Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5:

Việt Nam có trên 20.000 người bệnh Thalassemia cần được điều trị

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia (hay còn gọi bệnh Thalasemia) là một bệnh di truyền – bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính. Bệnh gặp ở cả nam và nữ.

Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.

Người mang gen bệnh là người có bên ngoài hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện lâm sàng, là nguồn di truyền gen trong cộng đồng. Do đó, xác suất những người mang gen gặp và kết hôn trong cộng đồng dẫn đến nhiều cặp đôi có nguy cơ sinh con bị bệnh mà không hay biết.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia, trên 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời.

Việt Nam có trên 20.000 người bệnh Thalassemia cần được điều trị - ảnh 1
Khám sức khoẻ cho thanh niên trước khi kết hôn để sàng lọc, tầm soát bệnh Thalassemia (ảnh minh hoạ).

Hiện nay, số lượng bệnh nhân Thalassemia đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội, nhất là nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ước tính mỗi năm Việt Nam cần hàng ngàn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia.

Thalassemia là bệnh chưa thể chữa khỏi, nhưng có thể tiến hành các biện pháp phòng bệnh để hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra bị bệnh và mang gen bệnh hàng năm, từ đó giảm gánh nặng cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi.

Các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (08/5/2024) được tổ chức trên quy mô cả nước nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn…về tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; nguyên nhân, hệ lụy của bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia đối với cộng đồng và xã hội; tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt về bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia, góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và nâng cao chất lượng dân số.

Chủ đề Ngày Thalassemia thế giới (08/5/2024) là Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”.

Để giảm thiểu gánh nặng điều trị và chăm sóc người bệnh, có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia.

Làm thế nào để hạn chế bệnh Thalassemia:

Tư vấn trước khi kết hôn: nhằm nâng cao ý thức tự giác, những người ở tuổi vị thành niên, trước khi kết hôn cần chủ động khám và xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia.

-  Nếu cả hai người mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau: cần được tư vấn trước khi có dự định có thai.

Nếu hai vợ chồng mang gen bệnh Thalassemia có thai: cần được chẩn đoán trước sinh khi thai được 12-18 tuần, tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

- Cần được các bác sỹ chuyên khoa huyết học, nhi khoa và tại các Trung tâm sàng lọc trước sinh, sơ sinh tư vấn về bệnh Thalassemia.

Đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia, cần chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đối với lĩnh vực Dân số và Phát triển, truyền thông, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn.

Ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2235/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, trong đó yêu cầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện ngày Thalassemia thế giới (8/5). Các hoạt động này góp phần đáng kể trong việc phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia và nâng cao chất lượng dân số.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tọa đàm khoa học “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”

Tọa đàm khoa học “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”

(PNTĐ) -  Thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Bắc Kinh ký ngày 30/10/2022, trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Triển lãm  “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm“Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh).
Kỳ họp thứ 7, chưa có nội dung phê chuẩn, miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an

Kỳ họp thứ 7, chưa có nội dung phê chuẩn, miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an

(PNTĐ) - Sáng 19/5, tại họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an, vì thế Quốc hội họp kỳ này chưa có nội dung phê chuẩn hay miễn nhiệm đối với chức danh này.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

(PNTĐ) - Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày mai 20/5/2024, dự kiến sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi); Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ

Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ

(PNTĐ) - Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ chiến sĩ, văn sĩ… yêu nước lại nhắc lại kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ. Đó là niềm vinh dự, kỷ niệm quá đỗi linh thiêng và không thể nào quên được...
Hình ảnh Bác luôn sáng mãi

Hình ảnh Bác luôn sáng mãi

(PNTĐ) - Với người trẻ, mặc dù chỉ biết Bác qua các bộ phim tư liệu, bài hát, phương tiện truyền thông, hay qua lời kể của ông bà… thế nhưng họ luôn dành một tình cảm đặc biệt kính trọng đối với Bác.