Mâm cơm cúng ông Công ông Táo đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ
(PNTĐ) - Cùng sinh năm 1999, Thế Quyền và Hà Phương vừa kết hôn vào tháng 10 năm ngoái. Dịp cúng Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm nay là lần đầu tiên cả hai tất bật chuẩn bị cho ngày lễ lớn sau khi về chung một nhà.
Là người trẻ, tưởng chừng sẽ lúng túng khi làm lễ cúng 23 tháng Chạp, ngược lại vợ chồng Quyền - Phương cẩn thận và tỉ mỉ trong từng chi tiết.
"Để có thời gian cúng lễ chu đáo, vợ chồng tôi tranh thủ về làm sớm, đi chợ gần nhà mua đồ lễ, những nguyên liệu để nấu mâm cúng từ chiều tối qua. Một số đồ ăn khác, vợ chồng tôi cùng nhau dậy sớm chuẩn bị từ sáng nay" - Phương hào hứng chia sẻ.
Việc đi chợ mua đồ cúng lễ Tết không phải việc xa lạ nhưng lần này mang nhiều cảm xúc khác biệt với Phương. Trước đó, tuy chị có nhiều lần tự tay chuẩn bị đồ lễ mùng 1 và ngày Rằm hằng tháng. Nhưng có lẽ đây là một trong những dịp đặc biệt hơn, cả hai vợ chồng cùng lên kế hoạch, là "dấu mốc" giúp gia đình nhỏ trách nhiệm hơn việc tự mình góp sức chăm lo cho tổ ấm.
Theo quan niệm dân gian, Táo quân không chỉ quản lý việc ăn uống sinh hoạt trong gia đình mà còn có nhiệm vụ ghi chép việc thiện ác của gia chủ để cuối năm báo cáo Thiên đình. Ngọc Hoàng căn cứ vào đó để ban phước hoặc giáng họa nhằm khuyến thiện phạt ác. Việc cúng Táo quân vì thế là dịp nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện, đúng luân thường, đạo lý từ gia đình đến ngoài xã hội.
Đây là dịp lễ quan trọng nên vợ chồng trẻ cũng tìm hiểu kỹ càng và chuẩn bị từ sớm, bày biện mâm cúng đầy đủ, chu đáo.
Công đoạn chuẩn bị của vợ chồng trẻ đã hoàn tất. Lễ vật vợ chồng Quyền - Phương cúng Táo quân gồm: Xôi gấc, thịt gà, canh chim câu hầm, thịt bò xào súp lơ, nem rán, rượu nước, vàng mã... Đặc biệt phải có ba bộ mũ, áo, hài, ba con cá chép bày biện lên ban thờ.
"Với những người trẻ như chúng tôi, đây là một trong những dịp ý nghĩa để hiểu thêm và góp phần gìn giữ nét đẹp phong tục, văn hóa dân tộc" - Thế Quyền nói.
Theo quan niệm của nhiều người, trong đó có đôi vợ chồng trẻ này, mâm cúng có thể không quá cầu kỳ, cao sang nhưng phải đầy đặn, chỉn chu. Điều quan trọng là phải đặt tâm sức, thể hiện tấm lòng thành của mỗi người, mỗi gia đình.
Sau khi hóa vàng, công đoạn không thể thiếu chính là đi thả cá tiễn ông Táo về trời. Hai vợ chồng quyết định đến hồ Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thả cá chép vàng. Cả hai vừa nhẹ nhàng thả cá, vừa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc cho bản thân và gia đình nhỏ.
Sau ngày 23 tháng Chạp, vợ chồng Quyền - Phương càng thêm gắn bó với nhau, hiểu thêm về phong tục văn hoá, có thêm tự tin để chuẩn bị mâm cúng giao thừa đang cận kề.