Trao quyền năng chính trị cho phụ nữ: Bước ngoặt 78 năm, cơ hội bình đẳng giới
Bài 1: Quan điểm xuyên suốt, nhất quán, hoàn thiện pháp lý
(PNTĐ) - 78 năm bản Hiến pháp năm 1946 (9/11/1946-9/11/2024) ra đời, ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Quan điểm này được xuyên suốt, nhất quán trong các cương lĩnh, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước. Trong đó, trao quyền năng chính trị cho phụ nữ là khẳng định vai trò quan trọng trong việc hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.
Thực hiện quyền bình đẳng nam nữ được Đảng và Nhà nước mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm ngay từ ngày đầu cách mạng. Người đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp vì con người, giải phóng con người của Người có một nội dung hết sức quan trọng là thực hiện bình đẳng nam nữ.
Ngay từ khi còn là người thanh niên yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến vấn đề bình đẳng nam nữ thông qua việc kiên quyết phản đối “đa thê” của chế độ cũ. Người lý giải “Sở dĩ tôi phản đối đa thê vì nó cản trở giải phóng phụ nữ An Nam” (trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ gửi Quốc tế Cộng sản, cuối năm 1924). Trong Báo cáo gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Chúng tôi có thể tổ chức Hội Phụ nữ được không, như Hiệp hội giải phóng phụ nữ (cho phụ nữ tiểu tư sản và tiểu thương, những người buôn bán nhỏ trong làng? Công nhân trong nhà máy xe lửa)”…
Trong Chánh cương vắn tắt (năm 1930), Người đã đặt ra vấn đề “nam nữ bình quyền”. Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, tại Điều 9 đã đề cập đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”.
Khi Luật Hôn nhân và gia đình lần đầu tiên được Quốc hội thông qua, năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Luật Hôn nhân và gia đình có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình đẳng, gia đình thật sự hạnh phúc”.
Nắm vững, nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ vào việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước là việc làm cần thiết. Hơn 94 năm qua, Đảng luôn nhất quán quan điểm nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới càng được thể hiện xuyên suốt và cụ thể hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ.
Cụ thể, Nghị quyết 04/NQ-TƯ ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, với mục tiêu là nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ phụ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội.
Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Đảng xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý Nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”.
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 thể hiện quyết tâm của Nhà nước và ý chí của toàn dân về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền phụ nữ.
Nghị quyết 11-NQ/TƯngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu đề ra là: “Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".
Trong những năm qua, liên tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021-2030, nhằm mục tiêu "Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".
Mục tiêu cụ thể, trong lĩnh vực chính trị đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021 (từ thứ 87/146 quốc gia lên thứ 72/146 quốc gia). Khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực được thu hẹp.
"Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định; đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước"- bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, thứ 4 châu Á. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng ở Ban Chấp hành Trung ương là 9,5%, cấp ủy trực thuộc Trung ương là 15,79%, cấp ủy trên cơ sở là 16,5%, cấp cơ sở là 22,37%.
Khảo sát thực tế hiện nay từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đến các bộ, ngành, địa phương đã ghi nhận sự chủ động của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quá trình hiện thực hóa chủ trương nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ, nhiều ban, bộ, ngành có lãnh đạo là nữ.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, tính đến 31/12/2023, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở 14/30 cơ quan, đạt 46,67% (năm 2022 là 15/30 đạt 50%), so với năm 2022 thì năm 2023 giảm 3,33%.
Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18/126 (đạt 14,29%). Tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025) là 37,7% ở cấp tỉnh; 31,77% ở cấp huyện và 24,94% ở cấp xã.
Tại các địa phương, cũng có nhiều nỗ lực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Điển hình như, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể và Hội LHPN các cấp thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Chỉ thị số 21-CT/TW; UBND tỉnh ban hành 12 văn bản thực hiện công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 8 văn bản thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW.
Nhiệm kỳ 2020-2025, số lượng cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ các ủy các cấp, gồm có: 13 nữ vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đạt 24%; cấp huyện 115 nữ, đạt 29%, cấp xã 1.908 nữ, đạt trên 26%. Có 1 nữ là đại biểu Quốc hội; 19 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh; 2 cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh)…
Tại Hà Nội, trong số 95 đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021-2026) có 24 nữ đại biểu, chiếm tỷ lệ 25,26%.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Thành ủy Hà Nội luôn xác định rõ trách nhiệm, nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ đạo của Trung ương về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Những năm qua, ngày càng nhiều phụ nữ có uy tín, năng lực, trình độ, tâm huyết trách nhiệm với công việc, nỗ lực cố gắng khẳng định mình, và được cấp ủy Đảng ghi nhận, đánh giá cao, được tín nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo ở các cấp. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp ngày càng tăng. Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp thành phố đạt 19,7%; cấp huyện 17,5%; cấp cơ sở 26,4%.
"Việc tăng cường tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là trong cấp ủy Đảng và các cơ quan dân cử nhằm bảo đảm quan điểm và tiếng nói của phụ nữ trong toàn bộ tiến trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách, bảo đảm bình đẳng giới và cho sự phát triển bền vững"- bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV ngày 5/6/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với toàn Đảng, toàn Dân, toàn hệ thống chính trị của nước ta, trong đó có vai trò và trách nhiệm lớn lao của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội. Nêu bật bối cảnh này, Tổng Bí thư mong rằng các nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội cần nhận thức sâu sắc điều đó và cùng nhau thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tổng Bí thư đề nghị, các nữ đại biểu Quốc hội cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, hết lòng, hết sức vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc Nhân dân; làm tốt hơn nữa vai trò là người đại biểu của nhân dân; phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật (trong đó có luật pháp, chính sách về bình đẳng giới), giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong hoạt động của Quốc hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV ngày 5/6/2023