Diễn đàn "Phụ nữ Thủ đô tham gia xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo"

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình

PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi luôn mong muốn được tiếp tục được góp sức cống hiến trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội hôm nay thêm văn minh, hiện đại, đặc biệt, xứng danh là Thành phố "Vì hòa bình" mà lớp lớp cha anh đã dày công vun đắp, giữ gìn.

Tháng 5 năm 1965, đế quốc Mỹ ngày càng leo thang đánh phá miền Bắc. Đây cũng là thời điểm Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”, sau đó phong trào được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Với tinh thần căm thù giặc sục sôi, lại được thôi thúc bởi tinh thần phụ nữ “Ba đảm đang”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” tôi khi đó đang chuẩn bị thi tốt nghiệp Bác sỹ ở Đại học Y Dược Hà Nội (nay là Đại học Y Hà Nội) đã cùng 100 sinh viên Y6 tình nguyện gác bút nghiên, viết đơn nhập ngũ. 

Đảm đang trong thời chiến

Sau thời gian huấn luyện, tôi được phân công về Viện Quân y 9 (nay là Bệnh viện Quân y 109) sau đó là Đội Điều trị 11 (làm nhiệm vụ chăm sóc bộ đội của ta bị thương khi tham gia bảo vệ Thủ đô) rồi Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Từ năm 1966 đến đầu năm 1968, tôi làm việc ở Khoa A1 (Khoa cán bộ cao cấp của Quân đội). Khi tình hình chiến tranh ở Hà Nội căng thẳng, tôi được phân công phụ trách bệnh nhân của Khoa A1 trên khu sơ tán ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú. Khoa chúng tôi cùng Khoa A6 (Khoa không quân) đóng tại một trong các khu rừng lim rất rộng. Ở rừng, chúng tôi phải tự cung, tự cấp, nước không có, chúng tôi lấy nước trong giếng đá rồi gánh về khoa, đun ấm cho bệnh nhân dùng. Mỗi ngày mấy bận, chúng tôi di chuyển đường rừng để thăm, khám cho bệnh nhân vì các khoa đóng cách xa nhau. Đường thì dài, các bác sĩ còn phải luôn mang theo đầy đủ thiết bị y tế bên người để sẵn sàng xử trí các tình huống phát sinh, tránh tối đa tai biến cho bệnh nhân. Đêm đến, chúng tôi chia nhau trực để kịp thời theo dõi tình hình sức khỏe của người bệnh, nhất là bệnh nhân nặng. Ai không trực thì ngả lưng tại các lán trại dựng đơn sơ trong cái lạnh thấu xương của rừng lim, một số thì ngủ nhờ tại nhà dân địa phương. 

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 1
Chị em đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". (Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Tôi còn nhớ, trong giai đoạn này, phong trào “Ba đảm đang” đã có sức lan tỏa rộng khắp, tập hợp được sức mạnh của đông đảo phụ nữ từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược, ở các ngành nghề, lứa tuổi, từ trong gia đình tới ngoài xã hội tham gia lập nhiều chiến công. Nơi hậu phương, chị em thi đua lao động sản xuất với khí thế "tay cày, tay súng", trở thànhhậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Ở nơi lửa đạn, cácnữ thanh niên gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ cầm súng chiến đấu chống giặc Mỹ. Các nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến... trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khí thế của phong trào “Ba đảm đang” ấy càng như tiếp thêm động lực để những nữ bác sĩ quân y chúng tôi ra sức thi đua góp sức, làm tốt nhiệm vụ khámchữa bệnh. Với nhiều cố gắng, năm 1967, tôi vinh dự được dự Đại hội Thanh niên quyết thắng toàn quân và Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nữ anh hùng tải đạn Ngô Thị Tuyển, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thái Văn A... và sau đó được đi báo công trong toàn quân. Cũng với tinh thần “Ba đảm đang”, liên tục trong vòng 15 năm từ năm 1967, năm nào tôi cũng được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua...

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 2
Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Sau khi kết hôn, bà biết mình mang thai con đầu lòng nhưng vẫn xung phong vào chiến trường Quảng Trị

Năm 1971, tôi và anh Nguyễn Lân Dũng khi đó đang là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nên duyên vợ chồng. 4 tháng sau, khi vừa biết tin mang thai con đầu lòng, tôi cũng nhận được quyết định tham gia Đoàn chuyên khoa sâu 730B Viện Quân y 108 thuộc Tổng Cục hậu cần vào chiến trường Quảng Trị. Chiến trường khốc liệt “lành ít, dữ nhiều”, “rừng thiêng, nước độc”, người bình thường còn gặp rất nhiều nguy hiểm huống hồ  tôi lại bụng mang dạ chửa (lúc đó tôi đã 30 tuổi). Song, nguyện vọng được tham gia bảo vệ Tổ quốc cao hơn tất cả, tôi gạt bỏ mọi băn khoăn của cá nhân, giấu tổ chức về việc đang có bầu để lên đường ra trận. Tôi nghĩ, trong phong trào “Ba đảm đang”, hàng chục triệu phụ nữ đã không tiếc máu xương cùng toàn thể dân tộc quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Các bà, các mẹ tự nguyện gác tình riêng để động viên, khuyến khích chồng, con, người thân tham gia quân ngũ. Vậy thì tôi, không thể chỉ lo cho hạnh phúc nhỏ bé của mình.Ngoài vai trò làm vợ, làm mẹ, tôi còn là một người bác sĩ quân y. Các thương, bệnh binh nơi chiến trường lúc này cũng đang rất cần chúng tôi. Hạnh phúc của vợ chồng tôi chỉ được trọn vẹn khi cả dân tộc, cả đất nước đã được đón ngày hòa bình, độc lập.

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 3
Phụ nữ hăng hái tham gia phong trào "Ba Đảm đang" (Ảnh tư liệu)

Và thế là tôi lên đường ra trận. Đoàn của chúng tôi có 20 người, trong đó có 5 bác sỹ. Tôi là nữ bác sỹ trẻ nhất và là nữ bác sỹ đầu tiên của Viện Quân y 108 được điều động vào chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi đi ô tô vào Quảng Bình, sau đó hành quân đến Quảng Trị. Do thể trạng yếu, lại đang mang thai nên khi đến trục H9 là trục cuối cùng để sang tới Quảng Trị, tôi bị đuối sức so với các đồng đội. Lúc đó, bác sĩ Nguyễn Huy Phan, Trưởng đoàn (sau này là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) yêu cầu tôi và một nữ y tá tên Quỳnh ở lại trạm giao liên. Biết điểm yếu của mình, hàng ngày, tôi với Quỳnh ra sức nâng cao thể lực bằng cách mang vác ba lô nặng rồi vượt đèo, lội suối, tập nhìn xuống vực sâu cho quen. Sau 1 tuần, có Đoàn văn nghệ của đội Điều trị 204 hành quân vào Quảng Trị, chúng tôi mừng rỡ xin ra nhập Đoàn. Lúc đó đồng chí Quá, thành viên Đoàn văn nghệ đã nói là nhận được lệnh đón tôi ra Bắc. Tôi cương  quyết trả lời: “Tôikhông ra Bắc, tôi chỉ vào Nam”. Nghe xong, đồng chí Quá cười, đưa cho tôi chiếc gậy Trường Sơn để tôi hành quân vào Quảng Trị. 

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 4
Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu (Ảnh tư liệu)

Dòng dã nhiều ngày, chúng tôi vai đeo balo, mang theo súng, dao găm, gạo, nước, mắm... băng rừng, vượt núi. Có những đoạn đường đi rất hiểm trở, bên núi cao, bên vực sâu. Thời tiết cũng khắc nghiệt, hôm nắng gắt, lúc mưa dầm dề, đường đất trơn như bôi mỡ. Chúng tôi hành quân 4h sáng đến tối mịt, mỗi ngày lại vượt 1 quả núi. Trên đường đi, chúng tôi gặp từng đoàn các chiến sĩ trẻ cũng đang băng băng hành quân vào chiến trường, ai nấy đều lạc quan, vừa đi vừa hát “Vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ, mà lòng phơi phới dậy tương lai”... Nhờ đó, chúng tôi càng như được tiếp thêm động lực phải sớm vào tới chiến trường để còn sẵn sàng làm nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bộ đội ta bị thương trong chiến trận. Nhớ lần nguy hiểm nhất là khi Đoàn vượt qua sân bay Tà Cơn bị địch phát hiện, chúng cho máy bay quần cả đêm để rà soát. Tôi và nữ y tá Quỳnh đã xác định tinh thần sẵn sàng “chết chung một ngày, nằm chung một hố”. Rất may sau đó, bộ đội ta ở bờ Bắc biết tin đã nổ súng đánh lạc hướng địch, nhờ đó Đoàn qua được sân bay, rút vào rừng an toàn khi trời vừa trở sáng.

Tới Quảng Trị, tôi được phân công phục vụ tại Đội điều trị 204 ở làng Hoàng Tập, khe By Hiêm, huyện Hương Hóa. Giặc Mỹ vẫn không ngừng bắn phá ác liệt, các đồng đội của tôi căng mình làm các công việc như đào hầm, gùi gạo, dựng lán... Còn tôi lúc đó đang mang bầu nên để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con, tôi được ưu tiên phân công ở lại Đội chăm sóc cả thương bệnh binh nội và ngoại.  Tôi bị ốm nghén, người không được khỏenhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", cộng với tinh thần “Ba đảm đang” đang lên rất cao, tôi không nề hà bất cứ việc gì, một mình đảm nhiệm nhiều vai từ bác sĩ, y tá, hộ lý... Trong chiến tranh ác liệt, chúng tôi vẫn tự học để nâng cao tay nghề chuyên môn. Tranh thủ những lúc có ít bệnh nhân hay chiều tối, tôi và các bác sĩ thay nhau giảng bài về nhiều nội dung như phẫu thuật tạo hình vết thương hỏa khí, các thuốc điều trị bệnh sốt rét, cách xử trí trụy tim mạch, dịch hạch... Bản thân tôi vẫn làm nghiên cứu khoa học và học chính trị để trau dồi lý tưởng cách mạng.

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 5
Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chăm sóc thương binh tại chiến trường, năm 1971. Ảnh do nhân vật cung cấp

Những ngày đó, chứng kiến các chiến sĩ của ta bị thươngphải để lại một phần thân thể, có nữ chiến sĩ mắc rối loạn thần kinh do ở rừng lâu ngày, rồi cả khi phải tiễn biệt đồng đội của mình nằm lại với đất mẹ... chúng tôi càng thêm căm thù giặc Mỹ và nung nấu ý chí phải quyết tâm đánh thắng quân xâm lược.Tất cả chúng tôi giữa lúc tuổi đời phơi phới xuân xanh đều coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vì nếu có chết thì đó cũng là cái chết đẹp nhất. Tôi cũng phải nhắc tới con trai Nguyễn Lân Hiếu ở trong bụng mẹ ngày đó, con vô cùng can trường, khỏe mạnh,bám trụ vững vàng để mẹ an tâm làm nhiệm vụ dù rằng điều kiện sinh hoạt rất kham khổ. (Tôi không có điều kiện khám thai, bồi bổ cho con. Món bổ dưỡng của tôi ngày đó chỉ là mấy con ốc mà đồng đội thi thoảng bắt được ở hai bờ suối mang về cho tôi). Có lẽ con trai trong bụng đã sớm hiểu lòng mẹ, cùng mẹ “Ba đảm đang” tham gia kháng chiến. Bản thân tôi cũng bất ngờ khi bằng cách kỳ diệu nào mà suốt nhiều tháng ở chiến trường, tôi không bị ốm, không mắc sốt rét dù tôi không uống thuốc phòng và thường xuyên tiếp xúc với các chiến sĩ bị sốt rét.

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 6
Tượng đài kỷ niệm phong trào "Ba Đảm đang" tại huyện Đan Phượng

Khi thai nhi được 7 tháng, tôi trở lại Viện Quân y 108 vàtiếp tục công tác tại khoa Truyền nhiễm. Chúng tôi tập trung làm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt về sốt rét và lị trực khuẩn là 2 bệnh mà bộ đội ta mắc nhiều nhất ở chiến trường. Chủ nhiệm khoa Bùi Đại ngày đó, sau này là Thiếu tướng, GS.TS khoa học, anh hùng quân đội, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ) vào ra chiến trường nhiều lần, mỗi lần ra lại giao cho chúng tôi nghiên cứu về phương pháp điều trị sốt rét ác tính. Chúng tôi ngày đêm nghiên cứu trên bệnh nhân, cứ 1 tiếng lại cho thử máu một lần xem ký sinh trùng sốt rét giảm như thế nào để rút ra phác đồ điều trị. Sau đó, chính GS Bùi Đại lại mang phác đồ vào chiến trường để điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. 

Tiếp tục tinh thần cống hiến trong thời bình

Năm 1981, tôi chuyển sang làm Chủ nhiệm Khoa Nhi, đến tháng 12 năm 1988 sang làm Chủ nhiệm Y vụ, Viện Quân y 108. Nhớ đến những người đồng đội vẫn đang chiến đấu nơi tiền tuyến ác liệt, chúng tôi không ai bảo ai đều ra sức “ba đảm đang” phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, không ngừng cố gắng để cống hiến, làm tốt nhiệm vụ được giao, không được để vì bất cứ lý do gì mà chùn bước. Tôi đã tự học tiếng Nga, sau đó năm 1989 sang Ba Lan học chuyên ngành Quản lý bệnh viện. Tháng 9 năm 1990, sau khi về nước, tôi đảm nhiệm cương vịPhó Giám đốc Bệnh viện Quân y 108, sau đó là bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến khi nghỉ hưu năm 2003. 

Nhân đây, tôi xin phép được kể thêm về vinh dự to lớn của đời mình. Đó là, tôi đã 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên vào năm 1946, khi tôi cùng mẹ và các anh chị ra sân bay Gia Lâm tiễn cha tôi (Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) trong phái đoàn của Chính phủ đi dự Hội nghị Fontainebleau.Bác Hồ đã bế tôi từ tay bác Phạm Văn Đồng và vui vẻ hỏi chuyện với mọi người trong gia đình tôi.

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 7
Bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu xúc động xem lại các kỷ vật về một thời "Ba đảm đang" mà bà còn lưu giữ cẩn thận

Năm 1953, nghe tin tôi được cùng Đoàn thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại Quế Lâm, Trung Quốc, Bác đã gửi tặng tôi hộp sữa và mảnh vải ka ki và dặn cha mang về để mẹ may áo cho tôi. Năm 1958, tôi được cùng đoàn học sinh tiêu biểu Thủ đô vào Phủ Chủ tịch để đón khách quốc tế. Khi trò chuyện với các cháu nhỏ, nghe giới thiệu tôi là con bố Huyên, Bác rất vui và còn hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. (Hồi nhỏ, tôi từng mắc lao xương và được Bác Hồ gửi cao để tôi tẩm bổ). Khi tôi đang học trường Đại học Y Dược Hà Nội, tôi lại vinh dự lần thứ 4 được gặp và chụp ảnh cùng Bác Hồ khi Bác đến dự Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế lần thứ I tại Việt Nam.

Kể lại chuyện này, tôi muốn nói rằng, chính những tình cảm yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ, của Đảng, Chính phủ dành cho dân, cho nước, quan tâm cả tới những cháu nhỏ như tôi đãluôn thôi thúc tôi phải nỗ lực phấn đấu để được sống có ích, cống hiến, phục vụ Tổ quốc như lời Bác dạy.

Nữ bác sĩ quân y “Ba đảm đang” từ trong thời chiến đến thời bình - ảnh 8
Ở tuổi 80, phát huy tinh thần "Ba đảm đang", bà vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng

Bây giờ, tôi đã ở tuổi 80. Kỷ niệm 60 năm phong trào Ba Đảm đang (1965-2025) là dịp để tôi nhớ lại về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Em bé nằm trong bụng tôi ngày nào, kiên cường theo tôi vượt Trường Sơn vào chiến trường Quảng Trị ác liệt y giờ đã trở thành Phó giáo sư, tiến sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam... Song, niềm vui lớn nhất của tôi là cuối cùng, đất nước ta đã được độc lập, tự do và giờ đây đã có nhiều bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Chúng ta hiện đang nỗ lực để bước vào giai đoạn kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sẽ đều có những yêu cầu, thách thức, khó khăn khác nhau. Nhưng tôi tin, phát huy truyền thống “Bà Trưng, Bà Triệu”, với tinh thần “Ba đảm đang” năm xưa, những phụ nữ Việt Nam thời đại mới hôm nay với các phẩm chất “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”, có sức khỏe, trí tuệ... chắc chắn sẽ có những đóng góp xứng đáng trong giai đoạn chuyển mình của đất nước, dân tộc.

Bản thân tôi, tới ngày hôm nay vẫn luôn mang theo tinh thần của “Ba đảm đang”, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân và cống hiến cho cộng đồng. Là giám đốc chuyên môn của một phòng khám, tôi vẫn thường xuyên tham gia các khóa đào tạo để bắt kịp sự phát triển của y học; tôi vẫn tự học ngoại ngữ, đọc sách báo, tài liệu, tham gia một số hội thảo khoa học... Ngoài ra, tôi còn thành lập một nhóm hoạt động từ thiện mang tên “Bạn của bạn”, hàng năm từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ bà con dân tộc Mường ở hai xã Chiềng Khừa và Lóng Sập nằm sát biên giới giới Việt Lào ở Sơn La nuôi dê, lợn rừng, trồng chè San Tuyết... để phát triển kinh tế và nhiều hoạt động xã hội khác. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn được tiếp tục được góp sức cống hiến trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội hôm nay thêm văn minh, hiện đại, đặc biệt, xứng danh là Thành phố "Vì hòa bình" mà lớp lớp cha anh đã dày công vun đắp, giữ gìn. 

Tin cùng chuyên mục

Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn tới cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động

Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn tới cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động

(PNTĐ) - Sáng ngày 18/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Giao thông tận tải Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề: “Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn và những chính sách mới liên quan đến người lao động”.
Hội LHPN huyện Thạch Thất: Hiệu quả từ thực hiện tốt Dự án 8

Hội LHPN huyện Thạch Thất: Hiệu quả từ thực hiện tốt Dự án 8

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác, Kế hoạch thi đua năm 2025; Kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn huyện năm,  Hội LHPN huyện Thạch Thất đã triển khai có hiệu quả các hoạt động thuộc Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm

(PNTĐ) - Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa ký Công văn số 4860/BTC-BHXH về việc đề nghị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Công văn gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương