“Con đường Văn sĩ“: Kho tư liệu quý về Nguyễn Huy Tưởng và các thế hệ nhà văn tiền chiến

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Con đường Văn sĩ -⁹ cuốn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

“Con đường Văn sĩ“: Kho tư liệu quý về Nguyễn Huy Tưởng và các thế hệ nhà văn tiền chiến - ảnh 1
(từ trái sang) Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, Tiến sỹ văn học Đỗ Thanh Nga, Tiến sỹ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ

Chương trình có sự tham gia của nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, Tiến sĩ Văn học Đỗ Thanh Nga, Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, buổi giao lưu làm sáng tỏ sự nghiệp và những cống hiến của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong tư cách một nhà văn, một nhà hoạt động cách mạng.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng  là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô.

Các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ, yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa, Cô bé gan dạ… Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nguyễn Huy Tưởng đến với công việc viết văn khá muộn. Những năm tháng tuổi trẻ, không cam chịu đời viên chức cạo giấy, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo sinh.

Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8/1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 1996.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khao khát cống hiến nhưng cũng đầy băn khoăn tìm đường đó, Nguyễn Huy Tưởng chọn nhật kí là nơi vừa giãi bày vừa luyện viết.

“Con đường Văn sĩ“: Kho tư liệu quý về Nguyễn Huy Tưởng và các thế hệ nhà văn tiền chiến - ảnh 2

Những trang nhật kí được viết trong suốt những năm 1938 đến 1945, thời điểm trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ là những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên - công chức sở Thuế quan để trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng.

Đồng thời là những nét phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị. 

Cuốn sách gồm 3 phần, Phần 1 là những trang nhật ký từ 1938 - 1939 với các nội dung chính: Đời công chức, Mộng văn chương, Em bé Hàng Vôi, Truyền bá quốc ngữ và hôn nhân. Phần 2, nhật ký những năm 1940 - 1943 với các nội dung: Đổi xuống Hải Phòng, Hướng đạo, Tri tân, Đêm hội Long Trì và mẹ mất. Phần 3 là những trang nhật kí từ 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ với các nội dung chính: Vũ Như Tô, An Tư, Văn hóa Cứu quốc, Tiên Phong. Giữa phần 1 và phần 2 là “Một thiên kí sự” những trang nhật kí về một tháng tân hôn cũng rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Bố cục cuốn sách bước đầu cho thấy “con đường văn sĩ” của Nguyễn Huy Tưởng với mộng văn chương ở Phần 1 khi chàng trai Nguyễn Huy Tưởng luôn bị “con ma văn chương ám ảnh”, cho đến Phần 2 là khi ông có tác phẩm đầu tay “Đêm hội Long Trì” được in thành sách và Phần 3 khi ông cho ra đời tác phẩm lớn trong sự nghiệp của mình: “Vũ Như Tô”.

Nói về cuốn sách, Tiến sỹ Đỗ Thanh Nga cho rằng, những sự trăn trở với nghề, với cuộc đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được thể hiện rất rõ. Không chỉ là những câu chuyện văn chương, Nguyễn Huy Tưởng còn bộc bạch về lẽ sống, lẽ làm người. Không chỉ câu chữ trong nhật ký được trau chuốt một cách tỉ mỉ do Nguyễn Huy Tưởng coi viết nhật ký là cách để rèn viết văn khi dấn thân vào con đường văn chương mà cuốn nhật ký còn hé lộ những mối quan hệ, những chân dung của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng thời bấy giờ.

“Con đường Văn sĩ“: Kho tư liệu quý về Nguyễn Huy Tưởng và các thế hệ nhà văn tiền chiến - ảnh 3

Bên cạnh Con đường văn sĩ, với bố cục 3 phần này, độc giả cũng có thể biết được hành trình tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động yêu nước trước cách mạng của ông với phong trào Truyền bá quốc ngữ đến Hướng đạo rồi Văn hóa cứu quốc.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong bước đầu đến với văn chương coi viết nhật ký là một cách rèn luyện cách viết văn. Không những vậy, ông quan niệm “Tôi đang chép nhật ký và suy xét mình, và tìm lấy một quan niệm về nhân sinh”. (Nhật ký ngày 24/11/1938).

Cuốn nhật ký vì vậy hấp dẫn bởi cách viết ngắn gọn nhưng sống động, chi tiết chân thực giàu cảm xúc. Những trang nhật ký riêng tư của Nguyễn Huy Tưởng là những tư liệu quý giá, về đời sống xã hội, đời sống công chức và phần nào phác họa bức tranh văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng trong phần Lời bạt có đánh giá: “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, trong khi ghi lại cuộc đời mình với quá trình trước tác, hoạt động xã hội thì đồng thời, cũng phản ánh chính những sự kiện, phong trào mà ông là người trong cuộc….”, “…với lợi thế của “thể loại” – thuật lại tức thì các sự việc xảy ra, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng còn cho thấy sự hình thành nhiều tác phẩm của ông, từ một bài thơ cho đến cả một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết…”.

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” không chỉ dành cho những ai yêu văn chương nói chung, yêu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng, đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về tác giả Nguyễn Huy Tưởng và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến.

Cuốn sách “Con đường Văn sĩ” ra đời đúng vào dịp hướng tới kỉ niệm 112 ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng cho thấy sức sống ngòi bút của ông. Những trải nghiệm tư tưởng của ông trên bước đường lập thân lập nghiệp cũng là nguồn cổ vũ cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.
Khám phá khoa học thông qua chuỗi truyện tranh dài kì

Khám phá khoa học thông qua chuỗi truyện tranh dài kì

(PNTĐ) - Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2018, ZOOKiZ đã nhanh chóng chiếm được cảm tình nhờ nhóm nhân vật mang những tính cách vô cùng tinh nghịch và đáng yêu: thỏ Kiki láu lỉnh, gấu Bongbong ham ăn, “hổ chó” Alex hay càu nhàu, chuột cảnh Ppuyo ngốc nghếch, lười, Nana điệu đà, chó xù Pang ham vui.