"Khoảng trống" trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Kỳ 2: Nhiều khó khăn trong thực thi chính sách

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở nước ta, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi (NCT) luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng, thể hiện trong nhiều chính sách đãi ngộ, chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, tốc độ “già hoá” dân số tăng nhanh đang bộc lộ không ít “khoảng trống” đòi hỏi cần điều chỉnh kịp thời cơ chế, chính sách để hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn.

Kỳ 2: Nhiều khó khăn trong thực thi chính sách - ảnh 1
Từ ngày 1/1/2024, người từ đủ 75 tuổi (trước từ đủ 80 tuổi) thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh, bao gồm cả khám, chữa bệnh BHYT. 
Ảnh: Int

Còn nhiều khó khăn khi triển khai chính sách 

Tính đến nay, Việt Nam đã ban hành văn bản quy định về các quyền được chăm sóc, được phụng dưỡng và phát huy vai trò của NCT như: Luật Người cao tuổi năm 2009; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT… 

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện để các chính sách về chăm sóc sức khoẻ NCT trong cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn như thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực về kinh tế, con người… 

Theo Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Matt Jackson, báo cáo bản đồ chính sách cho thấy, Việt Nam hiện chưa có chính sách bảo vệ người già khi họ bị ảnh hưởng bởi di cư; chưa có chính sách giải quyết vấn đề ứng phó khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho NCT. 

Và còn có một lỗ hổng trong các chính sách ứng phó khẩn cấp là chưa xem xét các nhu cầu và đặc điểm cụ thể theo độ tuổi. Vì vậy, những người lớn tuổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trong một số tình huống. Hơn nữa, nhu cầu chăm sóc xã hội cho NCT ngày càng tăng cả về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực (nhân viên xã hội, nhân viên chăm sóc và người chăm sóc). Tuy nhiên, chính sách phát triển các cơ sở chăm sóc (cả công và tư), cũng như phát triển con người, đặc biệt là ở cấp cộng đồng còn hạn chế trong quá trình đi vào thực tiễn. 

Trong cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (ngày 12/3), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Các vấn đề đặt ra đối với NCT ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng”. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành cần có tầm nhìn xa hơn về cuộc sống, sức khỏe và các vấn đề xã hội đối với NCT. Điều đó không chỉ thể hiện tính ưu việt của chế độ mà còn là bước chuẩn bị dài hạn để bảo đảm chất lượng dân số bền vững về cơ cấu, độ tuổi và địa bàn sinh sống.

Cụ thể, Điều 5 của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP2008 quy định về việc cho thuê cơ sở vật chất: Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng quỹ nhà, kết cấu hạ tầng hiện có, hoặc xây dựng nhà cửa, kết cấu hạ tầng để cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê dài hạn với giá ưu đãi. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực xã hội hóa… 

Điều 6 của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP2008 quy định về việc giao đất, cho thuê đất: Cơ sở xã hội hóa được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội theo các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê và miễn tiền cho thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất…

Nhưng việc tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp làm nhà dưỡng lão vẫn rất khó khăn. Có cơ sở dưỡng lão dù đã hoạt động cả chục năm nhưng vẫn phải thuê đất ngắn hạn với chi phí cao và không ổn định, không có quỹ đất riêng; đất xây dựng nhà dưỡng lão được gộp vào trong nhóm đất dịch vụ hỗn hợp, bao gồm các trung tâm thương mại, cây xăng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí... 

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện phát huy và nâng cao chất lượng chăm sóc NCT đã được ban hành; nhưng việc phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các cơ quan, tổ chức liên quan chưa đồng bộ; hiệu quả thực chất của các chính sách trong thực tế còn nhiều hạn chế.

Một số nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ. Cơ chế tài chính, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCT có những bất cập ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe NCT nhất là tại cơ sở. Theo quy định, nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú cho NCT được ngân sách địa phương bảo đảm, nhưng thực tế việc bố trí kinh phí ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn do nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế. Có địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở đối với NCT theo quy định. 
Thách thức trong công tác lập kế hoạch, hoạch định chính sách
Liên quan đến các vấn đề chăm sóc sức khoẻ NCT, PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Gia tăng dân số già đang tạo ra áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam. Sự gia tăng này đặt ra nhiều thách thức trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính và chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng y tế, cũng như sự chuẩn bị cho các chính sách và quy định phù hợp với tình hình mới”. 

Các nhà khoa học đã chứng minh, chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe một NCT gấp 8 lần so với một trẻ em. Để thích ứng với “già hóa dân số”, việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm đáp ứng nhu cầu của “dân số già” trong 1 - 2 thập niên tới sẽ là một thách thức rất lớn đối với các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách ở nước ta. Nhất là trong bối cảnh các cơ sở chăm sóc sức khoẻ dài hạn cho NCT chưa phát triển, sự kết nối với các hình thức chăm sóc tại cộng đồng chưa bảo đảm già hóa tại chỗ; hệ thống cơ sở dịch vụ chăm sóc dài hạn ở Việt Nam chủ yếu mới là các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm/đơn vị công tác xã hội, trung tâm chăm sóc NCT tư nhân và một số mô hình chăm sóc tại cộng đồng. 

Theo khoản 2, Điều 17 và khoản 1, Điều 18, Luật Người cao tuổi quy định những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. Ở nước ta, số lượng NCT được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp thẻ bảo hiểm y tế đã tăng từ 8,8 triệu người năm 2016 lên đến 12,1 triệu người năm 2020. Đến cuối năm 2023, có 95% NCT có bảo hiểm y tế. Như vậy, còn khoảng 5% NCT không có bảo hiểm y tế sẽ phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong khi chi phí khám, chữa bệnh ngày càng gia tăng. 

Một thống kê khác theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Số NCT không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 65% đang là khoảng trống về an sinh xã hội. Chưa kể, thế hệ NCT Việt Nam hiện nay sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh nên có tới 70% NCT hiện nay không có tích lũy vật chất, 18% NCT sống trong hộ nghèo, 10% NCT sống trong nhà tạm, chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe. 

Mặt khác, một số nội dung chăm sóc sức khỏe NCT chưa được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế như: Khám sức khỏe định kỳ, dịch vụ chăm sóc khám bệnh, chữa bệnh tại nhà; dự phòng; tư vấn; dinh dưỡng; quản lý, phát hiện, sàng lọc, chẩn đoán sớm các bệnh và phục hồi chức năng của NCT tại cộng đồng… cũng sẽ tạo ra gánh nặng cho việc chăm sóc sức khoẻ của NCT.

Với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng, việc xây dựng các chính sách nhằm đảm bảo sự ổn định chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô là vô cùng quan trọng. Chính phủ cần phải tăng chi tiêu cho lương hưu, chăm sóc sức khỏe và các chương trình phúc lợi xã hội NCT, cũng như điều chỉnh chi tiêu công từ đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng sang các chương trình tài chính tạo phúc lợi cho NCT.

Bên cạnh đó, cần có chính sách xã hội đối với NCT phù hợp với từng giai đoạn của già hóa dân số, từng nhóm NCT. Đồng thời, nhà ở, giao thông và nhu cầu xã hội cũng thay đổi theo xu hướng già hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng cần phải tính đến những nhu cầu thay đổi này để bảo đảm NCT có môi trường thuận lợi cho phép họ có được cuộc sống đầy đủ, an toàn, khoẻ mạnh.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khám sức khỏe miễn phí cho 100 nữ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Khám sức khỏe miễn phí cho 100 nữ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

(PNTĐ) - Sáng 18/5, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, CTCP Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco tổ chức khám sức khỏe sinh sản, tầm soát phát hiện ung thư sớm, phát thuốc miễn phí đợt 1 cho 100 đoàn viên, người lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, đến từ các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trực thuộc ngành Y tế Hà Nội.
​  Bộ Y tế trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2

​ Bộ Y tế trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2

(PNTĐ) - Tối 17/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức Lễ trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2. Tại chương trình, 18 doanh nghiệp và 68 sản phẩm thuốc được lựa chọn để trao danh hiệu
Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

(PNTĐ) - Hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được biết đến là hệ thống hiện đại và nhanh nhất thế giới, với tốc độ khi chụp CT 1 trái tim chỉ cần 0,23 giây, chụp toàn thân chỉ cần 2 giây, hay xác định chính xác tình trạng đột quỵ não chỉ trong dưới 5 phút...