Ngành nông nghiệp Hà Nội cần định hình rõ hướng phát triển nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô

Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 13/1, Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền dự và chỉ đạo hội nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP trao thưởng cho các tập thể, cá nhân.Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP trao thưởng cho các tập thể, cá nhân.

Năm 2021, dù chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 toàn TP đạt khoảng 39.569 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm 2020. Trong đó, giá trị của nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đạt gần 36.114 tỷ đồng, chiếm 91,3%; thủy sản 3.356 tỷ đồng, chiếm 8,5%; lâm nghiệp 98,4 tỷ đồng, chiếm 0,2%.

Lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2021 đạt 231.557ha, giảm 1,57% so với năm trước, song nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lương thực có hạt năm 2021 vẫn tăng 0,9%. Lĩnh vực chăn nuôi so với cùng kỳ năm 2020, hiện đàn trâu có 27.500 con, tăng 5,21%; đàn bò 130.480 con, tăng 0,08%; đàn lợn 1,374 triệu con, tăng 9,07%; đàn gia cầm 39,8 triệu con, tương đương so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng đàn gà đạt 27,6 triệu con, tăng 4,14%. Tổng đàn tiếp tục tăng đã giúp sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội trong năm 2021 đạt tới 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa tươi đạt 38.670 tấn, tăng 5,9%; sản lượng trứng gia cầm các loại cũng đạt gần 2,6 tỷ quả, tăng 7,38%.

Toàn TP có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. 

Điểm sáng nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội tiếp tục gặt hái được kết quả nổi bật. Toàn TP đã đăng ký 595 sản phẩm để Hội đồng TP tiến hành đánh giá, phân hạng. Dự kiến, sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên con số hơn 1.500 sản phẩm.

Chương trình nông thôn mới ghi nhận nhiều thành công, với 382/382 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… đồng thời, có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số số huyện đạt huyện nông thôn mới lên 16 huyện.

Về phát triển kinh tế nông thôn, TP có 1.303 hợp tác xã nông nghiệp gồm 1.078 hợp tác xã đang hoạt động và 225 hợp tác xã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động; 1.701 trang trại đạt tiêu chí quy định về trang trại của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh nhiều kết quả đáng khích lệ, ngành nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng thực tế đạt được thấp hơn so với mục tiêu của kịch bản tăng trưởng được TP giao (khoảng 4,2% trong năm 2021). Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít.

Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 2,5-3% với định hướng phát triển của TP là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu chỉ đạo tại hội nghịÔng Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay ngành cần chủ động các biện pháp, thực hiện hiệu quả hơn nữa “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị ngành nông nghiệp Hà Nội cần định hình rõ hướng phát triển - đó là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Theo đó, cần khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra. Cần tận dụng hàm lượng trí tuệ cao, trong khi nguồn lực kinh tế TP hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp là khá lớn… Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào phát triển các loại giống cây, con, hình thành trung tâm cung ứng giống cho các tỉnh, TP trên cả nước.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP trao thưởng cho các tập thể, cá nhân.Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP trao thưởng cho các tập thể, cá nhân.

Ngoài ra, cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phù hợp với phát triển đô thị; tập trung chăn nuôi theo quy hoạch, quy mô tập trung, kiểm soát chặt vấn đề môi trường. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân.

Hơn nữa, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu; mở rộng và nâng cao năng lực dự báo thị trường.

Tại hội nghị, 1 tập thể đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 6 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều cá nhân, tập thể được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Trao giải cuộc thi Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội năm 2024

Trao giải cuộc thi Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội năm 2024

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Chuỗi hoạt động “Ngày hội Phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số”, chiều ngày 18/5/2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” năm 2024 và triển lãm trưng bày sản phẩm Cuộc thi.
Tăng hàm lượng chất xám vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tăng hàm lượng chất xám vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

(PNTĐ) - Cần có chính sách đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học- công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa từng nhà. Làm thế nào để khơi thông nội lực, phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ. Đây cũng chính là nội dung tọa đàm “Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức sáng ngày 18/5, trong khuôn khổ “Ngày hội Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo” đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.