Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản

Đem cổ tích Việt Nam tới Nhật Bản

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam “Công và Quạ”, bài diễn của đội múa Nakama Yosakoi tại Lễ hội Harajuku Omotesandou Super Yosakoi Genki Matsuri lần thứ 21 hứa hẹn sẽ lan tỏa văn hóa Việt Nam đến người dân “xứ Phù Tang”. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 26-27/8 tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Lễ hội được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023). Đồng thời năm 2023 cũng đánh dấu 10 năm hoạt động của đội múa Nakama Yosakoi. Nằm dưới sự bảo trợ của Trung tâm Thông tin UNESCO, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Nakama Yosakoi ra đời với mục đích tạo nên sân chơi cho những người đam mê điệu múa Nhật Bản này.

Đem cổ tích Việt Nam tới Nhật Bản - ảnh 1
Là đội múa nằm dưới sự bảo trợ của Trung tâm Thông tin UNESCO, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Nakama Yosakoi ra đời với mục đích tạo sân chơi cho những người đam mê điệu múa Nhật Bản Yosakoi tại Việt Nam

Đến nay, đội múa có khoảng 70 thành viên là những người trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới như Việt Nam, Nhật Bản, Đức, Singapore, Hàn Quốc... Nhân dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động, ngày 24/8, khoảng 40 thành viên từ các nước đã hội tụ về Tokyo để cùng nhau luyện tập, chuẩn bị trình diễn tác phẩm đặc biệt đậm chất văn hóa Việt Nam.

Theo anh Phan Tiến Dũng, đại diện đội múa, đến với Lễ hội tại Tokyo lần này, Nakama Yosakoi mang đến bài diễn “Irodori” (Tô màu) được lấy cảm hứng từ truyện cổ Công & Quạ vốn quen thuộc với mọi tầng lớp người dân Việt.

"Truyện kể về sự tích hai loài chim ngồi vẽ cho nhau, trong khi Công được khoác lên mình một bộ cánh rực rỡ, thì Quạ vì quá hấp tấp lại nhận về một bộ cánh đen thui và xấu hổ trốn mất. Tuy nhiên, thay vì cái kết trong truyện, chúng tôi đã biến đổi nội dung mang màu sắc hoàn toàn mới. Đó là khi Quạ nhận ra đen cũng là một sắc màu đẹp đẽ, và học được cách tự yêu thương, trân trọng mọi điều mình đang có", anh Phan Tiến Dũng nói.

Đem cổ tích Việt Nam tới Nhật Bản - ảnh 2
Tiết mục "Irodori" được đội múa Nakama Yosakoi biểu diễn tại Lễ hội Yosakoi Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Nakama Yosakoi Team)

Anh Nguyễn Việt Hùng, người biên đạo bài múa đã đưa vào nhiều nét đặc trưng của những loài chim, cũng như cố gắng lột tả được hành động, cảm xúc của Công và Quạ ở từng phân cảnh: Cảnh vũ điệu không màu của hai loài; Cảnh Quạ vẽ cho Công với điệu múa chậm rãi, thướt tha; Cảnh Công vẽ cho Quạ với điệu bộ hối hả, pha thêm phần kịch tính; và Cảnh khi Quạ và Công cùng vui vẻ nắm tay nhau ngắm nhìn bộ cánh mới. Nhờ đó, “Irodori” mở ra trước mắt người xem những trang sách về một miền cổ tích Việt vốn rất thân quen từ những ngày thơ ấu.

Ngoài hình ảnh, những giai điệu của “Irodori” cũng góp phần quan trọng trong việc truyền tải văn hóa Việt Nam. Bên cạnh những âm giai gây liên tưởng đến Nhật Bản và loại hình nghệ thuật yosakoi, producer Khang Nguyễn đã đưa thêm vào nhạc cụ đàn tranh, sáo nhị, nguyệt cầm… trên giai điệu của âm giai nhạc Việt truyền thống.

Bài diễn được kỳ vọng sẽ mang đến một năng lượng vui tươi, lạc quan và tích cực cho công chúng, đặc biệt trong bối cảnh cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang cùng tăng cường các nỗ lực hợp tác, phát triển.

Trước đó, vào năm 2015, đội múa Nakama Yosakoi từng tham dự Lễ hội Harajuku Omotesandou Super Yosakoi Genki Matsuri lần thứ 15 và giành được giải thưởng “Người mới xuất sắc”.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

(PNTĐ) - Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (ĐH VHNTQĐ) cho biết, hiện nay Trường đang nỗ lực phát huy mảng nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng vào học tập cũng như giảng dạy của thầy cô và học viên.