Ứng xử với di sản khảo cổ: Tương lai nào cho quá khứ?

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước hiện tượng nhiều di tích khảo cổ bị phá hoại, cổ vật bị buôn bán, vận chuyển trái phép xảy ra tràn lan, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ chưa phát huy hiệu lực? Tại sao phải đợi đến lúc triển khai các công trình dân sinh... chúng ta mới phát hiện trong lòng đất tồn tại cả một di sản khảo cổ rồi bị động tìm giải pháp “chữa cháy”? Tại sao và... tại sao?

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 1

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 2

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 3
Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành nêu rõ  “bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam” 

Theo TS. Hoàng Thuý Quỳnh, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tính từ sau năm 1945, chúng ta đã có một hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến di sản khảo cổ. Trong đó, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65 nêu rõ nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ học viện là “bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”. Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, ngày 29 tháng 10 năm 1957, Thủ tướng chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 519-TTg Quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích, trong đó có các di tích khảo cổ. Tiếp đó, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 04/4/1984, Hội đồng Nhà nước cũng đã ban hành Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 về Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh...

Tính đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về di sản khảo cổ của Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ. Khung pháp lý này cũng phù hợp với các cam kết quốc tế trong lĩnh vực di sản nói chung và trong lĩnh vực khảo cổ nói riêng.

Nổi bật là vào năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hoá, trong đó làm rõ khái niệm về “Thăm dò, khai quật khảo cổ học”, tiêu chí phân loại và xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt; việc lập quy hoạch khảo cổ ở các địa phương; việc cấp giấy phép khai quật và khai quật khẩn cấp; các yêu cầu cụ thể đối với người xin giấy phép khai quật…

Cùng với Luật Di sản văn hoá, các Nghị định số 92/2002/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 11 tháng 11 năm 2002 cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa như quy định về kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình; phân cấp quản lý và phát huy giá trị di sản. Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ.

Tiếp đó, năm 2009, Quốc hội khóa XII ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa nhằm bổ sung, làm rõ hơn một số điều của Luật Di sản văn hoá năm 2001. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Đối với các di sản văn hoá dưới nước, năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước, qua đó tạo cơ sở pháp lý bảo vệ các di sản này trước thực trạng bị phá huỷ và ăn cắp cổ vật. Trong đó, đưa ra những yêu cầu quy định cụ thể nhằm quản lý việc thăm dò, khai quật khảo cổ dưới nước và bảo vệ các di sản văn hoá dưới nước.

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 4
Khai quật cổ vật và trục vớt con tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)

Theo TS. Hoàng Thuý Quỳnh, nhờ có Luật Di sản văn hoá và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác mà nhiều di tích đã được khai quật, lập hồ sơ và đưa hiện vật về trưng bày tại các bảo tàng trước khi triển khai thi công các dự án phát triển công nghiệp hoặc đô thị hoá như: các di tích vùng lòng hồ thuỷ điện Plei Krông (Kon Tum), di tích Đàn Nam Giao (Hà Nội), các di tích vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Na Hang (Tuyên Quang) các di tích ở vùng lòng hồ thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa); di tích Cồn Ràng (Thừa Thiên-Huế), di tích Triền Tranh (Quảng Nam)….

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều di tích đã bị phá huỷ, từ các di tích khảo cổ thời tiền sử phân bố ở vùng núi đến các di tích thời đại kim khí, và các di tích lịch sử ở các đô thị... đều bị xâm hại và xóa sổ do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá, sinh hoạt của người dân (xây dựng nhà cửa, làm trang trại...), làm nghĩa địa nhưng không có cuộc khai quật nào được thực hiện, trái với quy định được nêu ra trong Luật Di sản văn hóa.

Cụ thể, Điều 37 khoản 2 và 3 trong Luật Di sản văn hoá quy định: “Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trước khi triển khai dự án và thực hiện việc giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó” và “Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 5
Nhiều di tích, di vật, cổ vật... chỉ được phát hiện qua quá trình thi công các công trình (Ảnh chụp tại Khu di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức)

Tất nhiên, chúng ta không thể hoặc không nhất thiết phải giữ lại nguyên trạng tất cả các di tích được tìm thấy mà phải lựa chọn dựa trên mức độ bảo tồn và tầm quan trọng của di tích đó. Thực tế hiện nay, đa phần các di tích sẽ được di dời một phần để trả lại mặt bằng cho các công trình xây dựng dân sinh, khu đô thị sau khi đã được khai quật khẩn cấp/khai quật chữa cháy để tìm kiếm và lưu trữ, bảo quản các di vật, cổ vật còn lại tại các di tích.

Song, đáng tiếc là đã không có nhiều dự án xây dựng trong quá trình thi công, cải tạo chấp hành tạm dừng thi công để báo cáo cho khai quật khi phát hiện dấu hiệu của di tích, di vật, cổ vật theo đúng quy định trong Luật Di sản văn hóa và khuyến nghị của các Công ước quốc tế.  Vì vậy, nhiều nguồn tư liệu dưới lòng đất (có thể là rất quý) đã bị âm thầm phá hủy dưới các máy xúc, máy đào của đơn vị thi công và vĩnh viễn trở về với quá khứ... trước cả khi các chuyên gia và công chúng biết tới.

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 6

Thực trạng “công trường” luôn đi trước một bước so với công tác “khảo cổ” còn là hệ quả của việc chúng ta đang thiếu một quy hoạch khảo cổ. Thiếu sót này xảy ra ngay cả với các địa phương đang sở hữu một hệ thống di sản dày đặc và rất có giá trị. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa đều đã có các quy định yêu cầu về kiểm kê di tích, lập quy hoạch khảo cổ với những hướng dẫn khá cụ thể nhưng chưa được quan tâm thực hiện.

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 7
“Công trường” luôn đi trước một bước so với công tác “khảo cổ” còn là hệ quả của việc chúng ta đang thiếu một quy hoạch khảo cổ

Cụ thể, Khoản 1 Điều 37 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã nêu rất rõ: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc lập quy hoạch khảo cổ ở địa phương; phê duyệt và công bố quy hoạch sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc lập, trình thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch khảo cổ ở địa phương.

Còn Điều 2, Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ do Uỷ ban Quốc tế Quản lý Di sản Khảo cổ soạn thảo và được thông qua năm 1990 cũng khuyến nghị: “Di sản khảo cổ là một nguồn văn hoá mong manh và không tái sinh được. Do đó việc sử dụng đất đai phải được quy định để giảm thiểu việc huỷ hoại di sản này...”.

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 8
Di chỉ Mỏ Phượng và Dền Rắn (Hoài Đức - Hà Nội) cuối năm 2019 trong bối cảnh các công trình dân sinh đang được thi công (Nguồn khaocohoc.gov.vn)

Tuy nhiên, đến nay, không có nhiều địa phương đã hoàn thành quy hoạch khảo cổ. Nhiều đồ án quy hoạch, dự án xây dựng được tiến hành trong khi chúng ta còn chưa biết rõ trong lòng đất có đang tồn tại các di sản khảo cổ quý của cha ông hay không hay nếu tồn tại thì ở quy mô nào. Tình trạng xây dựng đè lên di tích cũng là gây ra nguy cơ làm biến dạng hoặc làm mất đi những nguồn tư liệu quý giá của bậc tiền nhân gửi cho hậu thế. 

Liên hệ với Hà Nội, có thể thấy đã có nhiều di tích được phát lộ sau khi chúng ta triển khai các công trình dân sinh, giao thông... như thi công đường Xã Đàn đã phát hiện đàn Xã Tắc (năm 2006); thi công xây dựng tòa nhà Vincom Bà Triệu đã phát hiện đàn tế Nam Giao (năm 2007); thi công nút nút giao thông Văn Cao - Hồ Tây phát hiện một đoạn tường thành phía Tây Bắc của Hoàng Thành Thăng Long thời cổ (năm 2011)... 

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 9
TS Nguyễn Anh Thư, Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội

Theo TS Nguyễn Anh Thư, Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, các chính sách bảo vệ di sản khảo cổ phải là một bộ phận hợp thành của các chính sách liên quan đến việc sử dụng đất đai, phát triển đô thị, hoạch định kế hoạch và cả các chính sách văn hóa, môi trường và giáo dục để giảm thiểu tác động của các kế hoạch phát triển đến di sản khảo cổ. Vì vậy, việc xây dựng được một quy hoạch khảo cổ là vô cùng quan trọng và công tác khảo sát, điều tra khảo cổ nên được tiến hành thường niên để qua đó xác lập, bổ sung, cập nhật các vùng phân bố di tích khảo cổ.

Quy hoạch khảo cổ chính là căn cứ cho công tác kiểm đếm, quản lý di tích, xác định mức độ quan trọng của các di tích, phạm vi di tích, xác định mức độ bảo vệ của di tích, chủ động hoạch định các chính sách về văn hoá - kinh tế - xã hội; đồng thời giúp tránh được tình trạng các công trình thi công xâm hại di tích còn di tích lại thiếu cơ sở pháp lý để được bảo vệ. 

“Để tránh xung đột lợi ích giữa các bên tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ, các đô thị, thành phố lớn cần lập quy hoạch phát triển xây dựng đô thị chi tiết dựa trên những đánh giá, khảo sát tiềm năng di tích trên mặt đất và trong lòng đất để tránh những khu vực có di sản khảo cổ hoặc có phương án bảo tồn đối với các di tích đã, đang bị xâm hại bởi các công trình xây dựng. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tuân thủ và thực thi Luật di sản văn hóa ở nhiều địa phương. Ngoài ra, cũng nên bổ sung các điều khoản xử phạt nặng đối với các hành vi không tuân thủ Luật Di sản văn hóa để tránh tình trạng nhờn luật, không sợ luật",  TS Nguyễn Anh Thư bày tỏ.

 

Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 10
Kỳ 2: Có Luật nhưng chưa thực thi tốt Luật - ảnh 11

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...