Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long

Thu Phương - Đỗ Mai An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ, thời gian qua, ngành giáo dục Hà Nội đã tăng cường công tác giáo dục lịch sử địa phương tại các trường học. Qua những giờ học lịch sử địa phương, các em học sinh các cấp đã có thêm những trải nghiệm hết sức ý nghĩa, giúp các em hiểu hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Từ đó, các em biết trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long - ảnh 1
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long là một trong số những địa điểm được các trường học trên địa bàn Thủ đô lựa chọn là nơi trải nghiệm thực tế những bài học lịch sử địa phương.

Từ Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1 tháng 8 năm 2010 trên 3 tiêu chí nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.

Khu di tích nằm trong địa bàn trung tâm lịch sử và văn hoá của thủ đô Hà Nội. Đây là một trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng. Từ thành Vạn Xuân, kinh đô của nhà nước độc lập do Lý Nam Đế thành lập vào thế kỷ 6, rồi phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ 7-9, kinh đô của nước Đại Việt qua các 

thời Lý, Trần, Lê thế kỷ 11-18 và thời đại Hồ Chí Minh. Hoàng thành Thăng Long gồm hai khu: Khu thành cổ Hà Nội và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Khu thành cổ Hà Nội là trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Trên mặt đất hiện còn bảo tồn một số di tích của Cấm thành Thăng Long và thành Hà Nội như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc, tường và các cổng Hành cung.

Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu được khai quật từ cuối năm 2002, với tổng số diện tích khoảng trên 40.000m2. Các cuộc khai quật đã phát lộ nhiều di tích, di vật dưới lòng đất chính là các di tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long với chiều dài lịch sử khoảng 13 thế kỷ, gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua các thời Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng.

Đến nay sau gần 15 năm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới (2010- 2024), Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện đầy đủ các công tác về di sản thế giới, như quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới… Những kết quả thực hiện đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản… Với định hướng nghiên cứu phù hợp, một mặt chúng ta giữ gìn, bảo quản tốt được các dấu tích kiến trúc đã xuất lộ, mặt khác chúng ta phát huy được các giá trị ngàn đời của nó phục vụ cho cuộc sống hôm nay. Đó là vừa làm nhiệm vụ bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa của cha ông bao đời gây dựng và vun đắp; vừa làm nhiệm vụ giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội là thành phố vì Hòa bình, thành phố sáng tạo.

Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long - ảnh 2
Chương trình nghệ thuật tại Hoàng thành Thăng Long 

Đến các chương trình giáo dục lịch sử 

Khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội hiện là một trong những địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, thu hút được số lượng lớn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Trong những năm gần đây, với mục tiêu hướng tới đối tượng học sinh, đưa học sinh tiếp cận di sản theo một phương pháp mới, hiệu quả và bổ ích hơn, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chương trình Giáo dục di sản dành cho các em học sinh Tiểu học và THCS với mong muốn tạo một không gian học tập, vừa học vừa chơi, trải nghiệm và sáng tạo cho các em học sinh. Đây là một trong những hình thức học tập ngoại khóa bổ ích, thiết thực tạo môi trường học tập yêu thích cho học sinh, đặc biệt là với môn học Lịch sử địa phương.

Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long - ảnh 3Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long - ảnh 4
Chương trình Giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long đang ngày càng phát triển bền vững

 

Chương trình Giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long đang ngày càng phát triển bền vững, nhận được sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của các nhà trường, các thầy cô và các em học sinh. Giáo dục di sản là một phần không thể thiếu trong việc giáo dục địa phương thành phố Hà Nội cho các đối tượng học sinh phổ thông. Ðổi mới giáo dục về di sản văn hóa, lịch sử vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là biện pháp để gìn giữ di sản cho hiện tại và tương lai. Làm tốt công tác giáo dục di sản sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chương trình Giáo dục di sản dành cho các em học sinh Tiểu học và THCS. Đó là chương trình “Em làm nhà khảo cổ” với mong muốn tạo một không gian học tập, trải nghiệm cho các em học sinh Tiểu học. Và chương trình “Em tìm hiểu di sản” dành cho các em học sinh THCS được xây dựng theo phương pháp mới, vừa học vừa chơi, trải nghiệm và sáng tạo.

(còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm

(PNTĐ) -  Triển khai Luật Thủ đô năm 2024, TP Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đào nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô xứng tầm.
Công an Hà Nội đình chỉ 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm

Công an Hà Nội đình chỉ 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm

(PNTĐ) - Ngày 13/5, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bình An, cán bộ Công an xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì để xác minh, làm rõ trách nhiệm trong vụ va chạm giao thông giữa 1 xe ô tô với 6 xe máy xảy ra tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì vào ngày 9/5/2025.