theo một lịch trình được rập khuôn y đúc từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Riết Hưng thấy mình chẳng khác gì cỗ máy, khô khan, nhàm chán.

1.

Làn gió hiu hiu thổi vào từ ngoài cửa sổ giúp anh cảm thấy dễ chịu hơn. Hưng nhắm mắt mơ màng. Khuôn mặt anh dần mất đi vẻ cau có lúc mới trở về và hai bên khóe môi hơi nhếch lên. Anh cười! Nụ cười thật nhẹ nhàng, yên bình.

Hưng ra trường, đi làm mới được gần một năm nhưng môi trường làm việc của một cơ quan hành chính khiến Hưng uể oải. Anh chán ngán nghĩ mình như con ngựa thồ, lẽ ra phải được dùng để chở hàng thì bây giờ lại chỉ được dùng làm cảnh trong một khu vui chơi. Tính Hưng luôn hoạt bát, dám nghĩ dám làm và thường thích những điều mới mẻ.

Vốn có máu kinh doanh từ thời còn là cậu học sinh cấp ba, Hưng thi đại học ngành Quản trị kinh doanh, mơ ước sau này học xong sẽ tự mình làm chủ một cửa hàng. Nhưng cha mẹ Hưng lại muốn con mình có một công việc nhàn nhã, ổn định, ngày làm 8 tiếng, tối về thảnh thơi, cuối tuần có thể nghỉ ngơi, không lo nghĩ gì nên khi Hưng vừa ra trường họ đã lo cho anh nơi làm việc.

Dù Hưng mới chỉ là hợp đồng thử việc nhưng họ đã vui ra mặt, thời buổi người khôn việc khó, có chỗ làm là may, còn ổn định lâu dài thì từ từ tính tiếp.

Biết có thuyết phục hay cự cãi cha mẹ cũng không được mà chỉ càng làm cha bực, mẹ buồn nên Hưng im lặng và tỏ ra chấp nhận, chờ khi có dịp nào đó phù hợp anh sẽ thưa với cha mẹ dự định của mình. Vậy mà cơ hội thưa chuyện với cha mẹ còn chưa đến Hưng đã cảm thấy mình như đang sống cảnh đời thừa.

Hưng thực sự thấy mình chẳng là mình nữa. Ngay cả một chú ong còn có ý thức quyết định cho mình việc sống hay tồn tại với hành trình đi tìm lẽ sống của cuộc đời. Hưng nghiêng người, nhìn chăm chú vào giá sách được đặt gần cửa sổ. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu.

Trạm cà phê và sách - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ánh mặt trời đã nhạt, gió êm êm. Đôi chim sà xuống đậu trên cành khế sát ngay cửa sổ. Lích chích, lích chích. Hưng hé mắt nhìn nhưng không gây tiếng động, sợ đôi bạn nhỏ bé kia sẽ giật mình bay đi mất. Chúng nhảy nhót từ cành này sang cành kia. Ngó nghiêng. Hưng bỗng hắt xì một tiếng rõ to. Đôi chim vụt bay đi. Chỉ còn cây khế khẽ rung trong gió nhẹ. Bọn chúng đều có đời sống riêng. Hưng nghĩ vậy và ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu lúc trước trở lại.

Lần này rõ nét hơn. Hưng bật dậy, ngồi ra bàn sách. Một phác thảo, một bản kế hoạch nhanh chóng được vạch ra. Anh lấy điện thoại chụp gửi cho một ai đó rồi gọi điện nói chuyện với người đó. Càng nói, khuôn mặt Hưng càng lộ rõ vẻ hào hứng. Hai bên khóe môi cứ cong lên và đôi mắt thì hấp háy vui. Lâu lâu giữa cuộc nói chuyện Hưng lại cười thành tiếng. Lâu rồi Hưng mới cười sảng khoái như vậy.

Chú Tính là em trai của cha Hưng nhưng anh lại hợp với chú hơn cha nhiều. Cha hay có tính áp đặt với con cái, còn chú luôn lắng nghe và định hướng. Lần này, chú ủng hộ tuyệt đối quyết định của Hưng, còn hào phóng cho anh mượn luôn mặt bằng đắc địa của mình ở gần trung tâm thị trấn. Mặt bằng này trước chú cũng cho người ta thuê mở quán cà phê, họ trả gần năm nay.

- Đằng nào chú cũng đang bỏ không, cháu cứ làm, không phải nghĩ.

- Thế sao được ạ!

- Sao lại không được. Còn nếu cháu lăn tăn, thế này đi, năm đầu, chú ủng hộ mày khởi nghiệp. Cứ làm cho tốt, năm sau tính tiếp nha.

Cuộc gọi kéo dài chừng nửa tiếng thì kết thúc. Hưng nắm chặt điện thoại trong tay. Một loạt những dự định được vạch ra. Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, anh sẽ bắt tay vào làm việc. Trong gia đình, chỉ có chú Tính là người luôn ủng hộ những quyết định của Hưng và khích lệ anh. Lần này cũng vậy. Nghe Hưng trình bày, chú tán thành liền, còn cho Hưng những gợi ý cực kì tuyệt vời.

Ông bà Thanh, Hoàng đi làm về thấy tiếng hát của con ở trong phòng thì không khỏi tò mò. Từ ngày đi làm đến nay, về đến nhà là cái mặt nó lầm lì, có bao giờ mà lại hát hò như vậy. Đúng kiểu cây đá ngàn năm bỗng biết nở hoa. Bà Thanh rón rén đến phòng Hưng, ông Hoàng cũng tò mò theo sau. Hưng vừa hí hoáy làm gì đó, vừa hát. Có vẻ anh không để ý đến sự xuất hiện của cha mẹ. Đến khi Hưng giật mình định cất tờ giấy đi thì cha mẹ đã đứng ngay bên.

Ông Hoàng từ vẻ mặt tươi cười xen lẫn tò mò bỗng chuyển sang sa sầm khi thoáng nhìn qua tờ giấy trên tay con trai. Thì ra lâu nay nói nó đến vậy rồi mà nó vẫn chưa từ bỏ ý định, nó dạ vâng cho xong. Hôm nay ông mà không bắt gặp thì nó qua mặt ông bao giờ không biết. Máu nóng trong ông nổi lên, bừng bừng. Ông đưa tay giật tờ giấy trong tay con. Hưng đã đoán được ý cha mình, anh rụt lại nhưng không kịp.

- Ba trả lại tờ giấy cho con - Hưng vội vàng.

- Mày bỏ ngay cái ý định quán sá đi! - ông Hoàng đanh giọng lại.

- Ba! Con lớn rồi, xin ba hãy cho con theo đuổi ước mơ của mình.

- Ước mơ có mài được ra mà ăn không? Mày đừng tưởng kinh doanh là dễ, chú Tính mày ngày xưa cũng phải trồi lên dập xuống không biết bao nhiêu lần, trôi dạt bốn phương tám hướng mới được như bây giờ. Mà ngày xưa nó còn dễ, gặp thời. Chứ bây giờ, mày thấy thời buổi người khôn của khó, thi nhau mở quán này quán kia rồi đứng nhìn nhau mà ngáp dài à. (Rồi ông Hoàng hạ giọng) Công việc ba xin cho, con cứ chịu khó làm, thời gian nữa họ thi tuyển, công việc ổn định, vẫn hơn, con ạ!

- Con xin nghỉ rồi ba. Con đang chờ bàn giao công việc, cuối tháng sẽ nghỉ hẳn.

- Mày nói cái gì? Mày… mày…

- Ông, có gì bình tĩnh đã, mình từ từ nói con - bà Thanh vội vàng ngăn chồng.

Trạm cà phê và sách - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Ông Hoàng trợn mắt, nghiến răng chỉ mặt Hưng. Ông tức giận xé nát tờ giấy đang cầm trên tay ném xuống đất trước mặt Hưng. Bình thường Hưng biết cha nóng tính và thương con một cách cực đoan nhưng không nghĩ cha sẽ làm như vậy. Tính tự ái của một người đàn ông nổi lên:

- Ba thật quá đáng! Ba hãy để con được sống cuộc đời của con. Đừng biến con thành cỗ máy hay bản sao của ba.

2.

“Trạm cà phê và sách” đi vào hoạt động đến nay đã tròn hai tháng, ngày nào cũng đông khách, dòng khách chính là thanh niên, sau đó là người lớn tuổi – những người đã về hưu. Nhờ có mặt bằng rộng, thực ra giống một khu vườn với rất nhiều cây xanh lớn, che bóng mát. Dưới mỗi tán cây, Hưng làm một chòi nhỏ lợp mái lá, có ghế ngồi, khi mỏi có thể ngả lưng, có chòi còn đặt cả võng nằm. Một số chòi Hưng đặt những tủ sách mini, với một số loại sách. Tùy theo đối tượng và nhu cầu, nhân viên quán sẽ hướng dẫn khách tới nơi cần không gian làm việc, đọc sách hay chỉ để chuyện trò, tán gẫu.

Dòng nhạc nhẹ không lời vừa giúp khách thư giãn, cũng không quấy rầy những cuộc nói chuyện. Hưng còn có riêng một quầy sách, có nhân viên trông coi, nếu khách nào cần quyển gì thì sẽ mượn đọc ngay tại quán, đọc xong gửi lại, chưa xong thì bữa sau đến đọc tiếp. Cứ như vậy mà chỉ sau hai tháng đi vào hoạt động, “Trạm cà phê và sách” ngày càng được nhiều người tìm đến ngoài một lượng khách quen tương đối ổn định.

Bây giờ thì có thể tự tin nói với cha mẹ là mình sẽ thành công. Hưng nghĩ vậy. Anh sẽ tranh thủ một buổi về nhà. Dù sao từ bữa đó anh chưa về. Khi nghe chú Tính phân tích phải trái, anh thấy mình cũng chưa đúng. Lần này anh sẽ về xin lỗi cha mẹ và cũng thông báo quán của anh đã đi vào ổn định để cha mẹ mừng.

Tại một chòi lá cuối “Trạm” nằm gọn dưới tán một cây lộc vừng lớn, nơi chỉ có một chiếc ghế dài, một bàn tre nhỏ và không có tủ sách nhỏ, một người đàn ông tầm gần 60 cuối tuần nào cũng đến ngồi. Từ ngày quán khai trương, chưa cuối tuần nào ông vắng mặt. Ông gọi một ly cà phê phin, mượn một cuốn sách, nhẩn nha ngồi đọc, lâu lâu lại ngước nhìn xung quanh. Ông dừng lâu ở chỗ quầy pha chế như tìm kiếm ai đó. Nhân viên đã có lần nói với Hưng nhưng anh không để tâm lắm. Đó là quyền riêng tư của mỗi người và Hưng tôn trọng điều đó. Phương châm khi mở “Trạm” cũng là như vậy.

Người đàn ông dưới tán cây lộc vừng gọi nhân viên tính tiền, ông cúi nhặt chiếc lá lộc vừng vừa ngả vàng rơi xuống đất kẹp vào trang sách đang đọc dở, vừa ngẩng lên chìa cuốn sách ra định đưa trả lại cậu nhân viên thì ông sững người. Là Hưng đang đứng bên cạnh ông. Ông mỉm cười, cầm tay con trai đang rưng rưng vì xúc động, vỗ về: “Được rồi! Ba mẹ luôn bên cạnh con. Cuối tuần này, về nhà ăn cơm nha con!”. Ông vui vẻ nghĩ đến bữa cơm đoàn tụ cuối tuần sau hai tháng con trai ra mở quán.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục