Sự yên tĩnh rực rỡ và Nỗi buồn bã dịu dàng

ĐOÀN CÔNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nay, qua 16 Ngô Quyền xem tranh chị Vân. Nhiều người biết chị là nhà thơ có bài thơ do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, tên bài thơ là Yên tĩnh, tên bài hát là "Đâu phải bởi mùa thu". Dăm năm nay, chị vẽ tranh và lần này đã là triển lãm thứ 5 của chị.

Bức Nỗi buồn màu rất trầm, loé lên vài vệt hồi quang rực rỡ, được treo ở vị trí đầu tiên, dễ thấy nhất. Chị có một loạt tranh vẽ giấc mơ, chỉ xoay quanh lam chàm tím với các sắc độ.
 
Những giấc mơ rất nhất quán về màu sắc và hình ảnh, rất có thể là tàng thức của một nỗi buồn bã dịu dàng như trong câu thơ của chị:

“Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng”

Sự yên tĩnh rực rỡ và Nỗi buồn bã dịu dàng - ảnh 1
Cũng vậy là bức chân dung tự hoạ, cũng tiếp tục nhất quán trong màu sắc lam chàm tím của cái vùng riêng tư của chị.
Sự yên tĩnh rực rỡ và Nỗi buồn bã dịu dàng - ảnh 2
Cho nên, khi đọc mấy dòng tự bạch treo ở triển lãm, rằng: “Giờ đây, vẽ, là một cuộc thám hiểm chính mình, là sự phát hiện những tầng, những vỉa sống mà mình chưa từng bộc lộ. Cảm quan về màu sắc, về thẩm mĩ, về bố cục…, tôi hiểu nó phải được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình chứ không phải sự mô phỏng các ý tưởng mà người làm văn chương hay mắc phải khi chuyển sang hội hoạ”, thì tôi nghĩ, đó cũng chỉ là ý thức của chị, còn tàng thức của chị thì chắc gì đã nghe lời chị?
Sự yên tĩnh rực rỡ và Nỗi buồn bã dịu dàng - ảnh 3
Ngay cả bức tranh chân dung Người đàn bà áo đỏ cũng không thể giấu được một vệt màu “sóng cuộn lên nỗi khát khao vô bờ” của người phụ nữ đã sang thu nhưng nỗi lòng chưa yên tĩnh.

Hay như bức Rừng thu 1, đang thu mà lá rụng tơi bời chỉ còn lại những vạt dĩ vãng. Đang thu mà như cuối đông, lũ cây như kiệt cùng ở giữa không gian và thời gian. Thì, không thể nén xuống trường liên tưởng:

“Xin đừng trách em nhiều
Cũng xin đừng day dứt
Cây lá có rơi nhiều xin đừng hỏi mùa thu”
Sự yên tĩnh rực rỡ và Nỗi buồn bã dịu dàng - ảnh 4
Rừng thu không yên tĩnh, hay có thể nói là một sự yên tĩnh rực rỡ với những màu loé sáng cơ hồ như màu phản quang. (Rừng thu 2).
 
Từ ngày chơi với hội hoạ, chị Vân tươi tắn, khoẻ khoắn và giàu sinh lực như cô gái 20. Chị như một đứa bé vừa thoát khỏi lớp học và ùa ra với sân chơi đặc biệt mà chị bắt được.
 
Chân thành, trung thực, ngây thơ và hồn nhiên vày vò với đám màu và sắc. Ở chỗ này, xem loạt tranh chân dung của chị vẽ, chị nghịch, thấy rất thú, cứ tự nhiên mà toát thành tranh.
 
Chị vẽ con gái, chị vẽ các hoạ sĩ tiền bối, đồng nghiệp. Tôi tin ai cũng mong có một bức “truyền thần” kiểu như này để biết mình ra sao giữa tự nhiên.
 
Người ta nói tác phẩm không phải là tác giả. Nhưng mà, khi chị vẽ cái bên trong của tâm hồn và suy tư của chị thì làm sao mà tách tác phẩm khỏi con người cho được? Vả chăng, xem nhà thơ vẽ cũng thú lắm chứ sao! Sau này tính sau, ngày chị rụng bông hoa gạo văn chương, đứt đuôi con nòng nọc thơ ca, tính sau.
 
Sự yên tĩnh rực rỡ và Nỗi buồn bã dịu dàng - ảnh 5
Có người thích bức Những ô cửa im lặng. Chỉ có một bức, đơn độc thế thôi. Như là một mố cầu để nay mai bắc sang một bến bờ của phong cách trữ tình thế sự mà hôm nay chỉ manh nha chăng?
 
Nhưng mà nói về cái triển vọng thì còn nhiều lắm ở chị, nói sao hết được. Cuối cùng, còn một điều không dám nói ra, bởi vì có lần nói ra đã bị ăn mắng té tát, rằng, chị cứ vẽ cái bên trong đi, đừng vẽ… phong cảnh. Nhưng, biết đâu phong cảnh cũng là một tiềm năng “nói sao hết được” ở chị thì sao?
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

(PNTĐ) - Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (ĐH VHNTQĐ) cho biết, hiện nay Trường đang nỗ lực phát huy mảng nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng vào học tập cũng như giảng dạy của thầy cô và học viên.