Giám sát thực hiện Dự án 8:
Huyện Ba Vì tích cực thay đổi “nếp nghĩ cách làm” thúc đẩy bình đẳng giới
(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 57/KH-BTV ngày 3/5/2024 của BTV Hội LHPN thành phố Hà Nội về giám sát việc thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, sáng 8/10, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Phạm Thị Mỹ Hoa làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Ba Vì.
Đoàn giám sát có đại diện các Sở Tư Pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố và Hội LHPN thành phố Hà Nội.
7 xã miền núi nhiều khởi sắc
Ba Vì rộng 424,5km2, có 31 xã, thị trấn, riêng khu vực miền núi có 7 xã với 76 thôn; dân số đồng bào dân tộc thiểu số có 29.477 người/7.538 hộ (chiếm khoảng 37,1% dân số vùng dân tộc miền núi).
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và sự chung tay góp sức của nhân dân đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực.
Về giao thông hạ tầng, UBND huyện đã tập trung triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn các xã miền núi, đến nay 100% các tuyến đường trục xã, liên xã đường giao thông nông thôn được rải nhựa hoặc cứng hóa. Về điện nông thôn: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia. 7 xã miền núi có 32/34 trường đã đạt chuẩn chiếm 94,1% (tăng 17 trường so với năm 2019).
Về cơ sở vật chất văn hóa, được sự quan tâm hỗ trợ của thành phố, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, xây mới 40/76 nhà văn hóa các thôn thuộc 7 xã miền núi. Kinh tế ở 7 xã có tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất giai đoạn 2020-2025 ước đạt 10,3%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sự chuyển dịch các năm theo hướng tăng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch.
Các hộ dân thuộc 7 xã miền núi của huyện đều đã được sử dụng nước sạch; tuy nhiên tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung còn thấp (xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa); các xã: Yên Bài, Minh Quang, Ba Vì, Khánh Thượng chưa có công trình cấp nước tập trung.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tổng nguồn vay vốn tín dụng chính sách của 7 xã miền núi năm 2024 là 304.630 triệu đồng, chiếm 28,51% tổng dư nợ toàn huyện, với 12 chương trình cho 5.663 hộ vay vốn. Đến cuối năm 2023, 7 xã miền núi của huyện còn 80 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,44%. Năm 2024, huyện thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến hết năm 2024, không còn hộ nghèo ở 7 xã miền núi.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của 7 xã miền núi là 85,8% với tỷ lệ thất nghiệp là 0,2%; mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 350-500 lao động. Thu nhập bình quân năm 2023 ở các xã miền núi đạt 60 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu so với năm 2020. Đã có 32/34 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 94,1%; các xã miền núi số làng đạt danh hiệu Làng văn hóa đạt tỷ lệ 94,7%; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 93,8%. Tại 7 xã miền núi đã thành lập được 59 đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ba Vì.
Hiện nay, tổng số cán bộ trong định biên 7 xã miền núi là 150 người, trong đó số cán bộ là người DTTS là 86 người, chiếm 57,3%. Về trình độ đại học và trên đại học 133/150 người, chiếm 88,6%. Số lượng người dân tộc tham gia vào các vị trí quan trọng trong bộ máy đảng và chính quyền các xã là 56/101 số đảng ủy viên là người dân tộc, chiếm 55,4%; Thường trực HĐND, UBND 20/36 người DTTS, chiếm tỷ lệ 55%.
Trên địa bàn 7 xã miền núi hiện có 133 chi bộ; 3.507 đảng viên, trong đó, 1.492 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 21,4% so với đảng viên toàn huyện. Đặc biệt, 48/76 người có uy tín trong vùng đồng báo dân tộc thiểu số là đảng viên.Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được giữ vững ổn định.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới
Báo cáo kết quả thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2022-2024, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến cho biết: Về tuyên truyền, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, UBND huyện phối hợp với Hội LHPN huyện chỉ đạo UBND và Hội LHPN của 7 xã miền núi thành lập 7 tổ truyền thông tại cộng đồng với 66 thành viên, trong đó 49 thành viên là nam giới.
Huyện đã tổ chức 78 buổi truyền thông, tập huấn, truyền cho 4.901 cán bộ, hội viên, phụ nữ, trẻ em của 7 xã miền núi; viết và đăng tải các tin bài liên quan đến tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống xâm hại phụ nữ trẻ em qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương và thông qua trang thông tin điện tử của xã, các nhóm zalo, fanpage của Đảng ủy, của Hội.
Các cấp Hội phụ nữ lồng ghép trong tổ chức thực hiện Dự án 8 với các hoạt động của “Đề án nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em 7 xã miền núi của huyện Ba Vì giai đoạn 2021-2026”; Lồng ghép nội dung mục tiêu dự án 8 vào các buổi sinh hoạt hội viên hàng quý, trong các buổi sinh hoạt các câu lạc bộ.
Hội LHPN huyện tổ chức Hội thi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với 6 đội thi tham gia; phối hợp tổ chức hội thi “Truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì bình đẳng giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số” với 7 đội thi tham gia; tổ chức 1 diễn đàn xây dựng gia đình bình an hạnh phúc với sự tham gia của 100 phụ nữ, trẻ em (xã Minh Quang); vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia các cuộc thi trực tuyến do các cấp Hội tổ chức.
Tiêu biểu như các cuộc thi: “Tìm hiểu pháp luật về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình”, “Tìm hiểu quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động”, “Tìm hiểu luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022”.
Các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em như: Tổ chức 21 tuyên truyền nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em vị thành niên... cho 1.260 hội viên, phụ nữ 7 xã miền núi góp phần xóa bỏ định kiến khuân mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em DTTS.
Thành lập mô hình CLB “Mẹ và con gái” tại xã Tản Lĩnh, Ba Trại, mô hình CLB thủ lĩnh của sự thay đổi tại Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại, tổ chức 11 buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường…; triển khai cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023”, kết quả 113 bài dự thi và 7 video clip tham dự Cuộc thi.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Bà Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì cho hay: Để giúp phụ nữ DTTS thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội phụ nữ các xã tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu các mô hình sinh kế để làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ các mô hình sinh kế do phụ nữ làm chủ nhằm tăng cơ hội tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập cho phụ nữ DTTS.
Hàng năm, Hội phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Lao động thương binh xã hội huyện chỉ đạo các xã rà soát số lượng phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ, đề ra biện pháp giúp đỡ phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ và điều kiện của Hội như: cho vay vốn, giúp cây giống, con giống, ngày công lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.
Từ năm 2022 đến nay, Hội đã tín chấp cho 3.414 hộ gia đình tại 7 xã miền núi vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTTN là 219.849 triệu đồng, 147 hộ vay đã thoát nghèo, cận nghèo và được nâng cao mức sống (trong đó có 47 hộ thoát nghèo, 100 hộ thoát cận nghèo). Duy trì 113 tổ tiết kiệm vay vốn với 113 hộ vay; duy trì, nâng cao hiệu quả của tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa với 30 thành viên nhằm hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em
Hội LHPN Huyện Ba Vì hướng dẫn tổ chức hoạt động đối thoại chính sách ở cấp cơ sở tại địa bàn DTTS&MN theo hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đã chỉ đạo tổ chức 1 cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với các tầng lớp phụ nữ tại xã Tản Lĩnh.
Các cấp Hội phụ nữ phối hợp với các tổ chức, các sở, ngành, phòng, ban tổ chức tổ chức 37 cuộc trợ giúp pháp lý cho 1.751 cán bộ, hội viên, phụ nữ và trẻ em tại 7 xã miền núi.
Hội LHPN huyện đã tăng cường tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, chất lượng cho cán bộ Hội, hằng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ Ban Chấp hành, chi, tổ của 7 xã miền núi, tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.... 03 lớp tập huấn về giới tính, kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa ứng phó bạo lực với phụ nữ, trẻ em, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực, xâm hại, quy trình phối hợp, hỗ trợ can thiệp, xử lý đối với các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cho 427 cán bộ Hội phụ nữ, cán bộ các Hội đoàn thể cấp xã.
Phát biểu tại buổi giám sát, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố: Ban Dân tộc thành phố, Sở Tư pháp, Sở Lao động TB&XH, BHXH thành phố, Hội LHPN thành phố đã có những ý kiến đề nghị UBND huyện Ba Vì thông tin thêm về việc quan tâm nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp uỷ Đảng, HĐND, UBND, MTTQ, đoàn thể chính trị, xã hội các cấp; nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT; tăng cường đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động là người dân tộc thiểu số…
Quan tâm đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa ghi nhận biểu dương những kết quả mà huyện Ba Vì đã đạt được trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Huyện Ba Vì đã bám sát chỉ đạo, ban hành các văn bản kịp thời triển khai Dự án 8, có sự phân công cá nhân, đơn vị phụ trách tham mưu triển khai nhiệm vụ cụ thể, có bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao nhận thức thúc đẩy bình đẳng giới, xoá bỏ các hủ tục, lạc hậu, thực hiện bằng nhiều hình thức tổ chức các hội thị, diễn đàn, các cuộc truyền thông tại cộng đồng… với nội dung phong phú.
Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Phạm Thị Mỹ Hoa đề nghị UBND huyện Ba Vì trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo, triển khai dự án 8, lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong 9 dự án còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Cụ thể như quan tâm đến tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, tăng tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT, công tác hỗ trợ giảm nghèo… Tổ chức thực hiện truyền thông các mô hình ở cộng đồng để hướng tới thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ những tập tục văn hoá lạc hậu, định kiến giới, phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.
Đồng thời, đề nghị huyện Ba Vì tiếp tục hỗ tích cực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; đặc biệt là chuẩn bị đại hội Đảng các cấp quan tâm đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ theo quy định.
Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định: Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung trong dự án thực hiện công tác bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em và các vấn đề khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung thông tin đến người dân “mưa dầm thấm lâu” có hiệu quả rất tốt, sử dụng mạng xã hội và các trang web để thông tin có định hướng và lan toả đến đông đảo người dân trên địa bàn.