Xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh từ gia đình

Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ

Hoàng Lan-Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng với tiến trình phát triển, gia đình Thủ đô cũng có sự vận động. Trong đó có nhiều biến đổi mang tính tích cực, qua đó giúp cho gia đình Thủ đô trở nên tiến bộ, văn minh hơn, là môi trường để các thành viên đều có điều kiện phát triển toàn diện, bình đẳng.

  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 1
  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 2

Năm 2023, Hội LHPN Hà Nội đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ để phục vụ đề tài nghiên cứu “Vai trò của phụ nữ và Hội LHPN trong giữ gìn giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới”. Trong đó, khảo sát đã cho thấy nhìn chung phụ nữ Thủ đô nhận thức khá rõ nét về những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp cần giữ gìn đồng thời những giá trị tiến bộ, văn minh cũng được phụ nữ Thủ đô lĩnh hội và định hướng cho gia đình của mình trong thời gian qua.

Cụ thể, đa số phụ nữ Thủ đô đang giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp trong quan hệ vợ chồng đồng thời đang hướng tới những giá trị bình đẳng, tiến bộ hơn. Chung thủy vẫn được nhận định là giá trị quan trọng giữ gìn sự bền vững của mối quan hệ vợ chồng. Trong xã hội truyền thống, chung thủy vợ chồng được đảm bảo bằng các hình phạt cho người vi phạm như phụ nữ thời kỳ phong kiến nếu ngoại tình bị cạo đầu, bôi vôi, thả bè trôi sông. Ngày nay, những hình phạt đó không còn tồn tại nhưng giá trị chung thủy vẫn được phụ nữ Hà Nội coi trọng với 91,3% người đang định hướng giá trị này cho gia đình.

  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 3

Hướng tới quan hệ vợ chồng tiến bộ và bình đẳng, 91,8% phụ nữ Hà Nội nhận định giá trị “vợ chồng tạo điều kiện cho nhau trong phát triển công việc” và 91,5% phụ nữ Hà Nội nhận định giá trị “Vợ chồng cùng thảo luận và quyết định các công việc trong gia đình” là quan trọng để định hướng cho gia đình mình. Quan niệm truyền thống vẫn thường coi nam giới là trụ cột kinh tế đã dần thay đổi do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các phong trào thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã giúp cải thiện đáng kể vị thế của người phụ nữ.

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập hóa tạo môi trường để các thành viên gia đình tiếp cận với những giá trị bình đẳng, tiến bộ hơn. Quyền của phụ nữ, trẻ em ngày càng được coi trọng góp phần làm cho quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái ngày càng bình đẳng hơn.

  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 4

Đa số phụ nữ Hà Nội nhận thức rằng cách ứng xử theo hướng con cháu nhất nhất phải nghe lời ông bà/ cha mẹ không còn phù hợp nữa. Thay vào đó “các thành viên gia đình được bình đẳng trong bày tỏ ý kiến, quan điểm” trở thành giá trị phổ biến hơn với 90,8% phụ nữ lựa chọn. Bên cạnh đó, 74,1% phụ nữ Hà Nội cũng cho rằng “các cá nhân không nhất thiết phải làm theo mong đợi của gia đình”. Quyền được phát triển bản thân theo năng lực và nguyện vọng cá nhân đang được phụ nữ Hà Nội hướng tới.

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Gia đình: “Dưới ánh sáng của khoa học về giới, vai trò và vị trí của phụ nữ trong gia đình, đặc biệt là trong gia đình Thủ đô đã thay đổi sâu sắc. Tiếng nói của phụ nữ được coi trọng. Vợ chồng bình đẳng cùng thảo luận và quyết định những vấn đề lớn nhỏ trong gia đình. Nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ cũng được chia sẻ với người chồng và họ có thể dành thời gian cho việc học tập để theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để tái tạo năng lực sản xuất và nuôi dạy con cái. Sự thay đổi to lớn này trong các Thủ đô đã giúp cho việc khai thác sử dụng đúng đắn nguồn nhân lực to lớn là phụ nữ”.

  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 5
  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 6

Bên cạnh đó, ghi nhận từ khảo sát cũng cho thấy, phụ nữ Hà Nội vẫn có xu hướng thiên về lối sống lấy gia đình làm trung tâm nhiều hơn. Có 84,7% phụ nữ lựa chọn giá trị “Thành viên nên quan tâm đến nhu cầu chung của gia đình hơn là nhu cầu của bản thân” và 56,7% lựa chọn giá trị “Thành viên gia đình cần điều chỉnh bản thân để sống hòa hợp với nhau”. Như vậy, từ trong truyền thống, việc sẻ chia, quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong gia đình đã trở thành một giá trị tạo ra sự hòa hợp, hòa thuận và hạnh phúc trong đời sống gia đình. Cho đến nay, giá trị này vẫn được đa số phụ nữ Hà Nội hướng đến.

Về khía cạnh kinh tế vật chất, đa số phụ nữ Thủ đô nhận thức cần hướng tới các giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống: ăn ngon, mặc đẹp; gia đình có đầy đủ tiện nghi và có tài sản để dành; có nhà riêng khang trang rộng rãi.. Trong quan hệ vợ chồng, các giá trị về sự chung thủy vẫn tiếp tục được phụ nữ Thủ đô coi trọng.

  Bài 2: Trao truyền, tiếp nhận giá trị tiến bộ - ảnh 7

Bên cạnh đó, bình đẳng vợ chồng trong phát triển công việc, ra quyết định trong gia đình được đại đa số phụ nữ Thủ đô lựa chọn để định hướng cho gia đình hiện nay. Trong quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, đa số phụ nữ Thủ đô thể hiện sự tôn trọng quyền của từng cá nhân nhưng hướng tới sự hòa hợp và vì nhu cầu chung của gia đình. Các cá nhân trong gia đình không nhất thiết phải làm theo mong đợi của gia đình nhưng cần điều chỉnh bản thân để sống hòa hợp với các thành viên trong gia đình và cần quan tâm đến nhu cầu chung của gia đình.

Về giá trị của con cái, dù đa số phụ nữ bày tỏ quan điểm gia đình nhất thiết phải có con dù con trai hay con gái nhưng cũng có gần 1/3 người trả lời cho biết gia đình có thể không có con cái vẫn hạnh phúc. Nhận thức này cho thấy, một số phụ nữ Thủ đô đã vượt qua áp lực về sinh con phổ biến trong xã hội truyền thống, cởi bỏ gánh nặng về việc sinh con đối với người phụ nữ. Bên cạnh đó, việc nhất thiết sinh được con trai cũng không còn là gánh nặng với đa số phụ nữ Thủ đô. Về giá trị của con cái, đa số phụ nữ Hà Nội nhận định con cái mang lại giá trị tình cảm hơn là giá trị kinh tế.

Theo PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Hội Xã hội học Việt Nam,Thủ đô Hà nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, mặt bằng dân trí, mức sống cao, do đó người dân và gia đình Hà Nội tiếp thu nhanh nhất các giá trị văn hóa mới từ những biến đổi kinh tế - xã hội của đất nước và giao lưu văn hóa quốc tế. Những giá trị mới thể hiện ở cả ba hợp phần của hệ giá trị gia đình là đời sống kinh tế - vật chất; các mối quan hệ giữa người với người; và đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Trong đời sống kinh tế - vật chất, gia đình Hà Nội sẽ ưu tiên các giá trị liên quan đến nâng cao mức sống, chât lượng sống như: thu nhập, nhà ở, phương tiện sinh hoạt, phương tiện đi lại, chất lượng bữa ăn, chất lượng các trang phục, môi trường tự nhiên không ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm… Về các mối quan hệ giữa người với người, một mặt gia đình Hà Nội vẫn tiếp nối các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, của người Hà Nội thanh lịch như thuận vợ thuận chồng, cha từ con hiếu…; mặt khác gia đình Hà Nội sẽ ưu tiên hướng tới các giá trị mới như: bình đẳng vợ chồng, bình đẳng con trai con gái, bình đẳng thế hệ, tôn trọng quyền của trẻ em trong gia đình...

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Gia đình trước cơn lốc “hiện đại hóa”

Bài 3: Gia đình trước cơn lốc “hiện đại hóa”

(PNTĐ) - Gia đình bao đời nay luôn là nền tảng của xã hội. Tuy nhiên, dưới tác động nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Hà Nội cũng chịu nhiều biến đổi mang tính tiêu cực.
Bài 1: Trưởng thành từ mái ấm gia đình

Bài 1: Trưởng thành từ mái ấm gia đình

(PNTĐ) - Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Từ đó cho thấy, vai trò của gia đình quan trọng như thế nào. Để có thể xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, việc vun đắp, gìn giữ các giá trị tốt đẹp trong mỗi gia đình có vai trò rất quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam

(PNTĐ) - Chiều ngày 6/11/2024, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ và Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIII để kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đã được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam với tỷ lệ phiếu đạt 100%.
Sáng mai, khai mạc triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”

Sáng mai, khai mạc triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”

(PNTĐ) - Triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh” sẽ chính thức khai mạc vào sáng 7/11, tại Hà Nội. Triển lãm nhằm hưởng ứng Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII năm 2024 với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”.