Đối thoại chính sách với nữ lao động nhập cư
(PNTĐ) - Ngày 29/12/2024, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề “Xây dựng nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em và đảm bảo an sinh xã hội cho nữ lao động nhập cư và gia đình của họ” giữa chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan với các chủ nhà trọ và nữ lao động nhập cư tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở đảm bảo an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” do Hội LHPN Hà Nội và tổ chức Di cư quốc tế (IOM) xây dựng.
Tham dự và chủ trì Hội nghị đối thoại có bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tám, UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh.
Tạo diễn đàn cho nữ lao động nhập cư
Phát biểu đề dẫn Hội nghị đối thoại, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Nhằm hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ, Hội LHPN Hà Nội và tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã xây dựng Dự án “Nâng cao chất chỗ ở đảm bảo an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam”. Dự án được triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh và xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Trong năm 2024, Dự án đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, khảo sát, tuyên truyền, thành lập Câu lạc bộ chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em và thí điểm bộ công cụ các tiêu chí đánh giá nhà trọ an toàn, đáp ứng yêu cầu giới. Qua triển khai các hoạt động cho thấy, các cấp chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến việc tiếp cận an sinh xã hội của lao động nhập cư và vấn đề thuê trọ. Tại xã Kim Chung đã có khu nhà ở công nhân với diện tích 20 ha đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở. Ngoài ra có Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua với tổng cộng có 484 căn hộ. Vấn đề giáo dục, đảm bảo an ninh, phòng cháy chữa cháy đã được quan tâm...
Hội nghị đối thoại nhằm tạo diễn đàn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị đề xuất của chủ nhà trọ, nữ lao động nhập cư góp phần xây dựng nhà trọ, môi trường sống an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em, đảm bảo an sinh xã hội cho nữ lao động nhập cư và gia đình của họ, từ đó góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Đánh giá Kết quả khảo sát chất lượng các tiêu chí đảm bảo an toàn cho nữ lao động nhập cư tại các khu nhà trọ trên địa bàn huyện Đông Anh của Hội LHPN huyện Đông Anh cho thấy, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ Huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến các đối tượng lao động nhập cư trên địa bàn Huyện nói chung và xã Kim Chung nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những vẫn đề khó khăn đối với chủ nhà trọ và người lao động nhập cư cần được quan tâm về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, an sinh xã hội, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy...
Nguyện vọng của lao động nhập cư luôn được quan tâm
Tại Diễn đàn, các chủ nhà trọ, nữ lao động nhập cư đã đối thoại tập trung vào 2 nội dung: Những vấn đề đặt ra trong việc tiếp cận an sinh xã hội của nữ lao động nhập cư và gia đình của họ tại địa phương; Những vấn đề đặt ra trong việc kinh doanh nhà trọ của các chủ nhà trọ; đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, ổn định tạo môi trường tốt cho nữ công nhân nhập cư và gia đình con em của họ an tâm sống và làm việc tại Đông Anh.
Lãnh đạo các phòng ban đơn vị thuộc huyện Đông Anh gồm Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và môi trường, Bảo hiểm xã hội huyện, Công ty Điện Lực Đông Anh, Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, chi nhánh Đông Anh; Công An huyện Đông Anh... đã trực tiếp giải đáp kịp thời, thoả đáng các ý kiến của các nữ lao động nhập cư và các chủ nhà trọ.
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Tám, UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đánh giá cao hoạt động đối thoại do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, cho thấy sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của tổ chức Hội đối với nữ lao động nhập cư.
Cho biết từng có nhiều năm làm công tác phụ nữ, bà rất thấu hiểu khi nào phụ nữ còn bị bạo hành, chưa được quan tâm, trẻ em còn thất học thì chưa thể nói tới sự phát triển. Vì vậy, từ mỗi gia đình và trong cộng đồng, phụ nữ, trẻ em cần được quan tâm, tạo cơ hội bình đẳng để được phát triển toàn diện, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của pháp luật. Đối với nữ lao động nhập cư, bà chia sẻ với khó khăn của chị em khi phải mưu sinh xa gia đình và khẳng định huyện Đông Anh luôn quan tâm chăm lo, lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các nữ lao động nhập cư. Lao động nhập cư sinh sống trên địa bàn xã Kim Chung luôn được đối xử bình đẳng như người dân địa phương trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục, được thụ hưởng các dịch vụ thương mại tại các chợ dân sinh… cũng như được hưởng tất cả các công trình phúc lợi trên địa bàn. Bên cạnh đó việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho công nhân luôn được quan tâm chú trọng.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám đã chỉ đạo các phòng, ban ngành tiếp thu, tổng hợp lại các kiến nghị của các nữ lao động nhập cư và các chủ nhà trọ để kịp thời có báo cáo, tham mưu giải quyết. Đồng thời khẳng định quyết tâm của huyện Đông Anh trong xây dựng thành phố thông minh, an toàn, thân thiện... với phụ nữ, trẻ em