Nhà thơ Nguyễn Xuân và những vần thơ sâu lắng viết về đồng đội

THU HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Xuân - một người từng có 20 năm tuổi quân, 35 năm làm nghề báo và là đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng, đã cho ra đời tập thơ mang tên “Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc”; với những vần thơ da diết, gần gũi, trữ tình.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Xuân, tên thật là Nguyễn Xuân Đương, sinh 1951, tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Với ông, từ cầm súng chuyển sang cầm bút, vừa làm báo lại làm thơ, viết truyện, tất cả đều là cơ duyên, xuất phát từ cuộc sống, có phần để mưu sinh. 

Nhưng những vần thơ của ông không chỉ gần gũi, trữ tình mà càng sâu nặng hơn là sự gửi gắm đầy trách nhiệm: “Món quà mọn/Chú và anh gửi tặng/“Điểm tựa” vững vàng, Hải đảo - Biên cương/Tổ quốc yêu thương/Đất nước kiên cường/Cần có các cháu, các em/Ngày đêm canh giữ/Đội vệ binh Quốc gia chân cứng đá mềm!”.

Nhà thơ Nguyễn Xuân và những vần thơ sâu lắng viết về đồng đội - ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Xuân.

Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô xin giới thiệu 3 bài thơ tiêu biểu trong tập “Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc” của nhà thơ Nguyễn Xuân.

1. BÊN DÒNG SÔNG ẤY
Kính dâng hương hồn 30 cán bộ, chiến sỹ
Đồn Biên phòng Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang, Anh hùng LLVTND

Dòng sông ấy
Có tên Giang Thành
Bắt nguồn từ Campots
Chảy qua Phú Mỹ, Kiên Giang
Đọng lại
Đông Hồ - Hà Tiên - Võng Nguyệt.

Đã có một thời
Giang Thành - Phú Mỹ
Thạch Động - Xà Xía - Kiên Lương
Tiếng súng rền vang
Chống quân xâm lược
Đồng đội tôi nơi ấy tuyến đầu!.

Ngày 17 tháng 5 (1978)
Cái ngày nhớ mãi
Bốn tiểu đoàn lính Khme
Vượt qua biên ải
Đánh vào Rạch Cát, Mương Khai
Trà Phô, Trà Phọt, Giồng Kè
Bao vây Phú Mỹ.

Đội cảm tử của đồn
Ba mươi chiến sỹ
Hừng hực lửa căm hờn
Sống mái một phen.

Bên trái – bên phải
Phía trước – Phía sau
Bốn bề thọ địch
Đồn trưởng Nguyễn Minh Phương hô:
Tung lựu đạn
Chính trị viên Hồ Đăng Khầm thét:
Tuốt trần lưỡi lê
Quyết giữ trọn từng tấc đất biên ải.

Đánh, đánh, đánh!
Ba mươi chiến sỹ Anh hùng
Hóa thân thành ba mươi Thánh Gióng
Bay lên trời xanh
Để Tổ quốc muôn đời vững chãi!

2. CUỘC CHIẾN Ở PHA LONG
Kính tặng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, đơn vị hai lần AHLLVT Nhân dân.

Thời gian trôi, vẫn trôi
Nước dòng sông chảy mãi  
Gió biên thùy chậm rãi
Ngân nga hào khí Pha Long!

Ngày đó đã lâu rồi
Không ai muốn nhắc 
 Người dân Hmông, Lô Lô, 
Chỉ biết cái rẫy, cái nương 
Con gái thích đi chợ phiên
Bắt trai bản say rượu về ở rể!

Nhưng chẳng thể quên
Sáng ấy đang màn đêm
Bỗng tiếng súng quân thù rung chuyển 
Đất trời rực lửa 
Tiếng kêu thất thanh
Cha đâu rồi, mẹ đâu rồi, các chị, các em?

Người dân Sín Chải, Pha Long
Suối Thầu, Lũng Cáng
Dớn dác nhìn nhau
Chợ Mường Khương bốc cháy
Phố Pha Long điêu tàn
Lợn, dê, trâu, bò, ngỗng, ngan
Bị quân xâm lăng cướp bóc 
Đạn đại bác gầm rít
Xích xe tăng dọc ngang
Nghiền nát cả trời đêm núi rừng biên ải!

Trận địa Đồn Pha Long 
Từ 17 đến 20 tháng 2
Bọn ngoại xâm 20 lần xung phong
Phía trước phía sau
Bên trái, bên phải
Vẫn kiên cường như rừng táu, rừng lim.

Chính trị viên Trần Xuân Ngọc xông lên
Đồn phó Nguyễn Anh Đức ngã xuống
Đội trưởng Lê Khắc Xuân
Tả xung, hữu đột
Một phen sống mái với quân thù! 

Nắm chắc tay súng
Một tấc không đi
Một ly không lùi
Trên dưới đồng lòng
Biên ải -Thiêng liêng - Đất nước! 

Suốt bốn ngày đêm “quần lộn” 
Đồn Biên phòng Pha Long
Diệt gần 800 tên 
Nhiều xe tăng, pháo lớn
Chiến thắng lừng vang, Tổ quốc ghi công!

Thế địch đang đông
Lại được tăng thêm viện mới 
Bộ đội ta hết đạn
Nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh
Nhưng tất cả chẳng rời trận địa.

11 giờ ngày 19 tháng 2
Bức điện Trần Xuân Ngọc ký tên
“Đã bắn đến viên đạn cuối cùng
Chúng tôi xin vĩnh biệt”
Tổ quốc mẹ hiền đất nước niềm tin! 

Năm ấy, đào không đơm hoa 
Ban không xòe nụ
Dòng sông Xanh lờ đờ ủ rũ
Núi rừng Mường Khương âm u 
Chỉ có biên cương Tổ quốc rực ngời ánh lửa!

3. PRETS CỦA VIỆT NAM
Kính tặng cán bộ, chiến sỹ Đại đội 5,
Công an Nhân dân Vũ trang Lạng Sơn, đơn vị Anh hùng.

Chiến tranh thế giới thứ 2
Liên Xô có pháo đài Prets
Cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc
Việt Nam có pháo đài Đồng Đăng.

Prets của Liên Bang 
Hay Đồng Đăng của Việt Nam
Thì cả hai đều bất tử
Nơi ấy tuyến đầu 
Của Tổ quốc muôn năm!.

Tháng 2 năm 1979
Bọn xâm lược đưa quân 
Sang Việt Nam xâm lăng 
Đại đội 5 của
Công an Vũ trang Lạng Sơn
Biến pháo đài Đồng Đăng
Trở thành Préts
Chiến đấu kiên gan
Chặn đứng quân hung bạo
Nơi tuyến đầu hiên ngang!

Pháo đài Đồng Đăng
Thực dân Pháp xây từ 1945
Để ngăn chặn đám Tàu ô, quân Tưởng
Có ai ngờ Trung Hoa
Ông bạn lớn
Núi liền núi, sông liền sông
Lại bày trò giở chứng?!.

Trận chiến xảy ra
Quyết liệt từ đầu
Đại đội 5
Chặn trước, khóa sau 
Không cho chúng, tràn vào “Prets”
Bởi nơi đó đang có hàng trăm đồng bào.

Binh nhất Nông Văn Phiao
Với khẩu 12,7 ly được giao
Cứ quất ngang, xỉa dọc
Mỗi viên đạn bay ra 
Đập vào mặt từng tên ăn cướp  
Xạ thủ B40 Lê Minh Trường
Thiêu cháy đám “bọ hung” 
Suốt bốn ngày 
Nơi Prets Đồng Đăng
Cả người và xe của bọn xâm lăng
Thay nhau phơi xác
Cứ loay hoay không chiếm nổi Pháo Đài!.

Ngày 21 tháng 2
Nhờ chiến thuật “biển người”
Trung Quốc tràn lên 
Thả lựu đạn cay
Xuống lỗ thông hơi
Đổ xăng vào hầm phóng hỏa
Dùng 10 tấn bộc phá
Châm ngòi, mới chiếm được, Đồng Đăng (!).

Ngày 5 tháng 3
Binh đoàn Hương Giang của Việt Nam
Xuất hiện ở Lạng Sơn
Thì quan thầy Bắc Kinh âm thầm
“Quay xe” tháo chạy
Đồng Đăng trở lại
Hiên ngang thành Prets của Việt Nam!.

 

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách thiếu nhi hấp dẫn trong mùa Giáng sinh

Nhiều sách thiếu nhi hấp dẫn trong mùa Giáng sinh

(PNTĐ) - NXB Kim Đồng ra mắt nhiều tựa sách mới đa dạng về thể loại, giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin thú vị về lễ Giáng sinh, những cuốn sách ấm áp về tình yêu thương, sự sẻ chia, hàn gắn, cùng nhiều cuốn sách kiến thức mới lạ, bất ngờ về thế giới xung quanh.
Công trình nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết về lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16-19

Công trình nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết về lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16-19

(PNTĐ) - “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16-19” là một công trình nghiên cứu đồ sộ, tâm huyết trong hơn 10 năm trời của giáo sư Trịnh Vĩnh Thường - chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung-Việt, người Hồng Kông, góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa Cơ Đốc giáo và chính quyền phong kiến Việt Nam.