​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt”

HÀ LINH - THU GIANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lời dạy của Người “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực thi đua tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua ái quốc trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những gương điển hình tiên tiến thực sự là tấm gương sáng

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 1
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie giao lưu tại hội nghị - Ảnh: Viết Thành

"Khi theo dõi tin tức tang thương trong vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), biết được ở đó có những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi bố mẹ hay chỉ còn bố hoặc mẹ, thầy không khỏi xót xa và tự hứa sẽ phải làm điều gì để bù đắp cho các con, và quyết định nhận nuôi tất cả các em may mắn còn sống sót sau vụ lũ quét ấy rất nhanh sau đó. Thầy mong muốn, từ nay trở về sau, các em sẽ được chăm lo và học hành tử tế. Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế tại Làng Nủ, thầy đã đến từng trường thống kê, các em mất nhiều quá. Nhiều em chỉ 5 phút mà mất đi tất cả gia đình, nhà cửa.

Sau khi rà soát có tổng số 22 em may mắn còn sống, có những em chỉ mới học lớp mẫu giáo 3 tuổi. Chứng kiến cảnh đó thầy Khang quyết định nhận nuôi tất cả các em may mắn còn sống. Thầy năm nay đã cao tuổi, mong được sống lâu hơn chút để nhìn thấy các em trưởng thành. Nhưng nếu thầy không may mất sớm thì sẽ còn con, cháu và các đồng nghiệp của thầy chăm lo cho các em…".

Câu chuyện thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhận nuôi 22 trẻ em may mắn còn sống sót trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) đã khiến Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 sáng 8/10 xúc động, rơi nước mắt.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cũng được các em học trìu mến gọi là “ông nội”. Sau khi cơn bão số 3 và tàn dư sau bão tàn phá toàn bộ thôn Làng Nủ, khiến nhiều trẻ em nơi đây thành trẻ mồ côi, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cũng đã trở thành “Ông nội của 22 bé Làng Nủ”.

Với hơn 22 năm gắn bó với Công ty TNHH Cannon Việt Nam, chị Nguyễn Thị Dung - Phó phòng lắp ráp số 2 luôn suy nghĩ tìm kiếm và áp dụng các phương pháp, công nghệ sản xuất mới để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, mỗi sáng kiến đem lại lợi ích hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Qua đó đã lan tỏa tinh thần thi đua lao động sản xuất, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, thu hút đông đảo các đồng nghiệp cùng tham gia thi đua sáng tạo, xây dựng công ty ngày càng phát triển lớn mạnh.

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 2
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú - Ảnh: Viết Thành

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, chị Nguyễn Thị Dung là những điển hình tiên tiến trong vườn hoa việc tốt của Thành phố, là 2 người  được vinh danh trong Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, công dân Thủ đô ưu tú năm 2024

Những công dân ưu tú, những gương điển hình tiên tiến được vinh danh, khen thưởng hôm nay thực sự là tấm gương sáng, khơi dậy và lan tỏa những mặt tích cực trong mỗi con người, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đây cũng là hành động thiết thực, cụ thể để thể hiện tình yêu Hà Nội với sự trân trọng, thiêng liêng và tự hào.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đã vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã trao danh hiệu và tặng hoa chúc mừng 70 cá nhân đại diện cho gần 700 “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của thành phố năm 2024.

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 3
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trao danh hiệu và tặng hoa chúc mừng các cá nhân "Người tốt, việc tốt" năm 2024 - Ảnh: Viết Thành
 

Trân trọng chúc mừng các “Công dân Thủ đô ưu tú” và các đại biểu gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” sẽ ngày càng phát triển, có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội vươn lên mạnh mẽ, lập nhiều thành tích xuất sắc, làm cho vườn hoa “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô ngày càng phát triển rực rỡ.

Thủ đô đã không ngừng nỗ lực thi đua tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua ái quốc trên khắp các lĩnh vực

Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và kỷ niệm các ngày lễ lớn trên địa bàn Thủ đô, trong đó có kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Hà Nội tiếp tục triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5/5/2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Luật Thủ đô sửa đổi, tạo tiềm năng, động lực và là tiền đề lớn để Hà Nội thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới.

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 4
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính tới dự hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Ngay từ những ngày đầu năm, Thành phố đã quan tâm chỉ đạo đổi mới các phong trào thi đua và phong trào “Người tốt việc tốt”, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU (ngày 26/12/2022) của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội”...

Đặc biệt, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước kịp thời tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ (ngày 7-4-2014) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Ở mỗi lĩnh vực công tác, mỗi người, cơ quan, đơn vị của Thành phố đều thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tích cực sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, đóng góp vào thành tích chung của Thành phố.

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được chú trọng. Trong đó nhiều chủ trương, chính sách được Hà Nội đi đầu triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, như: Triển khai hiệu quả mô hình chính quyền đô thị; là địa phương đi đầu trong đồng bộ chủ trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; hoàn thành rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Hà Nội cũng là thành phố đầu tiên hoàn thành đề án Trung tâm Phục vụ hành chính công. Công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và các đoàn thể nhân dân được tăng cường; công tác cán bộ có nhiều đổi mới, nhất là thực hiện đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý; thực hiện xét tuyển đặc cách để thu hút cán bộ xuất sắc về làm việc, công tác.

Nhờ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của thành phố”, kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc của cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Hà Nội năm 2023 đạt 83,57%, là năm thứ 6 liên tiếp đạt trên 80%, tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính - PAR Index năm 2023 đạt 91,43 điểm (tăng 1,85 điểm), xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội năm 2023 đạt 43,96/80 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Môi trường đầu tư được cải thiện, Hà Nội trở thành một trong những địa phương thu hút vốn FDI cao của cả nước, với 1,5 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng.

Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lời dạy của Người “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực thi đua tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua ái quốc trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để nhân rộng và lan tỏa giá trị nhân văn ấy ra cộng đồng, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" năm 2024 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các đơn vị thuộc thành phố và một số cơ quan báo chí.

Từ 304 tác phẩm báo chí và 2.200 bài viết, Ban tổ chức lựa chọn 177 tác phẩm báo chí và bài viết vào chung khảo. Quyết định tặng thưởng cho 42 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, bài viết tiêu biểu. 38 tập thể và 43 cá nhân tiêu biểu được tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phát hiện gương điển hình tiên tiến và tích cực tham gia Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.

Đối với Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và hội nhập quốc tế của cả nước; và với truyền thống là “Thành phố gương mẫu cho cả nước”, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cả về phong trào thi đua truyền thống, phong trào thi đua chuyên đề.

Sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng bộ và rộng khắp, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân Thủ đô, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra.

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 5
Các đại biểu dự hội nghị.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành phố sẽ nghiêm túc lĩnh hội đầy đủ những ý kiến chỉ đạo sâu sát, quý báu của đồng chí và sẽ khẩn trương quán triệt, xây dựng thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tập trung triển khai thực hiện ngay trong tháng 10/2024.

Qua hơn 30 năm triển khai, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực cho Thủ đô thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Phong trào “Người tốt, việc tốt” đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống, một phần bản sắc của Thủ đô.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng gần 700 cá nhân được Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2024 và 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” được vinh danh ngày hôm nay. 

Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2025 với 5 nội dung trọng tâm

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2025 với 5 nội dung trọng tâm.

Cụ thể, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước và các thành tựu nổi bật của Thủ đô, đất nước. Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, công chức và người dân, để tinh thần “Người tốt, việc tốt” lan tỏa sâu rộng, trở thành nét văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 6
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Người tốt, việc tốt”; quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua trong các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, giáo dục, y tế và xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.

Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức thi hành hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi) và các quy hoạch Thủ đô; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết quan trọng khác của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.

Thành phố cũng sẽ chủ động chuẩn bị và phối hợp các cơ quan Trung ương tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2025, tạo không khí sôi nổi, đoàn kết, phát huy tinh thần yêu nước của quân và dân Thủ đô. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và dự án, nhất là các công trình trọng điểm của thành phố và quốc gia.

Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 26-12-2022 của Thành ủy. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị điển hình tiên tiến ở các cấp, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước thành phố giai đoạn 2025-2030 và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 11.

​Vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” - ảnh 7
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội chúc mừng các "Công dân Thủ đô ưu tú", gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" cấp TP năm 2024 được tuyên dương

Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh: “Chặng đường 70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội với khát vọng xây dựng Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024

Tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân -Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng T.Ư và Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh -Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP đã trân trọng trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 cho 10 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, đó là:

1. Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Giảng viên cao cấp, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Ông đã trực tiếp nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, tham gia nhiều chính sách của Thành phố, là đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, ông luôn tích cực đóng góp vào diễn đàn Quốc hội và các vấn đề liên quan đến Thủ đô. Ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

2. Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân: Bà đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy miễn phí cho người dân trên địa bàn Thủ đô về các điệu hát cổ truyền, đặc biệt là bộ môn hát xẩm, hát văn, qua đó đã góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hoá nghệ thuật truyền thống.

Bà đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; nhiều lần được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.

3. Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Chánh văn phòng Báo Kinh tế & Đô thị, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân: Bà đã có sáng kiến xây dựng “Mô hình giáo dục đặc biệt hỗ trợ thanh thiếu niên, người khuyết tật, tự kỷ phát triển bền vững trên địa bàn TP Hà Nội”. Bà đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua Thành phố.

4. Ông Hoàng Quốc Hải, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội: Ông đã có hơn 2.000 bài viết, nhiều tác phẩm phản ánh trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội của Hà Nội, tiêu biểu như “Làng trong phố”, “Ký sự ven hồ”…; đặc biệt là 2 bộ tiểu thuyết “Bão táp Triều Trần”, “Tám triều Vua Lý”. Ông đã được tặng Giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”, “Giải thưởng Nhà nước” cho bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần”.

5. Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, Chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Trưởng nhóm Chuyên gia sửa đổi Luật Thủ đô: Bà tham gia xây dựng Nghị quyết số 15 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Bà đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu.

6. Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: Trên cương vị Bí thư Thành ủy 2 nhiệm kỳ liên tiếp, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khoá XIII, ông đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. TP Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện về mọi mặt. Sau khi nghỉ công tác, ông luôn tích cực đóng góp xây dựng đối với Thủ đô và đất nước.

7. Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: trong thời gian công tác tại Hà Nội, ông luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; trực tiếp chủ trì chương trình khoa học cấp Nhà nước về phát huy các tiềm lực, nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững; tham gia Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội. Ông đã được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo ưu tú; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất.

8. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y học, Bác sỹ cao cấp, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác khám chữa bệnh chuyên ngành cột sống, chấn thương chỉnh hình, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên cả nước và Thủ đô.

9. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Hạ: ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo, khám phá nhiều vụ án lớn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.

10. Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.(Vì lý do sức khỏe, Trung tướng Chu Duy Kính không thể đến tham dự Hội nghị vinh danh)

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Chúng ta vừa trải qua những ngày tháng Mười lịch sử, với chuỗi các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) mà dư âm, ký ức hào hùng về một Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trái tim, biểu tượng của lịch sử, văn hóa và phát triển của đất nước Việt Nam vẫn còn đong đầy trong tâm trí người Hà Nội, nhân dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Hà Nội.
"Hành trình xe đạp hữu nghị vì một Hà Nội xanh"

"Hành trình xe đạp hữu nghị vì một Hà Nội xanh"

(PNTĐ) - Sáng 17/11, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình "Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh" lần thứ 4. Hoạt động nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị, nâng cao nhận thức của người dân cùng bạn bè quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội về gìn giữ môi trường sống xanh, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành phố vì hòa bình, xanh-sạch-đẹp, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Các “điểm nghẽn” cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô

Các “điểm nghẽn” cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô

(PNTĐ) - Tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn”,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa XIII.