Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.

Lưu giữ, tiếp nối văn hoá chiêng Mường

Tiếng chiêng Mường “Búng binh… bùng”, vang vọng, lan tỏa, thúc giục, lôi cuốn lòng người. Có hai bài chiêng cổ nổi tiếng nhất là “Bông trắng, bông vàng” và “Sẹc pùa” (Sắc bùa). Bài “Sắc bùa” với tiết tấu nhanh, vui nhộn, rộn rã, thường dùng để chúc tụng trong ngày Tết, hay trong những dịp vui như: Rước dâu, mừng hội xuống đồng, mừng khách đến nhà, hoặc dùng nhạc đệm khi hát “thường đang bộ mẹng” (hát nói), hát ví của dân tộc Mường. Còn “Bông trắng, bông vàng” lại có nhịp chậm, trầm hùng, được sử dụng trong ngày lễ hội, nghi lễ trang trọng.

Tự hào vì là người Mường, sinh ra đã được các thế hệ đi trước trao truyền văn hoá truyền thống như trang phục, ẩm thực, đến văn hoá tấu chiêng, chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân chia sẻ: Toàn xã Tiến Xuân hiện có 7 CLB chiêng ở 7 thôn dân cư, với tổng 300 hội viên tham gia chính, thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong những ngày lễ, hội nghị trong thôn và xã tổ chức. Hằng năm, Hội LHPN xã đã tích cực tham gia tuyên truyền để cán bộ hội viên phụ nữ và toàn thể nhân dân hiểu hơn về chiêng chính là nhạc cụ mang giá trị văn hóa của dân tộc Mường.

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường - ảnh 1
Các tiết mục biểu diễn chiêng Mường tại Ngày hội văn hoá dân tộc truyền thống xã Yên Trung năm 2024.

Chiêng xuất hiện và tham gia vào hầu hết các hoạt động trong đời sống của người dân tộc Mường. Một bộ chiêng của người Mường gồm có 12 chiếc, tượng trưng 12 tháng trong năm. Trong đó, có 3 chiếc chiêng chính gọi là chiêng giai điệu, còn lại là chiêng khầm tùy theo số lượng ít hay là nhiều.

Nếu như trong chiến tranh, chiêng được sử dụng làm thông tin liên lạc phát lệnh và báo hiệu cho người dân trong làng (như có thú dữ, cướp bóc hay là giặc giã đến làng để tập hợp nhân dân cùng đoàn kết bảo vệ sự bình yên của làng bản), thì ngày nay, chiêng được sử dụng rộng rãi trong các lễ hội, các hội nghị, các buổi sinh hoạt đón khách du lịch…

Là người có nhiều dụng công trong việc gây dựng và lan toả văn hoá chiêng ở Tiến Xuân, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm CLB chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân cho biết: Từ năm 2014, CLB của xã được thành lập nhằm duy trì thường xuyên các hoạt động biểu diễn tập thể, qua đó truyền tải nghệ thuật biểu diễn chiêng cho các thế hệ sau, để chiêng Mường được gìn giữ và lưu truyền.

Theo bà Thìn, đã có một thời gian do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, những bộ chiêng quý bị gác sang một bên vì vắng người chơi, người già cũng sao lãng việc truyền dạy cho con cháu. Từ khi địa giới xã sáp nhập về Hà Nội (tháng 8/2008), văn hoá chiêng Mường lại được Thành phố, huyện, xã quan tâm, đầu tư và hỗ trợ nhiều trong việc trang bị bộ chiêng cũng như việc truyền dạy đánh chiêng cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó đẩy mạnh phong trào tập chiêng tại xã Tiến Xuân. Từ đó, bà Thìn không quản ngày đêm hướng dẫn cho nhiều người cách đánh (tấu) chiêng cùng với học hát dân ca Mường.

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường - ảnh 2
Lớp học Chiêng Mường cho các bạn trẻ xã Tiến Xuân. 

Khi biểu diễn chiêng Mường không thể thiếu là những bộ trang phục của người Mường. Trang phục bao gồm váy, áo, khăn, kiềng cổ, vòng tay, xà tích, mỗi thành viên trong đội chiêng của thôn, CLB của xã đều trang bị để mặc mỗi khi biểu diễn.

Tiếng chiêng Mường ngày càng được những người dân đánh nhiều hơn, khắp nơi biết đến, các đội chiêng và CLB của xã Tiến Xuân đã được biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn, các chị em trong đội chiêng đã xuất hiện tại Festival cồng chiêng toàn quốc, tham gia liên hoan các loại hình múa dân gian Hà Nội…

Góp phần giữ gìn và phát triển văn hoá chiêng Mường, Đoàn Thanh niên xã Tiến Xuân đã tổ chức các lớp học cho thể hệ trẻ. Anh Đinh Văn Linh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tiến Xuân cho biết, năm 2023, chúng tôi đã mời nghệ nhân Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường về dạy cho 25 bạn trẻ từ 13-25 tuổi. Các bạn tham gia vào học chiêng rất hào hứng và chăm chỉ luyện tập và sau khoá học cũng rất tự tin biểu diễn. Năm 2024 và những năm tiếp theo, Đoàn Thanh niên xã sẽ tiếp tục mở nhiều lớp hơn và phát triển rộng rãi hơn đến học sinh tiểu học và học sinh mầm non.

Lan toả văn hoá đặc sắc

Hơn 15 năm qua kể từ khi sáp nhập từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình về với Thủ đô Hà Nội, số người Mường ở 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình chiếm 5,2% dân số huyện Thạch Thất.

Theo Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất được đánh giá thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huyện Thạch Thất đã xây dựng kế hoạch về việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, giai đoạn 2016-2020”; tổ chức 2 đợt cho cán bộ, lãnh đạo UBND huyện, 3 xã, người có uy tín với 80 lượt người đi tham quan học tập kinh nghiệm công tác bảo tồn văn hóa dân tộc tại tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Huyện cũng trang bị 35 bộ chiêng Mường, 50 bộ trang phục truyền thống cho 35 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường - ảnh 3
Các thành viên đội biểu diễn Chiêng Mường.

Hiện nay, huyện Thạch Thất có 15 CLB chiêng Mường, trong đó có 1 CLB ở xã Tiến Xuân, 4 CLB ở xã Yên Trung và 10 CLB ở xã Yên Bình. Các CLB đều tổ chức biểu diễn chiêng, múa hát, giúp lan tỏa rộng văn hóa dân tộc Mường tới người dân, du khách mỗi dịp lễ, tết, ngày hội…

Các nghệ nhân đang tham gia hoạt động trong các CLB chiêng ở 3 xã vừa có năng khiếu vừa có đam mê, nhiệt huyết giữ gìn, lan toả văn hóa dân tộc Mường. Mỗi CLB chiêng có 12 người, mỗi người phụ trách 1 chiếc chiêng, nếu có người thứ 13, người đó sẽ phụ trách chiếc chiêng nhỏ (chiêng gọi).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, văn hóa truyền thống của dân tộc Mường có bản sắc riêng, rất độc đáo, chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý truyền thống, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường.

Những năm qua, những hoạt động bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia của đồng bào dân tộc Mường tại 3 xã miền núi. Các hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng núi được nâng lên.

Đồng thời, các cấp, ngành, cán bộ và người dân Mường cũng được nâng cao trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

(PNTĐ) - Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (ĐH VHNTQĐ) cho biết, hiện nay Trường đang nỗ lực phát huy mảng nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng vào học tập cũng như giảng dạy của thầy cô và học viên.