Kỳ họp thứ 15, HĐND huyện Gia Lâm:

100% đại biểu dự tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 10/4, tại kỳ họp thứ 15, HĐND huyện Gia Lâm khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 với sự tán thành của 100% đại biểu HĐND huyện có mặt.

100% đại biểu dự tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã  - ảnh 1
Các đại biểu thông qua nghị quyết tại kỳ họp

Thông tin tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết: Ngày 31/3, huyện Gia Lâm đã tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện Gia Lâm. 

Cụ thể, xã Yên Viên và thị trấn Yên Viên sáp nhập thành thị trấn Yên Viên; xã Phù Đổng nhập với xã Trung Mầu thành xã Phù Đổng; xã Đình Xuyên nhập với xã Dương Hà thành xã Thiên Đức; xã Kim Sơn nhập với xã Phú Thị thành xã Phú Sơn; xã Đông Dư nhập với xã Bát Tràng thành xã Bát Tràng; xã Kim Lan nhập với xã Văn Đức thành xã Kim Đức. 

Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh một phần địa giới hành chính 4 đơn vị trong khu đô thị Gia Lâm, gồm: Thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn.

Kết quả, số cử tri đồng ý đạt 99,06%. Đồng thời, tại các kỳ họp HĐND của 16 xã, thị trấn cũng thống nhất 100% về việc tán thành chủ trương thành lập mới 6 đơn vị hành chính trên cơ sở nhập 12 xã và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 4 xã, thị trấn.

Tại kỳ họp, 100% số đại biểu HĐND huyện Gia Lâm đã quyết nghị thông qua: Đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết về việc đề nghị tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Gia Lâm; Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri về việc thành lập và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của các xã, thị trấn huyện Gia Lâm.

100% đại biểu dự tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã  - ảnh 2
Quang cảnh khu hành chính mới của huyện Gia Lâm

Đồng thời, HĐND huyện Gia Lâm cũng thông qua Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (đợt 1) và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 huyện Gia Lâm; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh, cho ý kiến chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công huyện.

Cụ thể: Phê duyệt chủ trương đầu tư và cập nhập, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đối với 35 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư và cập nhập, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đối với 5 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2024-2025, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 đối với 4 dự án; điều chỉnh tăng tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp huyện do dự kiến số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tăng thêm 70,6 tỷ đồng.

100% đại biểu dự tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã  - ảnh 3
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà phát biểu

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh: Đây là những nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng của huyện trong thời gian tiếp theo.

Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, huyện đã đạt một số kết quả nổi bật: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 11,72% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 1,08 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ trước; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.240,6 tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 192,4% cùng kỳ năm 2023. 

Huyện Gia Lâm cũng đã tổ chức thành công phiên đấu giá đất tập trung tại khu Tháp Vàng, xã Phú Thị, kết quả trúng đấu giá 570 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà yêu cầu thời gian tới, huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2024 đã đề ra, hướng tới hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện tốt công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Kế hoạch của thành phố; hoàn thành việc xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; tiếp tục xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Toàn huyện Gia Lâm tập trung triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh đến năm 2025; tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND và UBND các cấp; tích cực triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tin cùng chuyên mục

​  Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt các Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám

​ Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt các Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám

(PNTĐ) - Chiều 9/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt các Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 23- NQ/TU ngày 16/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Hà Nội và Kiên Giang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách liên quan đến Đề án 06

Hà Nội và Kiên Giang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách liên quan đến Đề án 06

(PNTĐ) -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đánh giá cao các mô hình thực hiện Đề án 06 đang được Hà Nội thực hiện, trong đó nổi bật là việc thành phố hợp nhất các ban chỉ đạo thành một Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố, tạo sự thống nhất và xuyên suốt về đầu mối chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.