Xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh từ gia đình
Bài 5: Chung tay gìn giữ, xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ
(PNTĐ) - Thời gian qua, được sự quan tâm của Thành phố, đã có nhiều mô hình, cách làm hay cùng tham gia gìn giữ, xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ, hạnh phúc qua đó góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng các mô hình hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, Hội đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng bám sát, cụ thể hoá nghị quyết Đại hội đảng các cấp và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng về công tác phụ nữ; xác định trọng tâm công tác Hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; chủ động khai thác nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện của phụ nữ góp phần khẳng định và phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Với những kết quả đạt được, uy tín và vai trò của tổ chức Hội ngày càng được nâng cao, niềm tin của quần chúng phụ nữ đối với Đảng, chính quyền và tổ chức Hội Phụ nữ được củng cố. Việc xây dựng mẫu hình người phụ nữ Thủ đô trong thời kỳ mới được Hội LHPN Hà Nội gắn với các phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Người tốt - việc tốt”, cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 Không 3 sạch để động viên và tạo điều kiện cho hàng triệu lượt phụ nữ được bồi dưỡng nâng cao kiến thức về mọi mặt, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, vững vàng tự tin hội nhập, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng gia đình hạnh phúc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đều tập trung hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện nâng cao tri thức và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vật chất, tinh thần của chị em hội viên, động viên, hướng dẫn phụ nữ phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, được tạo cơ hội để khẳng định vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tích cực góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Các phong trào thi đua được các cấp hội thực hiện với nhiều cách làm mới đạt hiệu quả cao. Việc định rõ theo mục tiêu, quan điểm của Hội sẽ giúp các hoạt động của hội hướng đến phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình nói chung và trong việc xây dựng gia đình phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp nói riêng đạt hiệu quả.
Các cấp Hội tuyên truyền đến các gia đình hội viên, phụ nữ về vai trò của gia đình và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc thông qua xây dựng và triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc" và nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, tập trung các nội dung: nâng cao nhận thức kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, về cách ứng xử trong gia đình, về cách làm cha mẹ, nuôi dạy, chăm sóc con và giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng; Vai trò của phụ nữ trong phát huy giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới; Giáo dục mọi gia đình tích cực thực hiện nếp sống văn minh, tham gia xây dựng hương ước, quy ước thôn, xóm, làng. Quan tâm công tác chăm sóc cho người cao tuổi, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Đặc biệt, việc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với công tác xây dựng gia đình đã thực sự hiệu quả và đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động của hội viên phụ nữ và cộng đồng, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình được cải thiện rõ nét, vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao. Các cấp Hội đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Cuộc vận động như: hội thảo, hội thi, diễn đàn, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề,... gắn với các phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.
Đánh giá của Hội LHPN Hà Nôi cho thấy, 5 năm gần đây, Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới, đã gắn các tiêu chí địa bàn văn hóa với hàng trăm nghìn công trình, phần việc do phụ nữ đảm nhận, nổi bật là xây dựng cảnh quan môi trường, duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao ở khu dân cư..., các mô hình câu lạc bộ, hoạt động giáo dục người thân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, xây dựng làng phụ nữ kiểu mẫu, khu dân cư an toàn, đoạn đường phụ nữ tự quản...
Với 50,2% dân số là nữ giới, việc vận động, tuyên truyền giáo dục để hội viên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình, cộng đồng chung tay giữ gìn trao truyền gia phong, gia đạo, thái độ hành vi ứng xử văn minh trở thành nề nếp, thành chuẩn mực phổ biến cần tiếp tục là nội dung nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Hội.
Nhờ các hoạt động truyền thông của Hội, cán bộ Hội đã được Hội Liên hiệp phụ nữ đã trang bị/ hỗ trợ nhiều kiến thức, kỹ năng nào liên quan đến giữ gìn giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình thời kỳ mới.
Theo TS Bùi Thị Mai Đông, Học viện Phụ nữ Việt Nam, để giữ gìn và phát huy các giá trị gia đình Việt Nam truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các thành viên gia đình về những giá trị gia đình truyền thống cần lưu giữ và phát huy. Bên cạnh đó cần xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động về hôn nhân và gia đình như: Câu lạc bộ Tình yêu - Hôn nhân & gia đình; Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Ông – Cháu; Câu lạc bộ Mẹ chồng mẫu mực - Nàng dâu thảo hiền… Thông qua hoạt động của các mô hình đó, các thành viên trong gia đình có cơ hội rèn luyện, giữ gìn và phát huy các giá trị gia đình truyền thống bên cạnh hệ giá trị đạo đức hiện đại. Cùng với đó là đẩy mạnh việc triển khai Bộ qui tắc ứng xử trong gia đình. Và không thể thiếu là việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về gia đình và hệ giá trị gia đình truyền thống; xác định rõ những giá trị gia đình Việt Nam truyền thống cần được giữ gìn, phát huy, những giá trị không còn phù hợp cần thay đổi, đồng thời chỉ ra những giá trị mới, hiện đại cần được tiếp thu. TS Bùi Thị Mai Đông cho rằng, các kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học để các cơ quan quản lý của Nhà nước đưa ra những chính sách kịp thời về xây dựng gia đình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất, trong thời gian tới, phải tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong gia đình và xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hóa gia đình truyền thống, làm cho mọi người hiểu rõ gia đình là cái tồn tại bền vững trong mọi hình thái kinh tế - xã hội, là một tế bào của xã hội, gia đình phải mãi mãi là cái nôi nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Bà Bích cũng mong muốn tăng cường kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức gia đình, nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.
ThS. Nguyễn Hoàng Anh, Viện phó Viện nghiên cứu phụ nữ, Học viện phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: Việc giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong gìn giữ giá trị truyền thống của gia đình và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới cần tiếp tục tập trung vào nâng cao vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực bên ngoài gia đình để phát huy bản lĩnh, sự tự tin, chủ động của người phụ nữ. Việc truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong phân công lao động gia đình không phải chỉ chú trọng ở nhóm dân số trung niên hay cao tuổi như nhiều nghiên cứu trước đã khuyến nghị mà vẫn cần lưu tâm đến hoạt động truyền thông trong cả nhóm phụ nữ trẻ tuổi để tránh tâm lý ỷ lại và tạo áp lực trụ cột kiếm thu nhập lên vai nam giới.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động để xóa bỏ tư tưởng phong kiến, gia trưởng, khơi gợi ý thức trách nhiệm, vai trò của nam giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới. Bên cạnh đó, vẫn cần phải kiên trì tiếp tục truyền thông cung cấp thông tin định hướng xây dựng gia đình Thủ đô.