"Khoảng trống" trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.

Nước ta hiện có gần 17 triệu người cao tuổi, chiếm gần 17% dân số cả nước, trong đó có hơn 2, 6 triệu người hơn 80 tuổi. Trong khi dân số đang già hóa nhanh, tỷ lệ người cao tuổi sẽ còn tiếp tục tăng nhanh cần điều kiện chăm sóc sức khỏe thì hệ thống cơ sở y tế như bệnh viện, các chuyên khoa về lão khoa, hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở các cấp… lại chưa đáp ứng được.

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu - ảnh 1
Khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí cho người cao tuổi huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Duy Tuân

 Nhiều thách thức đặt ra do già hoá dân số nhanh

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với 8,76 triệu người ở tuổi 60+, chiếm 11% dân số (năm 2011). Năm 2019, tỷ lệ già hóa tăng lên 11,9% dân số. Năm 2022, cả nước có khoảng 12,58 triệu NCT (chiếm khoảng 12% dân số). Theo dự báo đến năm 2030, NCT ở nước ta khoảng 18 triệu chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 NCT. 

Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023 cả nước có hơn 16,1 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân. Trong đó từ 60 - dưới 70 tuổi là hơn 9,4 triệu người; từ 70 - dưới 80 tuổi hơn 4,1 triệu người; từ 80 - dưới 90 tuổi hơn 1,9 triệu người; từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người; từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Đáng nói, nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già (như Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm), nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết: Người cao tuổi (NCT) ở nước ta số đông là nữ giới và nữ đơn thân. Đến tuổi 85 trở lên, số cụ bà cao gấp hơn 2 lần số cụ ông. Cùng với đó, NCT ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có thu nhập thường xuyên, ổn định.

Dựa trên số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trung bình mỗi NCT có 12 năm sống chung với bệnh tật. Mặc dù một bộ phận lớn NCT vẫn có sức khỏe tốt nhưng nhiều NCT, đặc biệt là những người ở độ tuổi cao hơn đang phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe và khó khăn cần được hỗ trợ.

Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, tuổi thọ của NCT nữ cao hơn nam giới (76,1 so với 71,1). Tuổi thọ người Việt Nam cao nhưng không khỏe mạnh. Bình quân NCT ở Việt Nam mắc 3 đến 4 bệnh không lây nhiễm. Trong đó, khoảng 48,5% NCT bị viêm khớp, đau dây thần kinh hoặc thấp khớp; 40,9% bị tăng huyết áp; 37,5% bị đau nhức cơ thể (thường xuyên); 30,3% bị đau lưng mạn tính; 18,8% bị bệnh về tiêu hóa… 

Ngoài ra, mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung và ở NCT nói riêng đang thay đổi nhanh chóng, chuyển từ mô hình chủ yếu là bệnh lây nhiễm sang mô hình chủ yếu là những bệnh không lây nhiễm. NCT nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Chưa kể, các bệnh mạn tính khiến NCT cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. NCT cũng phải sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc; nên chi phí y tế cao gấp 7-10 lần so với người trẻ tuổi.

Mặc dù phần lớn NCT ở nước ta sống chung với gia đình được người thân chăm sóc, nhưng trong xu hướng chuyển đổi mạnh từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, vai trò gia đình với NCT giảm dần, con cái sống xa cách và bận rộn hơn, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh của nhóm dân số cao tuổi nhất (≥80 tuổi) và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên, đã đặt ra nhu cầu chăm sóc dài hạn cho NCT ngày càng lớn.

TS.BS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết: Một nghiên cứu của Bệnh viện với 610 người trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy, có tới 33,61% người góa bụa; 8,2% người sống một mình; 27,97% người cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản (ADL) như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống; 90% cần trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ (IADL) như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng nhu cầu
Theo ông Lê Thanh Dũng: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT của nước ta đang không ngừng gia tăng. Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao sức khỏe và năng lực nội tại càng suy giảm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hệ thống cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của NCT. Năm 2023, cả nước có 110 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa (cấp Trung ương chỉ có duy nhất 1 Bệnh viện Lão khoa); gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho NCT; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT. Nhân lực chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người nhà. Các điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức về lão khoa. 

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế chủ yếu tập trung vào khám, chữa bệnh cho NCT, chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Tại các tuyến xã/ phường – nơi NCT trực tiếp sinh sống và tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế thì chỉ có người khám sức khỏe ban đầu nói chung, không có bác sĩ khám lão khoa riêng, và một số trạm y tế không có bác sĩ.

“Hiện tại bộ môn lão khoa đã được thành lập ở một số trường đại học y dược trong cả nước, chương trình đào tạo sinh viên đa khoa và sau đại học về lão khoa đã được đưa vào áp dụng hai năm nay. Tuy nhiên, chưa có chương trình khung hoặc giáo trình chuẩn để đào tạo về lão khoa trong chương trình đạo tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nội khoa, chương trình đào tạo liên tục và chương trình đào tạo chuyên khoa lão. Chưa có quy định về đào tạo liên tục để nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe NCT cho cán bộ y tế” - ông Lê Thanh Dũng nói.

Một thực tế khác là hiện nay, người chăm sóc cho NCT khi bị ốm phổ biến nhất là vợ hoặc chồng của họ (40,8%), tiếp theo là con trai (30,7), con gái (13,1%). NCT nam (61,1%) có xu hướng có người chăm sóc là vợ của họ. Trong khi nữ (36,1%) báo cáo con trai họ là người chăm sóc chính. Tỷ lệ NCT được chăm sóc bởi vợ hoặc chồng giảm dần theo tuổi và tỷ lệ con trai là người chăm sóc tăng theo tuổi. 

Thực tế NCT có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội chuyên sâu ở cả gia đình, cộng đồng và trong các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc NCT. Tuy nhiên, với áp lực gia tăng của nền kinh tế thị trường, con cháu bận rộn lo toan cuộc sống, phần lớn NCT tuy không muốn xa gia đình nhưng đều nghĩ rằng sống trong nhà dưỡng lão là tốt nhất. 

Tuy nhiên, Trung tâm dưỡng lão cho NCT của Việt Nam lại chưa bắt kịp mức độ già hóa dân số này. Tại Việt Nam, cùng với xu thế già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc cho NCT dần được gia tăng, hệ thống nhà dưỡng lão tư nhân ở Việt Nam được ra đời từ năm 2001. Hiện nay, toàn quốc đã có khoảng gần 60 cơ sở chăm sóc tư nhân, riêng Hà Nội đã có gần 20 cơ sở.

Việc thiếu các chuyên khoa lão khoa ở cơ sở ảnh hưởng đến việc chăm sóc về sức khỏe cho NCT, chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng của NCT. Trong khi NCT không biết nên lựa chọn các dịch vụ chăm sóc như thế nào cho phù hợp. Bởi việc tách gia đình con cháu để đến với viện dưỡng lão ở 24/24 khiến nhiều NCT nghi ngại.

(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

(PNTĐ) - Hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được biết đến là hệ thống hiện đại và nhanh nhất thế giới, với tốc độ khi chụp CT 1 trái tim chỉ cần 0,23 giây, chụp toàn thân chỉ cần 2 giây, hay xác định chính xác tình trạng đột quỵ não chỉ trong dưới 5 phút...
Viêm phụ khoa trong thai kỳ

Viêm phụ khoa trong thai kỳ

(PNTĐ) - Viêm phụ khoa khi mang thai là hiện tượng do sự thay đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể mẹ, hệ thống miễn dịch thay đổi, vệ sinh vùng kín không đúng cách… tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển gây viêm nhiễm.