Trao quyền năng chính trị cho phụ nữ: Bước ngoặt 78 năm, cơ hội bình đẳng giới

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trên toàn cầu, bình đẳng giới nói chung và việc trao quyền năng chính trị cho phụ nữ nói riêng được xem là động lực cho phát triển bền vững, là thước đo đánh giá sự phát triển, tiến bộ và văn minh của xã hội. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã chủ động, tích cực trao quyền tham chính cho phụ nữ, đồng thời nỗ lực tham gia và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, khẳng định vị thế, uy tín quốc tế.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 1
Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 2

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là định hướng chiến lược lớn của Đảng từ khi khai sinh đến nay, trên lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sớm ký Công ước xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) vào 29/7/1980 và phê chuẩn vào 27/11/1981; thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995; tham gia Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; các cam kết ASEAN… 

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 3
Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều được đối xử công bằng, được bảo vệ trước pháp luật, và có cơ hội để phát triển một cách toàn diện

Với cam kết mạnh mẽ của mình, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều được đối xử công bằng, được bảo vệ trước pháp luật, và có cơ hội để phát triển một cách toàn diện. Bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với những năm trước. Tính đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030, có 12 chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với năm 2022.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới và đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 4
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua

Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, chỉ số trao quyền chính trị là khoảng cách giới tính lớn nhất trong 4 lĩnh vực chính (bao gồm: sự tham gia và cơ hội kinh tế; trình độ học vấn; sức khỏe và sự sống còn; trao quyền chính trị). Theo đó, Việt Nam được ghi nhận có nhiều thành tựu trong việc đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như các nỗ lực nhằm tăng cường sự tham gia lãnh đạo chính trị của phụ nữ. Năm 2023, Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, lên hạng 72/146 nước tham gia bảng xếp hạng. Đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam tăng 27 bậc, lên 53/146 về xếp hạng tỷ lệ nữ trong nghị viện.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia cũng nỗ lực thực hiện quyền chính trị của phụ nữ, coi đó là thước đo quan trọng nhất của bình đẳng giới. Điển hình như tại New Zealand, năm 2022, lần đầu trong lịch sử Quốc hội có 60 nữ nghị sĩ và 59 nghị sĩ nam. Đây là cột mốc đặc biệt của New Zealand, đưa New Zealand là quốc gia thứ 6 có tỷ lệ cân bằng giới hoặc nữ nhiều hơn nam trong Quốc hội. 

Tham gia diễn đàn thế giới, tại lễ khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có bài phát biểu với chủ đề: “Đẩy nhanh thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, thông qua xoá đói, giảm  nghèo, tăng cường thể chế và cung cấp tài chính có tính tới khía cạnh giới”, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 11/3/2024.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 5

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã nêu bật một số thành tựu của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới; khẳng định phụ nữ ngày nay là một lực lượng không thể thiếu trong mọi tiến trình ở mọi cấp độ về hoà bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Bởi vậy, cần tập trung giúp phụ nữ vươn lên phát huy hết khả năng của mình để tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội và đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong các cơ chế ra quyết định về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và các đối tác vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.

Khóa họp CSW68 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 5 về đạt bình đẳng giới vào năm 2030.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 6

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 7

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 8

Để có được sự ghi nhận tích cực của thế giới, Đảng, Nhà nước đã không ngừng nỗ lực cụ thể hóa các chính sách bình đẳng giới thành các văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động chính trị. Từ đó, phụ nữ Việt Nam cũng tự tin phát huy hết khả năng, “sánh vai” với phụ nữ thế giới.

Cùng với xu thế của thời đại là ngày càng nhiều quốc gia có những “bóng hồng” đảm nhiệm vị trí lãnh đạo đất nước, như: Angela Merkel (Thủ tướng Đức); Sonia Gandhi (Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ); Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum;… Việt Nam cũng ngày càng có nhiều lãnh đạo cấp cao là nữ như: Các Phó Chủ tịch nước: Nguyễn Thị Bình; Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan, Đặng Thị Ngọc Thịnh, Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Thanh…

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 9
10 nữ đại biểu Quốc hội Khóa I

Tại Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, tỷ lệ nữ đại biểu tăng qua các nhiệm kỳ, các nữ đại biểu đã luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của Nhân dân. Từ chỉ có 10 nữ đại biểu trong Quốc hội khoá I, đến nay số nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đã có 151 đồng chí, chiếm tỷ lệ là 30,26%, được đánh giá là cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Không chỉ nói về số lượng mà chất lượng, trình độ, học vấn, chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động của các nữ đại biểu cũng không ngừng được nâng lên, các nữ đại biểu Quốc hội đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 79,5% nữ đại biểu có trình độ trên đại học; 30 đại biểu dưới 40 tuổi (chiếm 19,86%).

Tại Bộ Tư pháp, với vai trò tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về bình đẳng giới đã có những nỗ lực tích cực góp phần đáng kể vào kết quả trong 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Theo bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp), hiện nay, về vị trí lãnh đạo, Bộ Tư pháp luôn có một Thứ trưởng là nữ và hơn 40% công chức, viên chức nữ giữ các vị trí lãnh đạo cấp vụ, hơn 50% lãnh đạo cấp phòng, trong các tổ chức đoàn thể tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo còn cao hơn. Tỷ lệ công chức, viên chức là nữ trong Bộ Tư pháp chiếm tỷ lệ tương đối cao với khoảng 67% và trong hệ thống thi hành án dân sự là 49,95%.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 10

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng nữ đại biểu HĐND, những nhiệm kỳ gần đây, số lượng nữ đại biểu HĐND của thành phố mang tên Bác luôn đạt trên 40%. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND thành phố Hồ Chí Minh có 105 đại biểu, trong đó đại biểu là nữ có 46 (đạt 43,8%). Nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND thành phố Hồ Chí Minh có 94 đại biểu, trong đó 41 đại biểu là nữ (đạt 43,62%).

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có 12 cán bộ nữ. Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là 206 cán bộ nữ (tỷ lệ 26,2%); cán bộ lãnh đạo là trưởng, phó phòng và tương đương là 211 cán bộ nữ (33,65%). Đảng bộ TP Hồ Chí Minh luôn tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, trong đó đặc biệt quan tâm tới nguồn cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài trong chiến lược cán bộ của Thành phố.

Khảo sát tại các quận, huyện của Hà Nội, công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ cũng được sự quan tâm sát sao, đội ngũ nữ cán bộ chủ chốt đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình. Tại quận Ba Đình (Hà Nội) trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền. Đến nay, đội ngũ nữ cán bộ chủ chốt của quận Ba Đình chiếm 56,2%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 36% ở cấp quận và 39% ở cấp phường; tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân đạt 37,5%; tỷ lệ nữ Bí thư Đảng ủy phường là 64%.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 11

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng cho biết: Qua các nhiệm kỳ, số lượng nữ đại biểu HĐND các cấp và nữ cán bộ cấp uỷ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ban chấp hành Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 có 6/41 cán bộ nữ (14,6%), cấp cơ sở là 59/320 cán bộ (18,4%); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 cấp huyện là 11/35 đại biểu, đạt 31,4%; cấp xã là 202/709 đại biểu đạt 28,49%.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 12

Qua theo dõi các nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp thời gian qua cho thấy, mặc dù số lượng đại biểu dân cử chưa chiếm đa số nhưng có thể khẳng định, vai trò của các nữ đại biểu rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử. Khi tham chính, các nữ đại biểu rất tích cực hoạt động, ý kiến phát biểu luôn ở mức cao, nhiều ý kiến được tiếp thu, có sức thuyết phục, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và địa phương. Đó là sự kế thừa, tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Chia sẻ với báo Phụ nữ Thủ đô, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khẳng định: Sự hiện diện ngày càng lớn của các nữ đại biểu trên nhiều diễn đàn, từ nghị trường đến các lĩnh vực trong cuộc sống, thể hiện một bước tiến quan trọng về bình đẳng giới và đóng góp xã hội. Các nữ đại biểu không chỉ tham gia vào công tác lập pháp mà còn đóng vai trò quan trọng trong các quyết sách chính trị, kinh tế, xã hội. Sự tham gia tích cực của họ không chỉ thể hiện qua các ý kiến sắc sảo, phản ánh đúng và trúng các vấn đề của người dân mà còn ở khả năng đề xuất những chính sách có giá trị dài hạn, thúc đẩy phát triển toàn diện. Ngoài ra, với sự nhạy cảm và tinh tế, các nữ đại biểu thường mang lại những góc nhìn mới, đa chiều, giúp các quyết sách thêm phần nhân văn, sát thực với đời sống.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 13

 

Khẳng định rằng các nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp luôn nỗ lực không ngừng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ: Tham gia cơ quan dân cử là những “cơ hội vàng’’ để trưởng thành trong công việc. Mỗi đại biểu đều phải tự học, tự tìm hiểu để thu nhận cho mình những kỹ năng và kiến thức khá phong phú, đa dạng để góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước. “Đây cũng là cơ hội rèn luyện bản lĩnh, có cơ hội để đánh giá, nhìn nhận vấn đề, nói lên và bảo vệ chính kiến, bảo vệ lẽ phải gắn liền với nguyện vọng chính đáng của nhân dân”- đại biểu nói.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 14
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

"Theo dõi các kỳ chất vấn và thảo luận của Quốc hội, tôi rất ấn tượng với các nữ đại biểu, trong đó có chị Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Tôi thấy chị rất tích cực, tham gia đóng góp vào rất nhiều dự án luật, chất vấn các “tư lệnh” ngành một cách có chính kiến, rõ ràng, các ý kiến không những rất thực tiễn mà còn có chiều sâu, có kiến thức, trí tuệ, đặc biệt là rất tâm huyết và trách nhiệm” - cử tri Lê Khánh Linh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình chia sẻ.

Là một trong 11 đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026, chị Phạm Thuý Hoà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hoà vừa thấy vinh dự, tự hào vừa xem đây là trách nhiệm lớn lao. Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trên cương vị công việc được giao, nữ đại biểu HĐND huyện Phạm Thuý Hoà cũng luôn ý thức việc phải luôn lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân và góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh.

Vừa là đại biểu HĐND xã Xuân Sơn, đại biểu HĐND thị xã Sơn Tây, bà Cao Thị Hào còn đảm đương trọng trách là Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn, nên hình ảnh người đại diện cho nhân dân cũng là người đứng đầu một địa phương, nhiều người đã quen với hình ảnh bà thường xuyên đến với dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức thiết.

Để “tròn vai” bà đã phải nỗ lực vừa chăm sóc gia đình, vừa hoàn thành các nhiệm vụ của người đại biểu, người lãnh đạo một địa phương. “Để vượt qua những khó khăn do đặc thù giới, những người đại biểu của dân lại kiêm lãnh đạo thì phải có bản lĩnh kiên cường và có hậu phương vững chắc, được người thân và gia đình ủng hộ tạo mọi điều kiện thì mới hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”- bà Hào chia sẻ.

Bài 2: Chủ động, sáng tạo, động lực cho phát triển bền vững - ảnh 15
Bà Cao Thị Hào, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

(PNTĐ) - Tăng cường giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng, đấu thầu và các vướng mắc khác… là một số giải pháp cần xử lý để tháo gỡ việc chậm giải ngân đầu tư công nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vận động phụ nữ cho cán bộ Hội Phụ nữ nước Lào năm 2024

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vận động phụ nữ cho cán bộ Hội Phụ nữ nước Lào năm 2024

(PNTĐ) - Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Hội LHPN Thủ đô Hà Nội và Hội Phụ nữ Thủ đô Viêng Chăn (giai đoạn 2022-2025), sáng 3/12,  Hội LHPN Hà Nội, Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vận động phụ nữ cho 20 cán bộ Hội Phụ nữ Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Singapore, lên đường thăm chính thức Nhật Bản

Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Singapore, lên đường thăm chính thức Nhật Bản

(PNTĐ) - Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore, chiều 3/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời sân bay Changi Singapore, lên đường thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3-7/12/2024.