Khai mạc “Hội nghị Diên hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài

Bài: PHÚ ĐỖ, Ảnh: TUẤN ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng ngày 22/8, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hơn 400 đại biểu kiều bào.

Khai mạc “Hội nghị Diên hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 1
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước" với nhiều điểm mới và kỳ vọng, là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo… 

Điểm đặc biệt là lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ  nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài. 

Khai mạc “Hội nghị Diên hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các địa phương đã tới tham dự phiên khai mạc. Đặc biệt, Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng chào đón 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã không quản đường sá xa xôi và công việc bận rộn để tham dự Hội nghị, mang theo tình cảm và tiếng nói tâm huyết của mình đối với quê hương, đất nước, cũng như hàng triệu kiều bào trên toàn thế giới đang theo dõi phiên khai mạc Hội nghị và Diễn đàn qua các nền tảng trực tuyến.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng các đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Qua 3 lần tổ chức, Hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Khai mạc “Hội nghị Diên hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị đã thực sự trở thành "Hội nghị Diên Hồng" của người Việt Nam ở nước ngoài. Những ý kiến quý báu cùng nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.

Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao còn phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như các chương trình Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam, Ngày Tôn vinh tiếng Việt…, những chương trình hết sức ý nghĩa này đã đưa các thế hệ người Việt xa quê trở về Tổ quốc, góp phần vun đắp tình cảm với quê hương để từ đó thổi bùng khát khao được cống hiến và chung tay góp sức cho sự phát triển của đất nước.

Theo Bộ trưởng, từ sau Hội nghị lần thứ 3 (năm 2016), tình hình thế giới, khu vực và tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Những yếu tố bất ổn, bất an, bất định của tình hình thế giới và khu vực đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc, thậm chí làm xáo trộn đời sống của bà con. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra yêu cầu mới trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Khai mạc “Hội nghị Diên hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 4

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh đó, thật tự hào khi thấy cộng đồng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.

Đặc biệt, kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam. Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.

Ngoài ra, kiều bào còn trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bộ trưởng cho biết, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm.

Bộ trưởng khẳng định, với sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị có 4 phiên chuyên đề diễn ra song song gồm: "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam", "Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước", "Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào", "Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt". 

Bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức bố trí để các đại biểu đi tìm hiểu thực tế tại Khu Công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và thăm quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Đẩy mạnh phát triển "4 sẵn sàng" tới từng người dân nhằm lan toả sâu rộng quá trình chuyển đổi số

Đẩy mạnh phát triển "4 sẵn sàng" tới từng người dân nhằm lan toả sâu rộng quá trình chuyển đổi số

(PNTĐ) - Trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh phát triển 4 sẵn sàng tới từng người dân nhằm lan toả sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số. 4 sẵn sàng là: Điện thoại sẵn sàng kết nối mạng, tích hợp VNeID và iHanoi; định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; Sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ và an toàn thông tin; Sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo.
​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt”

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt”

(PNTĐ) - Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lời dạy của Người “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực thi đua tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua ái quốc trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thi đua ái quốc đưa Thủ đô trở thành “Thành phố gương mẫu cho cả nước”

Thi đua ái quốc đưa Thủ đô trở thành “Thành phố gương mẫu cho cả nước”

(PNTĐ) - Thành tích của các điển hình tiên tiến được biểu dương hôm nay có sức thuyết phục và sự lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là tấm gương sáng, sống động, góp phần vào việc bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi con người, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Thủ đô.
Văn hóa Việt Nam hút khách tại Làng Pháp ngữ ở Paris

Văn hóa Việt Nam hút khách tại Làng Pháp ngữ ở Paris

(PNTĐ) - Diễn ra trong 5 ngày từ 2-6/10, những hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng như không gian triển lãm trưng bày phong phú của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và bạn bè quốc tế tại Làng Pháp ngữ ở thủ đô Paris.
Gắn biển 16 công trình “Dân vận khéo” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Gắn biển 16 công trình “Dân vận khéo” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã quyết định công nhận và tổ chức gắn biển đối với 16 công trình “Dân vận khéo” tiêu biểu, được lựa chọn từ hàng trăm công trình do các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký triển khai từ đầu năm để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 15 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và 75 năm Ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”.