70 Năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định vị thế đầu tàu trên chặng đường đổi mới

Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển

THU HÀ - HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Qua 40 năm thực hiện con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), những thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên CNXH ở Thủ đô Hà Nội được thể hiện tập trung trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, trong các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội từ khóa X đến khóa XVII.

Nâng cao vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến

Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đối với Hà Nội, qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng.

 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 1
Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội là không dài; song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ Thành phố coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Sau gần 40 năm đổi mới, trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ…

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7%. Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tội phạm và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, tạo môi trường xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn.

Từ vị trí phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ yếu là Thủ đô của các nước XHCN nhằm tìm kiếm các nguồn lực viện trợ phát triển, đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…

 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 2
"Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh"

Nhiều công trình mới mang tầm quốc tế đã được đầu tư xây dựng ở Thủ đô. Và mới đây nhất, ngày 30/8/2024, Tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia tại địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Dự án được kỳ vọng là điểm đến quốc tế cho các sự kiện thương mại, triển lãm hàng đầu toàn cầu, tương tự mô hình Dubai Expo (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), Frankfurt (Đức), Fiera Milano (Italia)... tạo môi trường quốc tế cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, kết nối, xúc tiến thương mại, đồng thời là động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với tổng quy mô lên tới 90ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, Tổ hợp dự án được dự báo sẽ là “kỳ quan mới” của Thủ đô, khởi phát nền kinh tế “Expo” sôi động, sánh ngang với các tâm điểm giao thương toàn cầu.

9 nhóm giải pháp trong giai đoạn phát triển mới của Thủ đô

Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành ủy Hà Nội xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần phải giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.

Hà Nội cũng đặt ra 26 chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, gồm 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.

Theo đó, để tiếp tục công cuộc đổi mới của Đảng, các cấp uỷ, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mô hình CNXH Việt Nam trên địa bàn. Phát huy cao độ sự đồng thuận xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 4 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 5
 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 6 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển - ảnh 7
Hà Nội phát triển hiện đại hơn trong công cuộc đổi mới.

  

Để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và lấy khoa học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ, trong số các chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội các nhiệm kỳ, nhất là những nhiệm kỳ gần đây luôn có một chương trình riêng về phát triển văn hóa. Điều này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy Hà Nội với lĩnh vực này.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, năng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dụng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Đáng chú ý, Thành ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ cho biết, tập trung phát triển văn hóa và coi văn hóa là động lực để Thủ đô phát triển là một trong những chủ trương đúng đắn mà Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Khi ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ thức đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Qua đó từng bước đưa Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm các Thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu.

PGS, TS Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới. Theo TS Bùi Nhật Quang, văn hóa phải là động lực phát triển của Hà Nội, bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước. Văn hoá lúc này sẽ không chỉ ở góc độ tinh thần, mà còn trở thành lượng lớn vật chất để giúp Thủ đô Hà Nội đạt được những kết quả phát triển cao hơn, bền vững hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để Hà Nội hiện thực hoá mục tiêu từ năm 2030 đến năm 2045 trở thành một Thủ đô phát triển theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, có thu nhập cao.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Phát huy ưu thế của thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo

Phát huy ưu thế của thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo

(PNTĐ) -70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng nhiều khó khăn, thử thách, Đảng đã căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước, của Hà Nội; kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ban hành, lãnh đạo thực hiện nhiều quyết sách quan trọng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.
Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại

Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại

(PNTĐ) - Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là một mốc son lịch sử của Hà Nội nghìn văn văn hiến và anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh cũng như trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. 70 năm qua là một chặng đường phát triển đầy khó khăn, thử thách nhưng hết sức vinh quang và rất đỗi tự hào của Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội linh thiêng, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn, hội nhập, phát triển trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình“

Hà Nội linh thiêng, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn, hội nhập, phát triển trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình“

(PNTĐ) - Sáng sớm 6/10, hàng ngàn người dân đã tề tựu xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm để đón chờ xem chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình”- sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2024). Chương trình cũng thu hút hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp. Cùng với sự tham gia của hơn 10.000 đại biểu, trong đó có 8.000 người thuộc các tầng lớp nhân dân tham gia vào màn diễu hành. Chương trình đã cho thấy một Hà Nội linh thiêng, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn, đang hội nhập, phát triển mạnh mẽ…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp

(PNTĐ) - Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, chiều tối ngày 5/10, theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam, thủ đô Paris.