70 Năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024): Khẳng định vị thế đầu tàu trên chặng đường đổi mới

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể

THU HÀ - HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng. 70 năm qua và những kết quả nổi bật trong những năm gần đây cho thấy Đảng bộ, chính quyền các quận, huyện luôn bám sát và vận dụng, cụ thể hóa chủ trương sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Qua đó đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn; các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn có nhiều giải pháp đồng bộ tạo được sự đồng thuận rộng rãi của nhân dân và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện.

Xứng danh miền quê cách mạng

Sau 70 năm ngày Giải phóng (25/7/1954 - 25/7/2024), Khu Cháy vẫn nguyên vẹn những dấu ấn lịch sử hào hùng và là niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây trong quá trình vun đắp, xây dựng quê hương...

Từ năm 1934, Ứng Hòa đã có những quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 2/1938, Chi bộ Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn ra đời và là chi bộ đầu tiên của huyện Ứng Hòa. Năm 1942, các xã phía Nam huyện Ứng Hòa trở thành An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ. Từ năm 1946-1950, Khu Cháy là "bàn đạp" cho các hoạt động cách mạng từ vùng tự do vào vùng bị địch tạm chiếm, nơi nuôi giấu cán bộ cao cấp của Đảng, cung cấp nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đầu năm 1951, thực hiện âm mưu biến Khu Cháy thành “Khu trắng”, với chính sách “tam quang”: Đốt sạch - phá sạch - giết sạch, hằng ngày địch cho quân từ 4 phía tiến công vào trung tâm Khu Cháy hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, tiêu diệt ý chí chiến đấu của nhân dân ta.

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 1
Với nhiều người Hà Nội, mỗi khi nói đến Khu Cháy (gồm các xã ở phía Nam huyện Ứng Hòa và xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) là nhắc nhớ tới một “địa chỉ đỏ” thiêng liêng

Nhớ lại những ngày tháng lịch sử hào hùng, từng là Đội trưởng đội du kích địa phương, bà Phạm Thị Dương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tân cho biết: Cán bộ và nhân dân Khu Cháy luôn kiên cường, anh dũng chống lại mọi trận càn quét của địch, điển hình là trận chống càn của nhân dân các xã: Minh Đức, Đồng Tân mang tên “Tiếng cồng chống giặc” vào tháng 2/1951.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: Trong giai đoạn lịch sử này, trung bình một người dân Khu Cháy phải chịu 2 quả bom và 203 quả đại bác; 111 ngôi làng, 105 đình chùa, nhà thờ bị tàn phá; 8.532 tấn thóc bị đốt và tiêu hủy; hơn 10 ngàn héc ta ruộng đất bị hoang hóa… Trải qua nhiều trận càn quét của địch, mỗi tấc đất trên quê hương Khu Cháy thấm đẫm bao chiến công oanh liệt và xương máu của nhân dân, các Anh hùng liệt sĩ, góp phần để ngày 25/7/1954, Ứng Hòa hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược - đánh dấu sự kiện Ứng Hòa hoàn toàn giải phóng.

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 2
 Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” huyện Ứng Hòa năm 2024. 

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Ứng Hòa được cả nước biết đến với địa danh Hòa Xá - quê hương của Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Chiếc nhẫn chung thủy”. Những phong trào này thôi thúc lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh giặc, góp phần thống nhất đất nước. Với những thành tích đáng tự hào trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, Ứng Hòa cùng 11 xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đặc biệt, Ứng Hòa có 3 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên.

Chiến tranh đã lùi xa, hôm nay Khu Cháy đang đổi mới từng ngày. Bảo tàng Khu Cháy được xây dựng tại xã Đồng Tân, lưu giữ nhiều kỷ vật quan trọng của giai đoạn lịch sử hào hùng. Các di tích lịch sử, như: Đình chùa thôn Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn; chùa Chòng thuộc xã Trầm Lộng... là những nơi nuôi giấu cán bộ, từng diễn ra nhiều sự kiện đấu tranh cách mạng quật cường luôn được chính quyền địa phương quan tâm lưu giữ, đầu tư, tôn tạo.

Với ý chí quyết tâm, tinh thần cần cù, sáng tạo, ở mỗi thời kỳ, Ứng Hòa đều xuất hiện điển hình tiên tiến như: Sơn Công trong chuyển đổi cơ chế khoán ruộng; Trầm Lộng, Ngọc Động là điểm sáng đi đầu về dồn điền, đổi thửa; Bệnh viện Vân Đình, Trường Mầm non Hòa Xá là Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới...

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 3
Hà Nội ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế và người dân TPHCM

Phát huy truyền thống đáng tự hào, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện cùng sự nỗ lực của nhân dân, Ứng Hòa giành nhiều thành tựu tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2023 ước đạt 15.055 tỷ đồng. Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Đặc biệt, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2012-2023), từ xuất phát điểm thấp, Ứng Hòa có bước phát triển toàn diện. Nông nghiệp phát triển bền vững, các khu công nghiệp, làng nghề được đầu tư mở rộng. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng, cải tạo; 100% tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2023, Ứng Hòa có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (21,42%); 3 xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (10,7%); thị trấn Vân Đình được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2023 đạt 68 triệu đồng/người/năm…

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh, 70 năm qua, thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ứng Hòa là vô cùng to lớn. Song, do đặc thù, Ứng Hòa vẫn khó khăn, đời sống người dân còn vất vả. Do đó, Đảng bộ huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại; nắm vững chủ trương, chính sách của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của thành phố, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế địa phương để xây dựng Khu Cháy nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung thành miền quê văn minh, hiện đại...

Theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết, Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam thành phố Hà Nội, kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam. "Đây là định hướng quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Huyện xác định tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật nông thôn trên địa bàn. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV", đồng chí Nguyễn Tiến Thiết thông tin.

Huyện Thường Tín: Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng, đất danh hương

Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện Thường Tín tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng kinh tế nông nghiệp. Trong 5 năm (từ năm 2019 đến năm 2023): Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện là 5.854 tỉ đồng, trong đó, năm 2019 là 897 tỉ đồng, đến năm 2023 là 1.755 tỉ đồng (bình quân mỗi năm tăng 214 tỉ đồng, năm 2023 tăng gấp 1,96 lần so với năm 2019). Huyện đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác cải cách hành chính với nhiều mô hình, sáng kiến có hiệu quả thiết thực; tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của huyện qua các dự án đầu tư xậy dựng các cụm công nghiệp, dự án đấu giá ở nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư các khu dân cư đồng bộ về hạ tầng; hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2023, huyện thực hiện 71 dự án chuyển tiếp với kế hoạch vốn giao trên 926 tỉ đồng; triển khai 81 dự án mới với tổng mức đầu tư trên 2.756 tỉ đồng.

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 4
Huyện Thường Tín kỷ niệm 70 năm giải phóng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 vì đã có thành tích nổi bật trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020. Đến nay, toàn huyện có 17/28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (trong đó có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu).

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội, trọng tâm là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chính sách đối với người có công, công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế theo hướng đạt chuẩn, chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong 5 năm qua, cũng như kết quả trong phong trào thi đua kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Thường Tín, 70 năm giải phóng Thủ đô, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) cho Đảng bộ, chính quyền nhân dân và cán bộ huyện Thường Tín.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, ngày 20/8/2019, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Thường Tín vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. “Trong suốt 5 năm qua, cán bộ, nhân dân huyện đã có sự cố gắng, phấn đấu tích cực” - ông Nguyễn Tiến Minh cho hay.

Theo Bí thư Huyện ủy, trên cơ sở phát huy những thành tích trong suốt 70 năm qua, cán bộ, nhân dân huyện phấn đấu thực hiện các mục tiêu của năm 2024, từng bước xây dựng huyện Thường Tín giàu đẹp, văn minh, hiện đại, bản sắc. “Trong đó, huyện sẽ tập trung vào việc phát triển nhân tố con người. Cán bộ phải đủ các tiêu chuẩn, phẩm chất, phải phát huy được đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề” - Bí thư Huyện ủy Thường Tín nhấn mạnh.

Qua thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển, để đạt được những thành tích mà Đảng, Nhà nước đã ghi nhận trong 70 năm qua và những kết quả nổi bật trong những năm gần đây cho thấy Đảng bộ, chính quyền huyện luôn bám sát và vận dụng, cụ thể hóa chủ trương sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố vào điều kiện của huyện, qua đó đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn; các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn có nhiều giải pháp đồng bộ tạo được sự đồng thuận rộng rãi của nhân dân và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện.

Thị xã Sơn Tây đã được định hướng là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội

Với nền tảng hiện có, cùng sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, đặc biệt là định hướng phát triển cụ thể và sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, Thị xã Sơn Tây hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm phát triển, cực tăng trưởng phía Tây Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, phát huy những thành tích đã đạt được, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Sơn Tây đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, vững bước đi lên bằng chính nội lực của mình, đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 5
Quyết tâm xây dựng, phát triển thị xã Sơn Tây ngày càng giàu, đẹp, văn minh

Kinh tế thị xã Sơn Tây ngày càng tăng trưởng khá, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hằng năm, thị xã đều đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. 6/6 xã và thị xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Các hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra sôi động, đều khắp và có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo từng bước phát triển khá toàn diện, hiện nay trên địa bàn thị xã không còn hộ nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững cũng như đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Diện mạo đô thị và nông thôn của thị xã ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh và các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tiếp tục được khôi phục, bảo tồn và phát huy…

Định hướng phát triển trong tương lai, trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thị xã Sơn Tây tập trung quyết liệt để hoàn thiện các quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch được giao. Thị xã Sơn Tây đã hoàn thành Quy hoạch phân khu ST1, cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh. Giai đoạn 2025-2030, thị xã Sơn Tây phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.

Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được lãnh đạo Thị xã Sơn Tây tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá của thị xã Sơn Tây.

Để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra, thời gian tới, thị xã Sơn Tây tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, định hướng phát triển kinh tế gắn với văn hóa, du lịch; đô thị hóa gắn với kinh tế đô thị, tạo bước phát triển đột phá để sớm đưa thị xã Sơn Tây trở thành đô thị loại II. Cùng với duy trì, phát huy sản phẩm du lịch hiện tại, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới cho du khách, như: trải nghiệm thực tế làm nhà nông, tham quan trang trại trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thăm làng nghề truyền thống… Thị xã cũng sẽ hợp tác với các địa phương khác tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Định hướng phát triển du lịch, đồng chí Nguyễn Quang Hán - Phó Bí thư thường trực thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây, cho biết, thị xã tập trung nguồn lực, hình thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); Khu trung tâm thị xã - Thành cổ - Đền Và - Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); Khu du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái). Năm 2023 vừa qua, du lịch thị xã Sơn Tây đã trở thành điểm sáng của du lịch Thủ đô bởi du khách đến với Thị xã ước đạt 1.175.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó 470.000 lượt khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây. Khách quốc tế đến thị xã trong năm 2023 ước đạt 22.400 lượt khách.

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 6
Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 7
Nét cổ kính của Thị xã Sơn Tây ngày nay
Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể - ảnh 8
Sơn Tây thu hút khách du lịch khắp mọi miền

Cùng đó, công tác phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của Thị xã Sơn Tây cũng đạt nhiều kết quả nổi bật thời gian qua. Thị xã đã triển khai hoàn thành 42 dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông, kết hợp đầu tư hệ thống rãnh thoát nước đồng bộ với hệ thống đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Hoàn thành xây dựng mới 31,4km và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 10,2km rãnh thoát nước; 168,2km đường điện chiếu sáng công cộng…

Thị xã Sơn Tây đã được định hướng là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, và từ thực tế cho thấy, với bề dày cũng như truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng lớn về du lịch, nghỉ dưỡng; xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, nền tảng để phát triển kinh tế, thị xã Sơn Tây trong tương lai gần sẽ trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Thủ đô Hà Nội.                                                                                                                           (Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Tuổi trẻ Thủ đô tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh  ​

Kỳ cuối: Tuổi trẻ Thủ đô tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh ​

(PNTĐ) - Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 24 triệu thanh niên. Tầng lớp thanh niên đang và sẽ hưởng thụ những thành quả cách mạng của cha ông. Chính vì vậy, thanh niên luôn là tấm gương tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, xây dựng quê hương, Thủ đô, đất nước hùng cường.
 Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND (ngày 17/9/2024) về tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Hội nghị dự kiến được tổ chức vào sáng 7/10/2024, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô.
 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển

Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.