Hà Nội: Xây dựng kịch bản, phương án trở lại hoạt động bình thường sau ngày 15/9

Chia sẻ

Chiều 14/9, Sở chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 TP Hà Nội đã giao ban với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị.

Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại cuộc họpĐồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. 

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin

Báo cáo tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, trên địa bàn hiện còn 7 chùm ca bệnh phức tạp; ngày 14/9 TP có thêm một điểm phong tỏa mới, nâng tổng số điểm phong tỏa của TP lên 79 điểm. Tính đến 14 giờ chiều nay có 3.262 nghìn người được xét nghiệm, trong đó có 2.227 người xét nghiệm PCR và hơn 1 triệu mẫu test nhanh. Hôm nay, TP được phân bổ 5.359 nghìn liều vắc-xin. Đến 16 giờ, TP tiêm được 127 nghìn liều vắc-xin và tổng số có 4.669.259 người được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1, đạt 56,3% dân số. 

 Đại diện Công an TP cho biết, trong ngày 14/9 đã triển khai lắp đặt các camera quét mã QR code tại 67 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước khi tham gia giao thông, công dân kê khai đầy đủ thông tin cá nhân bằng điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet. Sau khi kê khai đầy đủ, hệ thống cho phép xuất/lưu mã QR. Khi công dân đi qua các chốt kiểm soát chỉ cần xuất trình mã QR để cán bộ đối chiếu. Hệ thống camera quét mã QR được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của Bộ Công an. Camera có dây nối kéo dài, được đặt cố định giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gây nguy cơ lây nhiễm, tiết kiệm thời gian và bảo đảm cho công dân đi chuyển an toàn... Sau khi quét, hệ thống của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) sẽ tự động kiểm tra thông tin. Đây là các phần mềm được xác thực bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể xác định được các trường hợp F0, F1 và những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin để hạn chế hoặc cho phép công dân nhanh chóng qua chốt; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. 

Người dân quét mã QR Code khi đi qua chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 của thành phốNgười dân quét mã QR Code khi đi qua chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 của thành phố

Báo cáo về tình hình triển khai sản xuất ở vùng 2, vùng 3, đại diện Sở Công thương thông tin: Sau khi TP có quy định phân vùng thì có vùng 2, vùng 3 mục tiêu kích hoạt từng bước sản xuất kinh doanh ở vùng này, khắc phục tình trạng đóng băng ở giai đoạn trước, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện thực hiện việc này theo phương án 162 mà UBND TP đã ban hành và theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Công thương đề nghị các quận, huyện theo phương châm an toàn đến đâu sản xuất đến đấy, với những địa bàn đã an toàn đáng kể thì cần thực hiện đúng phương án của Chủ tịch UBND TP đã ký cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời cho biết, Sở  sẽ xây dựng phương án đảm bảo sản xuất an toàn, hợp lý trình thành phố để áp dụng sau ngày 15/9 và đề nghị CATP đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đi đường.

 Tại buổi giao ban, đại diện một số quận, huyện như Thanh Trì, Thường Tín, Hai Bà Trưng đã báo cáo tiến độ xét nghiệm, tiêm vắc-xin Covid-19 trên địa bàn. Các địa phương phấn đấu đến ngày 15-9 sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Chuẩn bị nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9

Phát biểu kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của cơ sở trong việc thực hiện Kế hoạch 206 của UBND TP về công tác xét nghiệm trên diện rộng và tiêm chủng. Đến nay công tác này cơ bản đạt được tiến độ, một số địa phương hoàn thành về đích; các địa phương còn lại tiếp tục tăng cường hơn công việc để về đích đúng thời hạn. Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định: các sở, ngành phối hợp nhịp nhàng đảm bảo an toàn phòng chống dịch, duy trì an sinh xã hội, kiểm soát giấy đi đường, kiểm soát chặt chẽ tại 23 chốt tiếp giáp với các tỉnh bạn… 

Các quận, huyện của TP đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin để hoàn thành việc tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên đảm bảo an toàn, kỷ cươngCác quận, huyện của TP đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin để hoàn thành việc tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên đảm bảo an toàn, kỷ cương

Trong những ngày sắp tới, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các sở ngành, địa phương thực hiện một số các công việc. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm theo đúng kế hoạch để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hoàn thành tiêm chủng vắc-xin mũi 1 và tiêm trả mũi 2 cho người tiêm xong mũi 1. Các địa phương cần thông báo cho đối tượng tiêm chủng đúng thời gian; đẩy nhanh tiến độ tiêm với phương châm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm nhanh nhất” để hoàn thành tiêm chủng đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, kỷ cương, không để xảy ra tập trung đông người, mất kiểm soát an toàn dịch bệnh. “Càng những ngày cuối càng không được chủ quan lơ là, cả giai đoạn chúng ta đã làm hết sức tích cực, khẩn trương, hiệu quả, được người dân đánh giá cao, ngày mai (15-9) là ngày cuối cùng đề nghị các địa phương tập trung làm tốt”, đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố  đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai xây dựng kịch bản, phương án trở lại hoạt động bình thường. Sau ngày 15-9, TP sẽ nới lỏng một số hoạt động, đặc biệt các quận, huyện ở vùng 2, vùng 3 không trong khu vực phong tỏa, áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy các đơn vị trong vùng cần mạnh dạn triển khai để các cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân có cơ hội được thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 15. Các khu vực phát sinh các trường hợp F0, các quận huyện vùng đỏ trong ngày 15/9 cần rà soát đánh giá dịch tễ sau khi tiêm vắc-xin, lấy mẫu xét nghiệm từ đó thu hẹp vùng đỏ nhưng đảm bảo an toàn nhất công tác phòng dịch. “Đây là công việc quan trọng, chúng tôi căn cứ vào đánh giá đó để tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai nới lỏng ở các khu vực này”, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nêu. 

Liên quan đến chương trình “Máy tính cho em” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động và Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội triển khai, các địa phương căn cứ vào nhu cầu cụ thể và sự tham mưu của Phòng Giáo dục đào tạo huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiết bị thông minh để các học sinh chưa có điều kiện được học trực tuyến; Sở Giáo dục đào tạo và Sở Thông tin truyền thông tham mưu TP chỉ đạo các nhà mạng hỗ trợ học sinh gói data dữ liệu, nâng cấp đường truyền. 

Với các khu cách ly tập trung, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương quan tâm kiểm soát chặt các khu cách ly tập trung các ca F1, F0 không để lây nhiễm chéo; giao Sở Ytế triển khai xây dựng trạm y tế lưu động đến các Trung tâm y tế các địa phương và lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng. Cuối cùng, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành địa phương quan tâm công tác an sinh xã hội, càng đến những ngày cuối của đợt giãn cách xã hội, người dân mất việc càng khó khăn, cần quan tâm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để kiểm soát dịch

Tại buổi giao ban, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm công nghệ Phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia đã tham dự và giới thiệu phần quản lý xét nghiệm và phần mềm quét mã QR code tại các cơ quan, đơn vị để giúp quản lý thuận tiện hơn khi có trường hợp F0.

Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, để chuẩn bị cho TP mở cửa một số dịch vụ hoạt động, Trung tâm đã phối hợp với TP Hà Nội ứng dụng phần mềm  quản lý mẫu xét nghiệm giúp cập nhật sớm kết quả xét nghiệm để xử lý kịp thời khi có ca F0; phần mềm quét mã QR code để mỗi cơ sở kinh doanh, địa điểm công cộng, cơ quan xí nghiệp... kiểm soát người đến đơn vị của mình để dễ dàng truy vết F0. “Với mã này người dân khi đến dùng điện thoại hoặc in ra giấy xuất trình để chủ cơ sở đó quét mã code ghi nhận người này đã đến tại thời điểm đó từ đó truy tiếp ra F1 chính xác chứ không phải phong tỏa cả khu phố như hiện nay”, ông Nguyễn Tử Quảng phân tích.

Kết luận về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị Công an TP tiếp tục tích cực phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công an, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế triển khai phần mềm Quản lý di biến động dân cư và ứng dụng phòng chống dịch theo hướng tích hợp các dữ liệu liên quan bằng một mã số công dân. Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia có hệ thống nền tảng các phần mềm gồm phần mềm quản lý mẫu xét nghiệm được thực hiện trực tiếp dùng công nghệ, không phải ghi chép trên giấy, nhập vào máy tính mà công việc này sẽ được mã hóa và lưu trên hệ thống, cung cấp thông tin liên quan đến đơn vị lấy mẫu, thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả. Sau khi có kết quả hệ thống sẽ nhắn tin vào điện thoại của người lấy mẫu.

 HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

(PNTĐ) - Chiều 4/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Khởi tố bị can đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Khởi tố bị can đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

(PNTĐ) - Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An cho biết: Ngày 30/4 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ