Cầu truyền hình đặc biệt: Khắc họa dấu ấn vàng son của phụ nữ “Ba đảm đang“
(PNTĐ) - Tối 22/3/2025 cầu truyền hình đặc biệt “Sáng mãi truyền thống Phụ nữ Ba đảm đang” đã diễn ra tại hai điểm cầu Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) và Tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng). Chương trình do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội thực hiện.
Chương trình vui mừng được đón nhận lăng hoa chúc mừng của đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước.
Đến dự Chương trình tại điểm cầu Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai.

Về phía đơn vị chủ trì tổ chức chương trình có đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Tham dự chương trình còn có các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành, trung ương và thành phố Hà Nội; nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dự tại điểm cầu huyện Đan Phương có Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương; Bí Thư huyện uỷ huyện Đan Phượng Trần Đức Hải; Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cùng các đại biểu đại diện các ban Trung ương Hội LHPN Việt Nam; các ban ngành Thành phố và huyện Đan Phượng; đại biểu nhân chứng lịch sử cùng đông đảo phụ nữ và nhân dân huyện Đan Phượng.


Chương trình mở đầu với ca khúc “Đường cày đảm đang”, mang đến không khí hào hùng của những ngày tháng phụ nữ Việt Nam vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu; như một sự gợi nhắc lại thời khắc lịch sử khi phong trào “Ba đảm đang” ra đời, thu hút hàng triệu phụ nữ tham gia.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh đã ôn lại truyền thống phong trào “Ba đảm đang”. Cách đây 60 năm, trong không khí sục sôi của những ngày Nam - Bắc thi đua đánh Mỹ, hàng triệu phụ nữ miền Bắc đã tình nguyện đảm nhiệm các công việc quan trọng, từ lao động sản xuất, thay thế chồng con đi chiến đấu, đến tham gia dân quân, phục vụ chiến đấu. Phong trào “Ba đảm nhiệm” được phát động ngày 22/3/1965, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên thành “Ba đảm đang”, với ba nội dung chính: đảm đang sản xuất, đảm đang công việc gia đình và đảm đang phục vụ chiến đấu. Những người phụ nữ bình dị nhưng kiên cường ấy đã làm nên những kỳ tích, từ công nhân, nông dân đến nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong.
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh khẳng định, lịch sử Thủ đô và phong trào phụ nữ Việt Nam mãi khắc ghi hình ảnh sáng ngời của hàng triệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Vượt qua muôn vàn khó khăn của thời chiến, biến đau thương thành hành động, chị em có thể làm tất cả mọi việc mà trước đây phụ nữ chưa hề làm kể cả những việc cần đến kỹ thuật, vừa ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, công tác; chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt; phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm với nghị lực phi thường; thực hiện mỗi người làm việc bằng hai, “Tay cày tay súng”,“Tay búa tay súng”, “giỏi một việc biết nhiều việc”, đạt năng suất “giành ba điểm cao”, với tinh thần “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tiếng hát át tiếng bom”, đoàn kết đồng lòng, tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ phong trào đã xuất hiện các nữ anh hùng, nữ kiện tướng ngày công cao, kiện tướng làm thủy lợi, trung đội nữ tự vệ, trung đội nữ dân quân quyết thắng. Qua phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Hà Nội cùng phụ nữ và nhân dân miền Bắc đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến miền Nam, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”, góp phần vào đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 60 năm đã trôi qua nhưng dấu ấn của phong trào “Ba đảm đang” mãi là niềm tự hào của phụ nữ, nhân dân Thủ đô và cả nước.
Chương trình nghệ thuật chính luận Sáng mãi truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang” nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang đầy tự hào của phong trào phụ nữ cùng cả dân tộc những năm kháng chiến chống Mỹ, là lời tri ân tới các bà, các mẹ, những người phụ nữ Thủ đô “Ba đảm đang” năm xưa, tiếp thêm động lực để các thế hệ phụ nữ hôm nay không ngừng rèn luyện, bản lĩnh, tự tin, khát vọng cống hiến, chung sức xây dựng Thủ đô và đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Tại Chương trình, 20 nhân chứng tiêu biểu của phong trào “Ba đảm đang”, những người đã cống hiến thanh xuân và sức trẻ cho đất nước đã được vinh danh. Không chỉ tôn vinh những tấm gương sáng, Chương trình còn tái hiện những câu chuyện lịch sử qua các phóng sự đặc biệt. Câu chuyện về 10 nữ anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc, đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Anh hùng Hồ Kan Lịch- “cô gái Pako bắn rơi máy bay Mỹ” hay hình ảnh mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ trong mưa bom bão đạn đã khiến không ít người xúc động.
Đặc biệt tại điểm cầu Tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang đã mang đến câu chuyện đầy tự hào về nơi khai sinh phong trào “Ba đảm nhiệm”. Tại đây, bà Lê Thị Quýnh, một trong những người khởi xướng phong trào, đã kể lại những ngày đầu tiên khi chị em phụ nữ Đan Phượng hăng hái tham gia với khẩu hiệu “Ruộng đồng là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”.

Hình ảnh bà Quýnh trực tiếp tái hiện kỹ thuật “cấy chăng dây thẳng hàng” ngay trên sân khấu đã khiến khán giả xúc động, như được sống lại những năm tháng lịch sử. Hay tại điểm cầu Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, khán giả đã được giao lưu với Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Qua những câu chuyện xúc động mà bà chia sẻ, khán giả thấy được một tinh thần sắt đá, một quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của những người phụ nữ thời chiến. Họ không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.


Nối tiếp truyền thống và tinh thần "Ba đảm nhiệm", ngày nay, khi đất nước và Thủ đô Hà Nội đã bước vào thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Phát huy tinh thần 'Ba đảm đang', truyền thống Thăng Long - Hà Nội, phụ nữ Thủ đô đã và đang góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Non sông, gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ'.”

Cũng tại Chương trình, khán giả còn được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc gồm 3 phần: Ra đời trong gian khó; Sức lan tỏa mạnh mẽ; Tiếp nối truyền thống phong trào “Ba đảm đang”. Chương trình ca ngợi hình ảnh người phụ nữ Thủ đô nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung đã phát huy tinh thần tình nguyện đảm đang mọi việc gia đình; xung phong thay thế nam giới gánh vác sản xuất, công tác xã hội, động viên người thân đi chiến đấu.
Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc và những câu chuyện đặc biệt của các nhân chứng sống, chương trình phác họa nên sức sống của một trong những phong trào thi đua có sức lan tỏa lớn nhất thế kỷ XX, với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.



