Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm, đùm bọc, chăm lo cho thanh niên

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tại buổi đối thoại, các câu hỏi của thanh niên được Thủ tướng, lãnh đạo Trung ương và các bộ ngành giải đáp.

Với sứ mệnh là chủ nhân tương lai, là rường cột của nước nhà, thanh niên chính là lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển.

Tại buổi đối thoại, các câu hỏi của thanh niên được lãnh đạo Trung ương và các bộ ngành giải đáp.

Bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?

Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm, đùm bọc, chăm lo cho thanh niên  - ảnh 1
Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ đối thoại với thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng chia sẻ:  An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn. Con số thống kê và bạn nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.

Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

Trong khuôn khổ hôm nay, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra.

Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trả lời thêm: An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.

Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.

Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn. Tại đây sẽ tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời  cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.

Đây là hai nhóm giải pháp chính, hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng.

Tiếp phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, một tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở.

"Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản"- Thủ tướng bày tỏ

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc".

Cụ thể hơn về câu hỏi của bạn thanh niên, Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có phần liên quan tới an ninh mạng.

Thứ ba, phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.

Thủ tướng bày tỏ: "Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.

Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".

Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội đặt câu hỏi: Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trả lời: Như chúng ta đã biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 được phê chuẩn tại Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục thành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cùng với đó là việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia.

Để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, trên thực tế việc cải cách thủ tục hành chính chưa được như ý muốn, còn nhiều tồn tại, việc kết nối cải cách thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số chưa đồng bộ. Do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tồn tại này.

Song song với các giải pháp như trên, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.

Về nội dung bạn hỏi có 2 giải pháp. Về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dể hiểu.

Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ.

Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.

Về nội dung chuyển đổi số, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính.

Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời thêm 2 nội dung. Thứ nhất, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo. Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương. Đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.

Vấn đề thứ hai, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục thì có nhiều giải pháp, nhưng hai giải pháp rất cơ bản gồm: Một là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; hai là ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục.

Giải pháp thứ ba là riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những khu vực này bao giờ cũng có thiệt thòi, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, và khi có chính sách nào mới thì luôn có các chính sách riêng với các khu vực này.

Muốn chuyển đổi số thì phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện. Dù tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có ưu tiên về chính sách, đào tạo nhân lực… với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt mục tiêu, khát vọng này, chúng ta thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (để phát huy tối đa khối đại đoàn kết, năng lực của mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại), xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật). Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật khách quan như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).

Mặt khác, quan điểm xuyên suốt coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta có truyền thống lịch sử nghìn năm và trong thế kỷ trước, chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sau đó, phải trải qua nhiều năm cấm vận kéo dài. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã vượt qua các khó khăn để phát triển. Đến nay chúng ta tiếp tục phải vượt qua các khó khăn, thách thức.

 

Theo Thủ tướng, cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình,, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

"Tôi tin chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta"- Thủ tướng bày tỏ.

Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm, đùm bọc, chăm lo cho thanh niên  - ảnh 2
Thủ tướng chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả cuộc đối thoại; ấn tượng với những chia sẻ, suy nghĩ, trăn trở, lo toan của các đại biểu; những câu hỏi chân thành, trách nhiệm, đúng, trúng với các vấn đề quan tâm của thanh niên; và các câu trả lời, giải đáp, giải pháp để thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam phát triển tốt hơn, làm tốt hơn nữa công tác thanh niên trong thời gian tới đây.

Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng trước nhiệt huyết, trách nhiệm, năng lượng, sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam một lần nữa được thể hiện trong cuộc đối thoại rất cởi mở, chân thành.

Gửi thông điệp tới hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam cả ở trong nước và đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên"; "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho sự phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy tối đa vai trò của thanh niên, tạo thuận lợi cho thanh niên cống hiến, chia sẻ với đất nước, với dân tộc. Các thế hệ thanh niên đã đóng góp cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối, lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và hiện nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gửi gắm, kỳ vọng, tin tưởng vào thanh niên. Thủ tướng mong muốn thanh niên phát huy hơn nữa tinh thần "5 tiên phong" gồm:

Tiên phong trong học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, bản lĩnh, ý chí trong cuộc sống và công việc.

Tiên phong trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng trong mọi hoàn cảnh.

Tiên phong trong hội nhập quốc tế để bạn bè quốc tế thấy thanh niên Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào về ý chí, trí tuệ, phẩm chất, tình cảm, sự chân thành; tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các thông tin xấu độc.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm, đùm bọc, chăm lo cho thanh niên và thanh niên Việt Nam cũng luôn nhận thức rõ trách nhiệm với đất nước, với dân tộc.

Thủ tướng tin tưởng rằng các thế hệ thanh niên sẽ tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc, nhân dân cần; luôn giữ vững mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khát vọng vươn lên mọi lúc, mọi nơi, bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trách nhiệm với chính mình, gia đình, xã hội, cống hiến hết mình vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam hạnh phúc, ấm no.

Chính phủ, các bộ, ngành luôn đối thoại, trao đổi để tìm giải pháp hiệu quả nhất, khuyến khích sự cống hiến không mệt mỏi của thanh niên. Chúng ta tin tưởng và luôn tạo môi trường, luôn cổ vũ để thanh niên phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành mục tiêu, lý tưởng của mình và mong muốn, tâm nguyện của thế hệ cha anh đi trước, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.