Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 592 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (221/0); trong tuần không ghi nhận thêm ổ dịch mới, các ca mắc đều là ca tản phát, cộng dồn từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 ổ dịch, hiện tại tất cả các ổ dịch đã kết thúc.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết hiện nay đã chuyển sang mùa hè, nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Các địa phương cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian tới.

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Về bệnh tay chân miệng, tuần qua, toàn Thành phố ghi nhận 170 ca mắc, 0 ca tử vong, giảm 25 ca mắc so với tuần trước (195/0). Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã; một số đơn vị có nhiều bệnh nhân, gồm: Hoàng Mai (24 ca); Đông anh (17 ca); Cầu Giấy, Mê Linh (14 ca); Chương Mỹ (10 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 948 ca mắc, 0 ca tử vong, tăng 104% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023 (465/0).

Trong đó có 08 ổ dịch tay chân miệng mới tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, ghi nhận 26 ổ dịch, trong đó còn 14 ổ dịch đang hoạt động tại các quận, huyện: Thanh Oai, Hoàng Mai, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Hai Bà Trưng.

Trong tuần, Thành phố cũng ghi nhận 15 ca mắc ho gà, rải rác tại 11 quận, huyện; tăng 14 ca mắc so với tuần trước đó (01/0). Như vậy, trong năm 2024 đã ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện; tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0). Phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 72% số ca mắc.

Thủy đậu ghi nhận 44 ca mắc, 0 ca tử vong; tăng 01 ca so với tuần trước (43/0). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 478 ca mắc thủy đậu, 0 ca tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, các dịch bệnh sởi, rubella, uốn ván, viêm não Nhật Bản, dại không ghi nhận trong tuần.

Trong tuần tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, giám sát công tác phòng chống tay chân miệng tại Lam Điền, Chương Mỹ.

Cùng với đó, Thành phố cũng tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; tập trung giám sát các ổ dịch cũ năm 2023 tại các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Mê Linh, Thạch Thất, Tây Hồ.

Ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin theo quy định.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch trên động vật, đặc biệt là cúm gia cầm và dại; triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Tin cùng chuyên mục

Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

(PNTĐ) - Hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được biết đến là hệ thống hiện đại và nhanh nhất thế giới, với tốc độ khi chụp CT 1 trái tim chỉ cần 0,23 giây, chụp toàn thân chỉ cần 2 giây, hay xác định chính xác tình trạng đột quỵ não chỉ trong dưới 5 phút...
Viêm phụ khoa trong thai kỳ

Viêm phụ khoa trong thai kỳ

(PNTĐ) - Viêm phụ khoa khi mang thai là hiện tượng do sự thay đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể mẹ, hệ thống miễn dịch thay đổi, vệ sinh vùng kín không đúng cách… tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển gây viêm nhiễm.